Chuyện về nhà xuất bản chỉ có đúng 1 người

23:36 | 25/10/2017;
Đó chính là chuyện của NXB Phụ nữ tròn 60 năm trước, được bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc kiêm Tổng Biên tập của đơn vị làm sách này kể trong Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tổ chức tại Hà Nội vào sáng 25/10/2017.
4.jpgBà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu chúc mừng NXB Phụ nữ kỷ niệm 60 năm thành lập

Bà Khúc Thị Hoa Phượng cho biết, NXB Phụ nữ đi vào hoạt động năm 1957 với duy nhất 1 người là bà Nguyễn Thị Bích Thủy. Bà từng là cán bộ làm công tác vận động quần chúng trong cách mạng, sau làm cán bộ ban Tuyên huấn của Hội LHPN VN. Chính bà đã đôn đáo để lập đề án thành lập NXB Phụ nữ.
Thuở “khởi nghiệp” ban đầu ấy, gia tài của NXB chỉ là một chiếc vali nhỏ, chuột đã khoét một lỗ to, trong đựng lèo tèo một số bản thảo, đa số là truyện dịch của Trung Quốc, Liên Xô… với lời dặn dò, trao gửi của chị Trương Thị Dũng, Phó ban Tuyên giáo Trung ương Hội LHPN VN: “Sau hòa bình lập lại từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, lãnh đạo nhận thấy tuy Hội có phương tiện tuyên truyền là tờ báo Phụ nữ, song để thâm nhập vào đông đảo quần chúng, Hội cần có bộ phận xuất bản sách, để tuyên truyền, giáo dục quần chúng được sâu rộng hơn…”.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ, câu chuyện khởi nghiệp chỉ với duy nhất 1 cán bộ lo tất cả các công việc của một NXB thuở ban đầu ấy và tinh thần tự đọc, tự học; tự trang bị kiến thức lý luận, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vấn đề phụ nữ và giải phóng phụ nữ, về công tác phụ vận; tự tìm hiểu nhu cầu của chị em phụ nữ, tự tìm kiếm cộng tác viên… khiến những người thế hệ kế tiếp không khỏi xúc động. Bởi chỉ có tinh thần dấn thân, trách nhiệm và đam mê “nghiệp” xuất bản mới có thể làm nên kỳ tích: Ngay năm đầu thành lập, NXB đã cho ra đời được 27 đầu sách, trong đó có nhiều cuốn chị em phụ nữ và bạn đọc vô cùng yêu thích, tái bản nhiều lần với số lượng đáng mơ ước cho đến tận hôm nay.

Từ thuở với muôn vàn khó khăn, đến nay, sau 60 năm, NXB Phụ nữ đã có những thành tích đáng nể. Hơn 13.000 đầu sách với hàng triệu bản sách đã đến với độc giả trong suốt 6 thập kỷ qua. Nhờ chủ động quan sát và nắm bắt được nhu cầu của phụ nữ, NXB đã kịp thời cho ra mắt những tủ sách chất lượng, thu hút độc giả như Tủ sách Khoa học – Giáo dục và Đời sống, Tủ sách Tâm lý - Kỹ năng và Nuôi dạy con - Giáo dục gia đình, Tủ sách Ngoại ngữ - Du học.

2.jpg
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB Phụ nữ 

Nổi bật là Tủ sách Văn học Việt Nam với hàng loạt tác phẩm - tác giả“ danh giá” của NXB giành giải thưởng Văn học uy tín với “thương hiệu” các nhà văn hàng đầu văn đàn Việt Nam như: Dạ Ngân với Gia đình bé mọn (Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2005, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2006), Nguyễn Xuân Khánh với Mẫu Thượng ngàn đoạt giải thưởng “đúp” của Hội Nhà văn Hà Nội 2006 và Giải Vàng sách Đẹp của Hội Xuất bản Việt Nam 2006, Đội gạo lên chùa đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam - 2012, Ma Văn Kháng với Một mình một ngựa đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2009, Hoàng Quốc Hải với Tám triều vua Lý đoạt Giải Bạc sách Hay của Hội xuất bản Việt Nam 2011…

Đặc biệt, trong giới làm sách, NXB Phụ nữ được các đồng nghiệp nể trọng với câu chuyện “xé rào” và bản lĩnh. Trong thời kỳ đổi mới của đất nước, NXB Phụ nữ là đơn vị tiên phong cho in những cuốn tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử, về chiến tranh, hậu chiến dưới góc nhìn đổi mới như Bên kia bờ ảo vọng (Dương Thu Hương), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Thân phận tình yêu (Bảo Ninh), Ngồi một chỗ thấy ngoài ngàn dặm (Triệu Bôn), Cỏ dại (Ma Văn Kháng), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh)…

Câu chuyện về cuộc hội thảo tác phẩm Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh (năm 2000) có thể coi là dấu mốc quan trọng về bản lĩnh của NXB Phụ nữ khi tiên phong tổ chức cuộc hội thảo văn học về nhân vật Hồ Quý Ly còn nhiều tranh cãi và bản thân nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chính thức chính danh trở lại văn đàn sau 30 năm “gác bút”. Các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà lịch sử, nhà quản lý đã cùng trao đổi thẳng thắn ý kiến trong một cuộc hội thảo sôi nổi, giàu chất học thuật và dân chủ. Cùng năm đó, Hồ Quý Ly đoạt giải tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, khiến văn đàn Việt Nam trở nên sôi nổi, nức lòng, đặc biệt với giới nghiên cứu, phê bình và bạn đọc. Năm 2017, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật cho bộ ba tác phẩm: Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa được in ở NXB Phụ nữ. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã xúc động nói: “NXB Phụ nữ đã mang tôi trở lại văn đàn”…

Nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng cho biết, ông thực sự nể bản lĩnh của những người công tác tại NXB Phụ nữ. Khi bản thảo bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần gặp khó trong việc ra mắt, các biên tập viên và lãnh đạo NXB đã không buông xuôi mà làm đủ cách như đề nghị cơ quan chủ quản, Hội Nhà văn… thẩm định bảo thảo. “Nếu không có NXB Phụ nữ, thì đã không có bộ Bão táp triều Trần được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật”, nhà văn Hoàng Quốc Hải nói.

Phát biểu trong Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập NXB Phụ nữ, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, khẳng định: Hội LHPN Việt Nam luôn ghi nhận và đánh giá cao chặng đường 60 năm phát triển của NXB Phụ nữ. NXB Phụ nữ luôn là đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế tự chủ. Những đầu sách mà NXB Phụ nữ phát hành đã góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao vị thế của người phụ nữ.

3.jpg
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với những tác phẩm do NXB Phụ nữ ấn hành được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2017 

Những năm gần đây, NXB Phụ nữ thành lập các bộ phận bản quyền và truyền thông chuyên trách, đồng thời triển khai kế hoạch Truyền thông tương tác thông qua các Hội sách do NXB chủ trì là Hội sách Mùa Xuân và Hội sách Mùa Thu. Hội sách được cộng đồng bạn đọc đánh giá cao bởi chất lượng công tác tổ chức và chiều sâu các hoạt động, sự kiện giao lưu trực tiếp với bạn đọc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn