Cây sả là một loại cây đã gắn bó với đồng bào các dân tộc ở tỉnh Hòa Bình khoảng 20 năm nay. Đây là loại cây tốn ít công chăm sóc, đặc điểm sinh trưởng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất dốc. Cây nhanh được thu hoạch, lại không có sâu bệnh.
Theo số liệu của Liên minh hợp tác xã tỉnh Hoà Bình, tại thành phố Hòa Bình hiện có 10/15 xã, phường có trồng sả với tổng diện tích khoảng 302 ha. Trong đó, phường Thống Nhất (Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) là địa phương có diện tích trồng sả lớn hơn cả. Cách đây chừng chục năm năm trước, cây sả vẫn được xem là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc Mường, Dao ở phường Thống Nhất.
Thế rồi, có thời kỳ sau đó, nhu cầu của thị trường khiến giá cây sả "xuống dốc không phanh", đời sống người dân ở phường Thống Nhất gắn bó với cây sả gặp khó khi tình trạng "được mùa, mất giá" liên tiếp xảy ra.
Bà Dương Thị Xuân (63 tuổi, trú tại phường Thống Nhất) kể rằng, những năm trước, có những thời điểm cây sả thu hoạch về không biết bán cho ai nên người dân phơi, chất đống như người miền xuôi chất rơm để đun bếp. Rồi lại có trường hợp giá rớt thê thảm quá nên người dân chẳng buồn thu hoạch, bạt ngàn đồi xả cứ thế cháy khô lá.
Thế nhưng, đó là câu chuyện của quá khứ, hiện tại, cây sả ở phường Thống Nhất đã có đầu ra ổn định, đời sống người dân cũng theo đó mà được cải thiện rõ rệt. Và người có công mày mò, tìm được hướng đi đúng cho cây sả là một người phụ nữ năm nay đã bước sang tuổi 67. Đó là bà Nguyễn Thị Bình, giám đốc Hợp tác xã (HTX) Bản Dao – Thống Nhất.
Tôi có may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với vị nữ giám đốc này để nghe bà chia sẻ về cơ duyên gắn bó với cây sả. Nói là may mắn bởi theo bà Bình, dù đã ở cái tuổi được quyền nghỉ ngơi nhưng chẳng mấy khi bà ở nhà mà di chuyển nay đây, mai đó để học hỏi kinh nghiệm để phát triển HTX.
Chẳng thế mà dù đã lớn tuổi nhưng mạng xã hội, máy vi tính hoặc bất cứ gì phục vụ cho công việc của HTX, bà Bình đều am hiểu và sử dụng một cách thành thục. Và cũng chính tư duy nhanh nhạy, bắt kịp xu hướng công nghệ đã giúp vị nữ giám đốc dẫn dắt HTX Bản Dao – Thống Nhất có được thành công như ngày hôm nay. "Bản thân mình đã có tuổi nên thua thiệt về nhận thức nên phải cố gắng dùng sự cần cù để bù đắp lại", bà Bình cởi mở chia sẻ.
Bà Bình gắn bó với mô hình hoạt động theo kiểu HTX từ khi người ta còn làm chung, ăn chung rồi vắt qua thời kỳ đổi mới với mô hình HTX hoạt động theo Luật HTX 2012. Bà Bình kể rằng, thời ấy, ở phường Thống Nhất chủ yếu là người dân tộc Dao. Họ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, nhà nào biết nhà ấy.
Thấy cách làm việc như vậy không ổn nên bà tụ họp chị em lại để cùng nhau sản xuất và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm thành nhóm, mối. Cứ thế, từ 20 thành viên ban đầu, đến nay HTX Bản Dao - Thống Nhất đã có 86 thành viên.
HTX do bà Bình làm chủ khi ấy hoạt động đa dạng hóa các loại hình sản xuất và chủ yếu là giúp đỡ tiêu thụ những sản phẩm do các thành viên làm ra. Đến năm 2015, Luật HTX kiểu mới được áp dụng, bà Bình lại bỏ ra 2 năm chỉ để nghiên cứu thị trường, mày mò phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.
Thời điểm này, phường Thống Nhất cũng như nhiều địa phương khác của thành phố Hòa Bình giá cây sả tăng chóng mặt. Mỗi cân sả khi ấy có giá 12.000-14.000 đồng khiến người dân đổ xô đi trồng sả khiến diện tích trồng cây sả tăng vọt, những quả đồi ở Thống Nhất đều xanh màu lá sả.
Trở thành cây trồng chủ lực, mang lại sự thay đổi rõ rệt về đời sống kinh tế của người dân được khoảng 2 năm thì cây sả rơi vào biến động khi giá tụt thê thảm, có khi loanh quanh mốc 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Sự biến động ấy khiến nhiều người dân lao đao, sả trồng ra không bán được hoặc nếu có bán cũng bị thương lái ép giá dẫn đến thua lỗ nặng. Như bao người trồng sả khác tại thành phố, các thành viên HTX Bản Dao - Thống Nhất hoàn toàn "sốc" tâm lý, mất niềm tin vào thị trường, không ít người "thối chí", muốn bỏ cuộc.
Để "cứu" hàng nghìn tấn sả/vụ cho bà con, bà Bình đã cùng Ban quản trị HTX tính toán phương án. Để rồi, sau nhiều chuyến đi thực tế ở nhiều địa phương có trồng cây sả, bà Bình cũng đã tìm ra được hướng đi mới cho cây sả bằng cách biến cây sả từ mặt hàng tươi thành hàng qua chế biến để được lâu dài với công dụng đa năng.
Sau khi cân nhắc đủ đường, bà Bình quyết định đem nguyên liệu của HTX đi thuê cơ sở chiết xuất tinh dầu. "Trừ chi phí vận chuyển, chi phí thuê chiết xuất, lợi nhuận còn lại rất thấp nhưng lại giải quyết hết hàng tồn đọng cho các thành viên. Về trước mắt, đây là giải pháp khả thi nhất", bà Bình chia sẻ.
Chuyến xe chở những tấn sả cuối cùng rời khỏi HTX Bản Dao - Thống Nhất cũng là lúc nhiều thành viên của HTX vỡ òa trong niềm hạnh phúc vì sả đã được bán hết và còn mừng vui hơn nữa khi cây sả từ đây đã có đầu ra mới bền vững hơn.
Sự vui mừng của các thành viên trong HTX khi ấy nhưng lại chất chứa trong bà Bình hàng nghìn nỗi ưu tư. Bởi hơn ai hết, qua những lần theo xe đi tiêu thụ sả, bà biết được rằng, với cách tiêu thụ như hiện tại, những người nông dân sẽ chỉ được hưởng phần "ngọn", phần "cành", còn phần "hoa", "quả" đều đã được mang đi cho người khác.
"Công chăm sóc, thu hoạch rồi vận chuyển đến cơ sở chế biến nếu trừ đi các khoản đó thì người dân sẽ chẳng còn lời lãi là bao. Vì thế nên tôi nghĩ rằng nếu có được một nhà máy chế biến đặt ngay tại địa phương để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào thì còn gì bằng", bà Bình nói.
Từ đó, ý tưởng trồng và chế biến tinh dầu sả theo chuỗi giá trị nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường. Ý tưởng này sau đó đã đạt giải tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh", được nhận thưởng 150 triệu đồng từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam, trực tiếp được Hội phụ nữ các cấp tỉnh Hòa Bình chỉ đạo triển khai.
Từ ý tưởng đó, năm 2019 - 2020, bà Bình bắt tay xây xưởng chiết xuất tinh dầu sả của chính HTX, đầu tư phân bón, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây sả, in nhãn, làm bao bì sản phẩm…
Các thương lái thấy HTX Bản Dao có dây chuyền chưng cất tinh dầu, ngay lập tức tăng giá thu mua nguyên liệu thô, theo đó giá sả của các thành viên cũng được nâng lên.
Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của bà Bình cùng các thành viên trong HTX Bản Dao - Thống Nhất mà sản phẩm tinh dầu sả đã liên tiếp gặt hái được những thành công. Có thể kể đến như năm 2020, đạt giải "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh". Năm 2021, sản phẩm tinh dầu sả của HTX đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Trên đà phát triển, năm 2022, sản phẩm tinh dầu sả của HTX Bản Dao được tỉnh Hòa Bình đem đi dự thi "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các tỉnh phía Bắc".
Mới đây nhất, ngày 20/9/2022, sản phẩm tinh dầu sả chanh của HTX bản Dao được Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022. Đến tháng 10/2022, bà Nguyễn Thị Bình vinh dự là đại biểu phụ nữ tham dự hội nghị đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ.
Hiện tại, tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục xem xét, đánh giá nâng sao cho sản phẩm tinh dầu lên OCOP 4 sao. Nếu mọi việc thuận lợi, tinh dầu sả được cấp chứng nhận OCOP 4 sao sẽ là điều kiện cần để HTX có cơ hội xuất khẩu không những tinh dầu sả mà cả củ sả đi khắp các thị trường thế giới.
Bình quân mỗi ngày, HTX đưa vào 1,5 - 1,6 tấn sả nguyên liệu và chiết xuất, tương đương lượng tinh dầu sả chiết được khoảng 2,5 - 3 lít tinh dầu thành phẩm. Với giá bán từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/lít như hiện tại, mỗi tháng doanh thu đạt khoảng gần 200 triệu đồng.
Việc chiết xuất tinh dầu sả góp phần tận dụng hết những củ nhỏ không bán được, cùng vỏ, lá và rễ tận thu mua cho thành viên để nấu tinh dầu… Bã của sả sau khi chiết xuất được ủ thành phân hữu cơ, hoặc ủ rải chống mối mọt chăm cây, tái sản xuất hiệu quả. Việc tận dụng triệt để phế phẩm trong quá trình chiết tinh dầu đã giúp HTX tiết kiệm hàng triệu đồng mỗi tháng.
Bà Bình cũng cho biết thêm, thời gian tới, bà mong muốn có được sự hỗ trợ của nhà nước để HTX tiếp tục đầu tư trang thiết bị, nhằm nâng cấp quy trình sản xuất, đổi mới mẫu mã, bao bì; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và xúc tiến thương mại, từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
HTX Bản Dao - Thống Nhất hiện có 86 thành viên, trong đó 90% là dân tộc Dao. Mỗi thành viên có thu nhập trung bình từ 5-6 triệu/tháng. Nhiều thành viên HTX là hộ nghèo, cận nghèo; trong đó có những hộ đã thoát nghèo từ cây sả chanh.
Chị Triệu Thị Hoa (thành viên HTX) là người dân tộc Dao, trước đây, gia đình chủ yếu dựa vào làm ruộng nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi tham gia HTX, gia đình chị Hoa được tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư các khoản chi cho sản xuất, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc.
"Cây sả khi trồng được HTX bao tiêu, không lo về đầu ra sản phẩm. Từ khi gắn bó với HTX, gia đình tôi đã sắm được nhiều tiện nghi như ti vi, xe máy; có được khoản tiết kiệm nhỏ, từng bước thoát khỏi hộ nghèo tại địa phương", chị Hoa chia sẻ.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tình cũng có cuộc sống ổn định hơn kể từ khi tham gia HTX. Chị Tình cho biết, ngoài việc được bao tiêu đầu ra, chị cũng như nhiều thành viên khác còn được hỗ trợ vốn, phân bón, cây giống để sản xuất, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, toàn bộ cây sả chanh và các sản phẩm nông nghiệp của thành viên đều được HTX thu mua, giúp các thành viên có thêm thu nhập, tạo động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu tại quê hương.
Chị Triệu Thị Vân (trú tại phường Thống Nhất) chia sẻ: "Tôi là người dân tộc Dao, gia đình có trồng 4ha sả, nhưng giá bán ra thấp chỉ khoảng 8-10 nghìn đồng/kg. Từ khi có lò chưng cất tinh dầu sả của Hợp tác xã Nông nghiệp bản Dao - Thống Nhất, những cây sả nhỏ và phần lá thường bị loại bỏ được hợp tác xã thu mua chưng cất thành tinh dầu, giá thành cây sả tăng lên gấp đôi. Nhờ vậy mà nhà tôi đã sắm được nhiều tiện nghi như tivi, xe máy, vươn lên thoát nghèo".
Lãnh đạo UBND phường Thống Nhất đánh giá, cơ sở chế biến cây sả thành tinh dầu của HTX bản Dao đã giúp bà con người dân tộc thiểu số thoát nghèo, có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Bản thân bà Nguyễn Thị Bình là người tự tin, năng động, dám nghĩ dám làm, luôn nhiệt tình hỗ trợ những người dân nghèo không có vốn sản xuất, xứng đáng là tấm gương sáng cho chị em dân tộc thiểu số noi theo.
Bà Đinh Thị Ngọc Hoa (Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hoà Bình) cho rằng, các HTX, tổ hợp tác đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sinh kế, là các mô hình tổ chức sản xuất tập trung, hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất; giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn