Chuyện về những "vầng trăng khuyết" chạm đến trái tim mỗi người

18:44 | 16/04/2024;
Tại chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” do Hội LHPN TPHCM tổ chức, có nhiều phụ nữ khuyết tật kiên trì khẳng định bản thân và tạo ra những giá trị cho xã hội đã chia sẻ về hành trình vượt khó của mình.

Cô giáo đi bằng đầu gối muốn gắn bó lâu dài với nghề

Cô gái Phạm Thị Thu Thủy, sinh năm 1997, bị khuyết tật chân và di chuyển bằng đầu gối, cô là trẻ mồ côi lớn lên tại Làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ. Dẫu bị khiếm khuyết về hình thể nhưng Thu Thủy vẫn kiên trì vượt khó và lan tỏa nguồn năng lượng sống tích cực đến mọi người.

Từ khi còn sinh viên Đại học Sư phạm TPHCM, Thu Thủy đã tham gia sinh hoạt câu lạc bộ Ngôn ngữ ký hiệu của khoa Giáo dục đặc biệt của trường và đạt giải Ba đề tài nghiên cứu khoa học về "Xây dựng vở bài tập Luyện từ và Câu cho học sinh khiếm thính lớp 3". Năm 2022, Thu Thủy đã tốt nghiệp đại học, hiện đang là giáo viên tại trung tâm dạy cho các em khuyết tật tại Nhà Bè, TPHCM.

Chuyện về những “vầng trăng khuyết” chạm đến trái tim mỗi người - Ảnh 1.

Cô giáo trẻ Phạm Thị Thu Thủy.

Thu Thủy chia sẻ: "Mình là người khuyết tật nên hiểu được nỗi đau, sự khó khăn của các bạn cùng cảnh ngộ. Từ khi còn học cấp 2 mình đã thấy được sự khó khăn của các bạn khiếm thị, khiếm thính và mong muốn giúp đỡ các bạn nhưng không biết phải làm sao. Khi lên cấp 3, ước mơ trở thành cô giáo dạy về giáo dục đặc biệt càng bùng cháy hơn. Sau thời gian dài theo đuổi, bây giờ mình đã trở thành giáo viên của một trung tâm dạy cho trẻ khuyết tật.

Thật ra, mình không dám nhận là cô giáo đâu, mình chỉ là người kết nối, chia sẻ, hỗ trợ cho các trẻ em khuyết tật giống mình. Mình mong muốn các con được hòa nhập với xã hội. Mình nhận thấy các học sinh dù có khiếm khuyết một bộ phận nào đó trên cơ thể nhưng các em rất lanh lợi, thông minh, cần được chăm sóc, dạy dỗ đúng cách thì các em sẽ thành người có ích. Trong tương lai, mình mong muốn có thể vào làm ở một trường công lập để có thể gắn bó với công việc lâu dài".

Chuyện về những “vầng trăng khuyết” chạm đến trái tim mỗi người - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, trao bằng khen cho những phụ nữ vượt khó tiêu biểu năm 2024.

Cô gái đi bằng đầu gối và câu chuyện cuộc đời đã chạm đến trái tim của rất nhiều người tham dự chương trình "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết". Đặc biệt, Thu Thủy còn kết thúc buổi trò chuyện với phần biểu diễn ký hiệu tay trên nền nhạc ca khúc "Sống như những đóa hoa" cùng nhóm múa phụ họa. Qua đó, Thu Thủy mong muốn "tiếp lửa" nghị lực sống, tinh thần không ngừng vươn lên trước nghịch cảnh cuộc đời đến với các chị em đồng cảnh ngộ.

Biểu dương những nghị lực phi thường

Không chỉ câu chuyện của cô giáo trẻ Phạm Thị Thu Thủy, tại chương trình "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" do Hội LHPN TPHCM tổ chức vào ngày 16/4, còn có rất nhiều gương phụ nữ khuyết tật vươn lên trong cuộc sống đã đến tham dự và được tuyên dương nhân kỷ niệm 26 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/1998 – 18/4/2024).

Mỗi chị là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều là những tấm gương phụ nữ khuyết tật vượt khó, lan tỏa tinh thần lạc quan, sống tích cực và đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Chuyện về những “vầng trăng khuyết” chạm đến trái tim mỗi người - Ảnh 3.

Ban tổ chức trao bằng khen cho các gương phụ nữ vượt khó tiêu biểu năm 2024.

Chị Nguyễn Thị Hoa (Bình Chiểu, Thủ Đức, TPHCM) bị khuyết tật vận động nhưng vẫn nỗ lực theo đuổi niềm đam mê vẽ tranh. Sau thời gian dài rèn luyện, chị đã vẽ được tranh bằng chân và đã bán sản phẩm ra thị trường. Chị chuyển tải tình cảm, khát khao hạnh phúc và niềm vui qua từng nét vẽ.

"Mình vẽ tranh cho quên hết nỗi buồn trong cuộc sống. Vẽ tranh để tìm cách nuôi sống bản thân. Mình rất vui khi được tham gia chương trình hôm nay và được chia sẻ về câu chuyện của mình", chị Hoa ngọng nghịu chia sẻ.

Chuyện về những “vầng trăng khuyết” chạm đến trái tim mỗi người - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Trần Thị Phương Hoa (bìa phải) và mạnh thường quân trao hoa cho các phụ nữ tham gia tọa đàm tại chương trình.

Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Trần Thị Phương Hoa cho biết: Tại chương trình "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" năm 2024, Hội LHPN TPHCM tuyên dương 20 gương phụ nữ vượt khó tiêu biểu; trao vốn cho 18 chị phát triển kinh tế gia đình; trao tặng 300 phần quà cho các chị em bị khuyết tật (mỗi phần trị giá 2 triệu đồng), tổ chức 18 gian hàng giới thiệu sản phẩm do phụ nữ khuyết tật thực hiện.

Qua đó, chúng tôi mong muốn lan tỏa sâu rộng sự quan tâm chăm lo đặc biệt đến các chị em, giúp các chị em tự tin vươn lên và tạo ra những giá trị cho bản thân và xã hội. Tin rằng, dù cơ thể có khiếm khuyết nhưng trái tim và ý chí của các chị sẽ là tấm gương sáng về nghị lực sống".

Chuyện về những “vầng trăng khuyết” chạm đến trái tim mỗi người - Ảnh 5.

Các chị em khuyết tật tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm.

Theo Hội LHPN TPHCM, thời gian qua, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động quan tâm nhằm tăng cường năng lực cho phụ nữ khuyết tật trong cộng đồng, giúp các chị tự khẳng định giá trị bản thân, có cơ hội để hòa nhập và phát triển như: Ưu tiên giúp đỡ kinh phí sửa chữa nhà dột nát; xây dựng mái ấm tình thương; hỗ trợ hội viên được vay vốn tại địa phương; định hướng, giúp đỡ đào tạo nghề phù hợp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn