Trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch, các doanh nghiệp do nữ làm chủ đang đứng trước những khó khăn, thách thức gì?
Doanh nghiệp do nữ làm chủ có các điểm mạnh về sự bền bỉ trước khó khăn, thường quan tâm đến các chính sách cho người lao động, đóng góp cho xã hội do đặc thù giới của nữ lãnh đạo. Tuy nhiên, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như quy mô nhỏ, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp. Trình độ năng lực quản trị doanh nghiệp và tiếp cận thông tin, công nghệ còn hạn chế. Nữ doanh nhân lại phải cùng một lúc gánh trách nhiệm kép, định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ trong kinh doanh vẫn còn tồn tại.
Có trên 60% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ xuất phát từ hộ kinh doanh cá thể - nơi làm việc của những người trong gia đình, dòng họ. Đây cũng là nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn trong 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19. Cùng với đó là do chị em sản xuất nhỏ lẻ, chưa tạo được chuỗi liên kết nên khó phát triển bền vững. Nguồn vốn vay vẫn còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế để khởi nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng có nhiều lợi thế. Một báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tỷ lệ sa thải lao động tại doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thấp hơn các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Lợi thế của doanh nghiệp do nữ làm chủ là do quỹ thời gian không nhiều, ở cả khía cạnh tuổi tác và sự trông đợi của người lao động, nên nữ doanh nhân sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng học hỏi để thích ứng, chấp nhận đầu tư dù rủi ro để giữ được việc làm, thu nhập cho người lao động và gia đình mình.
Vì vậy, những thách thức từ môi trường đầu tư, kinh doanh, từ hội nhập trở thành chất xúc tác, chứ không phải là rào cản với nhiều nữ doanh nhân.
Vậy CLB Phụ nữ Đà Nẵng khởi nghiệp đã thực hiện các dự án gì để giúp đỡ doanh nghiệp do nữ làm chủ, với những khó khăn, thách thức kể trên, thưa bà?
CLB còn non trẻ, mới thành lập từ năm 2020, nhưng ngay sau đó là dịch Covid-19 nên mọi hoạt động bị ngưng trệ. Chính vì vậy, cuối năm 2021, đầu năm 2022, chúng tôi mới có thể bắt đầu hoạt động. Có thể nói năm đầu tiên bắt đầu hoạt động đã gặp nhiều khó khăn, ngay trong việc củng cố lại tổ chức.
Tuy nhiên, chúng tôi đã nỗ lực để hoạt động hiệu quả nhất. Chúng tôi bắt đầu từ việc xây dựng logo, thành lập fanpage, vận động kinh phí hoạt động, xây dựng quy chế,… sau đó mới có thể tổ chức các hoạt động bài bản. Năm 2023, CLB đã tổ chức được một số chương trình dành cho phụ nữ; đồng thời kết nối chương trình đào tạo thương mại điện tử, chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch kinh doanh, tìm hiểu, hỗ trợ doanh nghiệp các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội. Cùng đó là hoạt động tư vấn khởi nghiệp về định giá sản phẩm, sản phẩm OCOP, thuế, quản lý rủi ro kinh doanh,…
Có thể nói khá nhiều trở ngại, tuy nhiên CLB đã đi vào hoạt động và có kế hoạch cụ thể. Bà có thể điểm danh một vài hoạt động hỗ trợ đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ trong thời gian qua?
Chúng tôi may mắn được Hội LHPN thành phố Đà Nẵng, Hội LHPN các quận, phường, huyện, xã luôn theo dõi, động viên, tạo điều kiện để các hội viên được vay vốn ưu đãi để khởi nghiệp. Ban Chủ nhiệm CLB phát huy tốt vai trò là cầu nối, là những người tư vấn sẵn sàng hỗ trợ khi hội viên cần.
Cụ thể, Ban Chủ nhiệm đã kết nối với Sở khoa học và Công nghệ thành phố hỗ trợ 7 doanh nghiệp bảo hộ thương hiệu sản phẩm với số tiền trên 100 triệu đồng. Kết nối với Trung tâm khuyến nông hỗ trợ 1 doanh nghiệp về trang thiết bị với số tiền 90 triệu đồng. 70% chị em khởi nghiệp được kết nối nhận hỗ trợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội ở các quận, huyện.
Cùng với đó, Sở Công thương tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ do Thành phố tổ chức và tham gia các chương trình "Ngày hội khởi nghiệp, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do các quận, phường tổ chức. Qua đó, chị em chia sẻ kinh nghiệm, liên kết các ngành nghề, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, Hội LHPN thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm, đề xuất hỗ trợ chị em phụ nữ khởi nghiệp trưng bày sản phẩm vào các hội chợ truyền thống như chợ Hàn; chợ Đêm phía Tây Sông Hàn,… để tăng đầu ra cho sản phẩm. Hội LHPN cấp cơ sở cũng hỗ trợ, tạo điều kiện để chị em tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, giúp các chị phát triển ý tưởng. Riêng Hội LHPN thành phố đã tổ chức nhiều lớp tập huấn giúp chị em có kiến thức về kinh doanh, kiến thức phát triển dự án.
Được biết, ý tưởng kinh doanh là một trong những yếu tố nổi bật của doanh nghiệp do nữ làm chủ hiện nay để phụ nữ làm tiền đề khởi nghiệp. Bà có thể cho một vài ví dụ cụ thể không?
Chị Phan Thị Phương ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, năm 2022 khi chưa tham gia hoạt động CLB, chưa được tư vấn nên khi chị tham gia cuộc thi khởi nghiệp tại quận thì bị loại. Năm 2023, khi tham gia CLB, chị được tư vấn, hỗ trợ đã đạt giải nhất Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp quận Sơn Trà.
Hay chị Ngô Thị Lộc được tư vấn chọn sản phẩm tham gia cuộc thi khởi nghiệp đã đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. CLB cũng tư vấn để chị Lộc hoàn thiện hồ sơ tham gia sản phẩm OCOP.
CLB Phụ nữ Đà Nẵng khởi nghiệp đã giúp kết nối phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ pháp lý trong doanh nghiệp, tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, chuyên nghiệp cùng nhau phát triển. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa của nhau, giúp các thành viên kết nối các đối tác trong và ngoài nước.
Những năm qua, Hội LHPN thành phố và các cấp Hội rất chú trọng hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tập trung hỗ trợ các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, thành lập mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Xin cảm ơn bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn