Chuyện về 2 người phụ nữ dũng cảm bị kẹt ở Bắc Cực vì Covid-19

17:53 | 08/06/2020;
Phụ nữ vốn mong manh và yếu đuối, nhưng vẫn có những ngoại lệ. Ví dụ như trường hợp của Hilde Strom, 55 tuổi và Sunniva Sorby, 59 tuổi, hai người phụ nữ đang bị mắc kẹt ở Bamsebu, một khu cabin nằm giữa lục địa Na Uy và Bắc Cực trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt.

Khu cabin Bamsebu được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước. Đây là nơi vốn chỉ dành cho nam giới sống sót trước thời tiết và khí hậu khắc nghiệt của Bắc Cực. Chính vì thế, Strom và Sorby chính là những người phụ nữ đầu tiên trên thế giới sống tại Bamsebu.

Chuyện về 2 người phụ nữ dũng cảm bị kẹt ở Bắc Cực vì Covid-19 - Ảnh 1.

Hilde Strom, 55 tuổi và Sunniva Sorby, 59 tuổi, hai người phụ nữ đang bị mắc kẹt ở Bắc Cực

Strom và Sorby đều là những CTV của Viện nghiên cứu địa cực của Na Uy. Theo kế hoạch, họ đến Bắc Cực từ tháng 2/2020 và ở Bamsebu trong vòng 3 tháng. Nhiệm vụ chính của họ là thu thập dữ liệu và cung cấp những mẫu vật cho các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới, trong đó có Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA).

Công việc của họ lẽ ra sẽ kết thúc ngay trong tháng 5. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp khiến Strom và Sorby không thể quay lại Na Uy và họ bị kẹt trong khu cabin rộng 215m2 này. Với tình hình như hiện nay, sớm nhất là tháng 9/2020, họ mới có thể rời Bắc Cực.

Cả hai đều là những phụ nữ có kinh nghiệm sinh sống ở những nơi có điều kiện thời tiết lạnh giá. Strom đã sống ở Svalbard, một quần đảo thuộc Bắc Cực, trong 23 năm qua trong khi Sorby đến từ British Columbia, Canada.

Chuyện về 2 người phụ nữ dũng cảm bị kẹt ở Bắc Cực vì Covid-19 - Ảnh 2.

Hằng ngày, họ phải mất rất nhiều thời gian để khoác trên mình 25 pound quần áo để đi ra ngoài

Hiện tại, Strom và Sorby tiếp tục theo dõi các loài động vật hoang dã, quan sát tình hình thời tiết, các đám mây, cực quang và băng biển để phục vụ công tác nghiên cứu. Họ vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến loài gấu Bắc cực đang săn một con tuần lộc. Do số lượng hải cẩu và các động vật khác ở đây bị giảm sút nghiêm trọng, gấu Bắc Cực bị đói và nó buộc phải thích ứng với việc săn tuần lộc, loài vật có tốc độ rất nhanh và khó săn bắt hơn nhiều.

Cuộc sống của Strom và Sorby khi chống chọi với thời tiết giá lạnh gặp rất nhiều khó khăn. Hằng ngày, họ phải mất rất nhiều thời gian để khoác trên mình 25 pound quần áo để đi ra ngoài. Do không có máy rửa chén hoặc máy giặt, các công việc vặt chiếm phần lớn thời gian của họ. Nước ngọt được họ thu thập bằng cách lấy ở mặt đất đóng băng bên ngoài và gỗ được cắt nhỏ để làm nhiên liệu cho bếp lò.

Chuyện về 2 người phụ nữ dũng cảm bị kẹt ở Bắc Cực vì Covid-19 - Ảnh 3.

Strom và Sorby tiếp tục theo dõi các loài động vật hoang dã, quan sát tình hình thời tiết, các đám mây, cực quang và băng biển để phục vụ công tác nghiên cứu

Mặc dù cuộc sống gặp nhiều thách thức, Strom và Sorby vẫn tranh thủ thu thập những thông số, dữ liệu để gửi cho các nhà khoa học nghiên cứu về các vấn đề môi trường, thay đổi khí hậu. Họ còn kết nối với 5.000 trẻ em thông qua các cuộc gọi video để tương  tác, giáo dục bọn trẻ về ý thức bảo vệ môi trường.

Mỗi buổi sáng, khi Strom và Sorby thức dậy, họ lập tức sử dụng bếp củi để tạo nhiệt ở nơi mình sinh sống. Họ làm ăn sáng, rửa bát và tiếp tục công việc thu thập dữ liệu trong ngày, viết và báo cáo. Strom tâm sự: "Khó khăn không khiến chúng tôi chùn bước. Chúng tôi mong đến ngày có thể trở về quê hương, thưởng thức cappuccino nóng, bánh quế ấm, ngắm những cơn mưa rào và ôm những người thân yêu của mình".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn