Trở thành F0 bất kể lúc nào!
Từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ là cơ sở y tế điều trị nhiều bệnh nhân nhất với trên 1.000 trường hợp đã được chữa khỏi. Hiện BV còn hơn 300 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Các y bác sĩ của BV vì thế vẫn đang ngày đêm điều trị, giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19 nặng từ tay tử thần. Và để các bệnh nhân được khỏe mạnh, bình thường, trở về với gia đình là sự nỗ lực không mệt mỏi của các bác sĩ.
Với bác sĩ Phạm Văn Phúc (Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) đã hơn 1 năm qua luôn kiên trì bám BV, túc trực bên người bệnh. Bởi anh là một trong những y bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Anh bảo, bản thân đã điều trị cho bao nhiêu bệnh nhân cũng không nhớ nữa, chỉ biết hết bệnh nhân này ra viện lại có những bệnh nhân khác được đưa vào.
Trong đợt dịch thứ 4, số ca mắc tăng nhanh, trong đó có cả y bác sĩ của BV. Vì thế, BV cũng bị cách ly y tế nhưng không vì thế mà công việc phải dừng lại, bởi số ca mắc trong đợt này quá lớn, lại tăng nhanh. Chỉ riêng đêm ngày 15/5, đã có 5 bệnh nhân Covid-19 nặng mới vào, anh và đồng nghiệp phải căng mình cấp cứu. Tính chung đêm đó, bác sĩ Phúc phải theo dõi sát sao 18 bệnh nhân nặng, rồi tất tả ngược xuôi chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) cho 1 ca Covid-19 nguy kịch. "Đợt dịch nào anh em cũng vất vả, nhưng lần này đúng là quá nhiều trường hợp nặng phải cấp cứu lại vào giữa đêm khuya, bệnh nhân đa số kèm theo nhiều bệnh nền nên phải can thiệp nhiều thủ thuật. Chính vì thế, số lượng điều dưỡng, bác sĩ được điều động tăng gấp 3 lần so với đợt dịch trước", bác sĩ Phúc chia sẻ.
Ai cũng bảo, việc điều trị, chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19 là vô cùng vất vả và nguy hiểm, bởi thường xuyên tiếp xúc với F0 và họ có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào. N.T.H., nữ điều dưỡng (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) là một ví dụ. H. tuổi đời còn còn trẻ, bị nhiễm Covid-19 trong khi làm nhiệm vụ tại một đêm trực. H. bảo, sáng ngày 4/5 khi phát hiện trong khoa có người dương tính, ngay buổi chiều, Khoa cho toàn bộ cán bộ nhân viên và một số bệnh nhân làm xét nghiệm. H cũng được làm xét nghiệm cho kết quả âm tính.
Tới sáng ngày 5/5, toàn bộ BV bị phong tỏa, cô ở lại luôn để cách ly. H. cũng nói với chồng phải tự cách ly ở nhà vì chồng là F2. Tuy nhiên, tới ngày 9/5, xét nghiệm lần thứ 2, kết quả cho thấy, H đã nhiễm Covid-19. Cô trở thành bệnh nhân. Chồng của H. cũng được y tế địa phương đưa đi cách ly tập trung. Vậy là, cô con gái nhỏ 21 tháng tuổi phải nhờ ông bà ngoại trông giúp. "Em cai sữa con bé rồi nên cũng đỡ vất. Chỉ là cả nhà nhớ nhau thôi. Em hay gọi cho ông xã và con bé. Cả nhà nói chuyện nhìn nhau qua điện thoại. Mong chóng cho tới ngày em được ra viện và ông xã em âm tính trong những lần xét nghiệm tới", H. chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, đã hơn 1 năm qua, anh gần như túc trực ở BV. Khi thì điều trị cho bệnh nhân Covid-19, lúc lại được điều động xuống địa phương hỗ trợ chống dịch, hướng dẫn nhân viên y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm, điều trị. Hội chẩn các ca bệnh covid-19 nặng. Anh bảo, công việc mình tuy vất vả, nhưng chưa là gì so với những nhân viên trực tiếp làm việc, tiếp xúc với bệnh nhân, người cách ly. Có vào vùng dịch mới thấy cường độ làm việc của các y sĩ như thế nào. Ai ai cũng trong bộ đồ ảo hộ bọc kín di chuyển như con thoi, không chuyện trò gì. Trên các bộ quần áo đều có ghi tên, đơn vị công tác, nếu muốn trao đổi thì ra dấu bằng tay hoặc các cử chỉ khác. Hầu hết, các y bác sĩ làm việc không có ngày nghỉ, giờ nghỉ bởi công việc quá nhiều. Vì thế, thi thoảng cộng đồng mạng lại đưa lên những tấm hình nhân viên y tế ngủ gục tại bất kỳ chỗ nào có thể.
Đau thương gửi vào lòng
"Nhìn clip thằng bé khó ngủ vật vã tìm ti mẹ mà mình chỉ lặng lẽ khóc. Nhớ lắm, nhớ cảm giác ôm con vào lòng, nắn tay nắn chân, thơm trán, dụi đầu, xoa lưng....nhớ đến đau tim. Mình biết, còn nhiều người mẹ nữa giống mình ở trong BV Bệnh Nhiệt đới TƯ. Có bạn con mới hơn 7 tháng tuổi. Sáng nay nghe 1 bạn khóc òa vì nhớ con, mình cũng khóc theo. Đúng là các bà mẹ đang cho con bú dễ khóc thật! Thử thách này của ông trời sao xé lòng thế". Đây là những dòng chia sẻ trên facebook rất ngắn gọn của nữ bác sĩ D. đang cách ly trong BV Bệnh Nhiêt đới TƯ.
Chị D. nhà ở Đông Anh (Hà Nội) có 2 con trai, cháu lớn 4 tuổi, cháu bé 10 tháng tuổi. Chị đi cách ly tại BV từ ngày 5/5, hai con để lại cho ông bà nội trông giúp vì chồng công tác trong lực lượng vũ trang, cũng đang đi chống dịch. Sáng ngày 5/5, chị đang làm thì nhận được lệnh phong tỏa toàn BV. Chị đành gọi về nhờ ông bà nội trông con, còn bản thân cách ly trong BV. Dù BV đang cách ly nhưng vẫn phải tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 chuyển tới và trong viện cũng có thêm những ca bệnh mới. Có những ca trực, quá nhiều bệnh nhân phải cấp cứu một lúc, chị và các đồng nghiệp thực sự đã phải chạy chứ không bước đi như bình thường.
Tuy nhiên, điều chị sợ nhất là khi đêm xuống, bởi lúc này cậu con trai út 11 tháng sẽ trằn trọc tìm ti mẹ rồi ngằn ngặt khóc trên tay bà nội. "Mỗi đêm, bé thường thức dậy 3, 4 lần rúc ti mẹ rồi ngủ nhưng từ hôm vắng mẹ, đêm nào hai bà cháu cũng vật lộn với nhau. Bé chỉ ngủ được 1 hoặc 2 tiếng rồi lại dậy, không có ti mẹ, nó khóc, bà phải bế vác cháu lên nhưng cũng có lúc cháu chịu, có lúc cháu không chịu, cứ khóc cả tiếng đồng hồ. Thương bà, thương cháu lắm", chị chia sẻ.
Không chỉ thương nhớ con, thậm chí bố mẹ mất cũng chẳng thề về chịu tang. Chị Đặng Thị Thanh, cán bộ của BV Bệnh nhiệt đới TƯ đã chia sẻ: Sáng hôm nay (22/5) có phần đặc biệt hơn. Đó là một phút mặc niệm để cầu nguyện, chia buồn với nhân viên và gia đình có người thân qua đời. Đây là lần thứ 2 trong tuần chúng tôi thực hiện nghi lễ này. Lần này là mẹ chồng của một cán bộ đang thực hiện công tác chống dịch tại BV. Khi biết tin mẹ mất, cũng là lúc gia đình chị chia 3 ngả. Con cái còn nhỏ được gửi người thân, chỉ có chồng chị may mắn về quê chịu tang trước khi có quyết định cách ly phòng dịch. Còn chị, vẫn trong khu cách ly, không được nhìn mẹ chồng lần cuối. Đại diện BV, cũng không thể đến chia buồn cùng gia đình. Bởi Thanh Hóa (quê chồng) đã có lệnh cách ly những người về từ vùng dịch. Chúng tôi, những cán bộ và nhân viên BV chỉ biết vái vọng từ xa, gửi chút lòng thành, cầu an và chia buồn với gia đình có người đã mất.
Cũng theo chị Thanh, các đó ít hôm thân sinh của bác sĩ T.T.H. đã qua đời. Tuy nhiên, vợ chồng y bác sĩ H. đang ở tuyến đầu chống dịch của BV. Mẹ bác sĩ H. bị bệnh, trước khi mất gắng chống chọi với bệnh tật, cố chờ thêm mấy ngày để được gặp mặt con gái, con rể. Tuy nhiên, bà đã không thể kịp chờ các con trở về thăm mẹ lần cuối. Gia đình tổ chức lễ tang, các con không thể có mặt tham dự tiễn đưa mẹ. BV cũng đã dành một phút mặc niệm vào giờ giao ban buổi sáng, vái vọng và chia buồn với gia đình. "Hiện nay, dịch bệnh đang căng thẳng, phức tạp, BV lại đang giãn cách nên mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều nhờ người thân gánh vác. Thương lắm, đau lắm, nhưng cũng phải nén lại để tập trung cứu chữa, điều trị cho bệnh nhân", chị Thanh chia sẻ.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn