Chuyện tình người nhạc sĩ ca khúc ‘cô lái đò’

20:00 | 14/02/2016;
Người vợ của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc kể rằng, chưa bao giờ trong đời, bà thấy người chồng tài hoa của mình cười hạnh phúc tới vậy… Đó là khi bà thủ thỉ nói: “Em ước, mình cứ đi mãi cùng nhau thế này tới tận thiên đường”.
Căn nhà của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc nhỏ nhưng ăm ắp kỷ niệm của gia đình với những bức họa được bày biện ngăn nắp của ông.

Bà Trần Thị Bảo – người vợ suốt 60 năm gắn bó với ông từ thưở ban đầu lưu luyến nay cũng đã hơn 90 tuổi. Bà nguyên cán bộ Xưởng phim hoạt họa Việt Nam, là con gái bà Phùng Thị Tài - chủ hiệu phở Cát Tường nổi tiếng trên phố Cầu Gỗ (Hà Nội).

Nhớ lại thời thơ ấu, dù rất ham học nhưng là phận gái nên cô bé Bảo chỉ được bố mẹ cho học hết lớp 3 - sau khi đã biết đọc, biết viết, biết tính những phép tính đơn giản. Thèm học nên mỗi tối, khi gia sư đến dạy học cho các anh trai, Bảo lại đứng cửa nhìn các anh học và tự lẩm nhẩm làm toán. Về sau, cha cô xin cho học chữ Nho tại cửa hàng sách của ông bác gần nhà. Những khi bác không để ý, cô bé mải miết đọc hết sách này tới sách khác có trong thư viện.

Ở tuổi 17, cô gái Bảo đã nổi tiếng với nước da trắng nõn, đôi mắt đăm chiêu, miệng cười duyên dáng khiến ông Tham tán, chủ doanh nghiệp phải ngó nghiêng.

Thời gian đó, Bảo gặp nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc tại hiệu sách của anh trai Cả Ngoạn ở 110 Cầu Gỗ. Anh Phúc là người thường xuyên trong số bạn bè hay lui tới đọc. Với cô Bảo ngày ấy: “Anh Phúc thật thà, nói chuyện có duyên, tuy nhà nghèo nhưng học giỏi đỗ Tú tài. Gia cảnh anh Phúc khó khăn, đông anh em, mẹ bán cá ở chợ Đồng Xuân, tối anh phải đi kéo đàn Cello ở các Bar kiếm tiền giúp mẹ nuôi các em nên trong thâm tâm Bảo rất cảm kích. Một ngày, anh Phúc đưa Bảo mảnh giấy, vỏn vẹn mấy chữ: “Cô Bảo có muốn là vợ anh không?”. Tôi không trả lời, nhưng trong dạ thầm nghĩ, nếu lấy chồng sẽ lấy anh Phúc, nếu không thành sẽ không lấy ai cả”.
 Nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đình Phúc và bà Trần Thị Bảo hồi trẻ 
Khi biết mối quan hệ giữa cô con gái và nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, gia đình Bảo phản đối kịch liệt vì không muốn gửi gắm cô con gái vàng ngọc cho “loại xướng ca vô loài”.

Bà Bảo kể: “Thầy tôi gọi tôi lên hỏi với giọng nghiêm khắc. Tôi chột dạ khi nhìn thấy con dao đặt trên bàn. Thầy quát: Dao đây, con đâm thầy một nhát! Thấy thầy lên cơn giận dữ tam bành, tôi đành tìm kế hoãn binh, giơ tay xin thề: Con xin hứa sẽ không lấy anh Phúc ạ!”.

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đi theo Mặt trận Việt Minh, còn cô Bảo thì phục vụ lớp Bình dân học vụ. Giữa năm 1947, hai người có cơ hội gặp nhau ở chiến khu Việt Bắc, anh Phúc lại gửi cho người yêu vỏn vẹn vài chữ “Cô Bảo là vợ anh” rồi hai người lại nhìn nhau cười như nắc nẻ.

Năm 1949 (cô Bảo tròn 25 tuổi và Nguyễn Đình Phúc 30 tuổi), sau khi lo cho các em ổn định, Bảo lên Thái Nguyên tổ chức đám cưới với người mình yêu vào ngày 19/8/1949 trong không khí vui vẻ, nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng và nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi làm chủ hôn.
 và khi về già
Là người phụ nữ vững vàng và luôn nuốt nước mắt vào trong nên ngay cả khi nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc ra đi, bà Bảo vẫn lặng lẽ không khóc. Trọn 100 ngày xa chồng, bà đã viết cuốn hồi ký nồng nàn, da diết như tiếng đàn bầu sâu thẳm, dày 102 trang có tựa đề: “100 ngày anh ơi. Em thiết tha kể chuyện chúng mình”.

Năm 2001, khi nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc sắp mất, đã vội cầm tay nói với bà Bảo rằng: “May quá, đời tôi lấy được bà”, rồi cười mãn nguyện. “Ông ấy chỉ trả nợ một câu ấy, nhưng tôi nhớ mãi” - bà Bảo bồi hồi.
 Bà Trần Thị Bảo trong tranh Nguyễn Đình Phúc

Trước khi ông mất không lâu, khi họ khoác tay nhau dạo bước, bà Bảo thủ thỉ với người chồng mà bà luôn ngưỡng mộ, yêu thương da diết rằng: “Em ước, mình cứ đi mãi cùng nhau thế này tới tận thiên đường”… Chưa bao giờ trong đời, bà Bảo thấy người chồng tài hoa của mình cười hạnh phúc tới vậy…

Nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc ngoài sáng tác nhạc, còn làm thơ, vẽ tranh, viết sách nghiên cứu dân gian... Hồi đó, ông Phúc rất say mê bài thơ “Cô lái đò”, trong khi nhạc sĩ Phạm Duy thì mê bài thơ “Cô hái mơ” (cùng tác giả Nguyễn Bính). Một lần, vào chiều thứ bảy, hai ông rủ nhau dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm và giao ước với nhau, khi về nhà, phải sáng tác được một ca khúc. Hai ca khúc đánh dấu sự bứt phá của nền tân nhạc Việt Nam ra đời giản dị như thế… Còn ca khúc “Tiếng đần bầu” được ra đời khi ông đi lưu diễn ở nước ngoài, khi ông muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế về tâm hồn, vẻ đẹp sâu thẳm của con người Việt Nam qua tiếng đàn bầu một dây với bộn bề cảm xúc…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn