Phóng viên Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với bà Giàng Sín Xuyển, Chủ tịch Hội LHPN xã Lùng Phình (Bắc Hà, Lào Cai) xoay quanh chủ đề này.
PV: Xin bà cho biết thông tin về Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi của đơn vị mình và những hoạt động từ khi thành lập?
Bà Giàng Sín Xuyển: Hiện Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi ở Trường THCS và THPT Bắc Hà tại xã Lùng Phình có 30 em, trong đó có 17 học sinh nữ và 13 học sinh nam, từ khối 6 đến khối 9, trong đó có 5 em tham gia vào Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Tính đến nay, Câu lạc bộ đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp được 07 buổi, qua loa phát thanh của trường được 32 buổi; tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ được 6 buổi.
Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định ký 1 lần/tháng.
Về nội dung thực hiện, trước khi diễn ra các hoạt động, Dẫn trình viên sẽ định hướng và trao đổi với Ban Chủ nhiệm về chủ đề và các phương án tổ chức hoạt động của buổi sinh hoạt.
Chúng tôi tập trung các hoạt động của Câu lạc bộ hướng đến các vấn đề vướng mắc và cấp bách của trẻ em hiện nay như: Quyền trẻ em; bình đẳng giới; xâm hại tình dục; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; bạo lực học đường; giao tiếp ứng xử trên không gian mạng…
Các em được tổ chức và tham gia các trò chơi, thảo luận nhóm, trình bày và phát biểu ý kiến riêng của mình. Ngoài ra, hoạt động cũng phát huy được vai trò, năng khiếu học sinh như: Vẽ, đóng kịch… Đồng thời, các em cũng được tham gia vào hoạt động truyền thông tại nhà trường và cộng đồng.
PV: Theo bà, kết quả hoạt động của Câu lạc bộ có những chuyển biến hay tác động cụ thể như thế nào?
Bà Giàng Sín Xuyển: Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, các thành viên đã có sự tiến bộ rất rõ rệt. Cụ thể là các em hiểu biết thêm những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em, qua đó tạo sự thay đổi về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em.
Các em học sinh cũng mạnh dạn, tự tin hơn khi giao tiếp, chủ động tham gia vào các hoạt động của nhà trường.
Sau các buổi sinh hoạt, các em trong Câu lạc bộ cũng đã phát huy được vai trò của mình là thành viên nòng cốt tuyên truyền đến các bạn học sinh khác, dẫn dắt và thúc đẩy học sinh trong trường học lên tiếng về quyền được sống an toàn, được bảo vệ tránh khỏi các hành vi bạo lực, xâm hại, kết hôn trẻ em…
PV: Có những bài học kinh nghiệm gì từ việc thành lập và đi vào hoạt động của CLB thủ lĩnh của sự thay đổi, thưa bà?
Bà Giàng Sín Xuyển: Để vận hành tốt và phát huy được thế mạnh của Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi, chúng tôi có đúc rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau: Đó là Dẫn trình viên phải thường xuyên cập nhật văn bản, hướng dẫn về hoạt động của Câu lạc bộ thủ lĩnh để thực hiện.
Giao nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ để các học sinh chủ động, tự tin hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Dẫn trình viên và Ban chủ nhiệm cần có sự phối hợp, thống nhất về ý tưởng, nội dung và phân công nhiệm vụ trong mỗi buổi sinh hoạt.
Một số thành viên trong câu lạc bộ còn nhút nhát, e dè, vì vậy nên tổ chức một số hoạt động bổ trợ cho các thành viên thêm cơ hội được thể hiện mình, tự tin hơn trong giao tiếp và sinh hoạt như: Giới thiệu bản thân, kể chuyện hoặc dẫn chương trình theo chủ đề.
PV: Theo bà thì làm thế nào để duy trì sự bền vững của Câu lạc bộ này?
Bà Giàng Sín Xuyển: Để duy trì phát triển bền vững Câu lạc bộ, tôi cho rằng, dẫn trình viên cần được tập huấn thêm về cách thức tổ chức hoạt động; phương pháp tổ chức tạo ra sự hoạt náo để thu hút sự tham gia. Ngoài ra, mỗi dẫn trình viên cần tự trau dồi, học hỏi nâng cao kiến thức và kỹ năng tổ chức hoạt động trong từng nội dung chuyên đề.
Mỗi chủ đề sinh hoạt nên thiết kế những tờ rơi hoặc tóm tắt nội dung của chuyên đề sinh hoạt để các thành viên Câu lạc bộ nắm rõ hơn, từ đó có thể tuyên truyền để các bạn khác hiểu và thực hiện tốt hơn.
Ngày 13/11/2022, Trường PTDTBT THCS Lùng Phình được lựa chọn, là 1 trong 2 mô hình điểm của Trung ương về thành lập và hoạt động “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trên toàn quốc. Trường PTDT Bán trú THCS Lùng Phình đóng tại huyện vùng cao Bắc Hà của tỉnh Lào Cai, các em học sinh đến từ nhiều dân tộc khác nhau, nhưng hầu hết đều có chung những khó khăn nhất định như: Đường từ nhà đến trường thường rất xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phong tục lấy vợ, lấy chồng sớm…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn