Trong nhiều gia đình, nhà bếp là khu vực hạn chế dành cho trẻ. Không chỉ các em cấp 1, tuổi teen, mà ngay cả sinh viên đại học, nhiều em cũng hiếm khi vào bếp nấu được một món ăn tươm tất.
Có người gọi đây là "giáo dục kiểu "bảo mẫu". Cha mẹ chỉ khuyến khích con học thật nhiều, đem về càng nhiều thành tích càng tốt. Nhưng đôi khi, yêu thương sai cách lại trở thành một thiệt thòi đối với con trẻ.
Nhiều người nhận thấy trẻ con rất rụt rè, thực ra nỗi sợ hãi của con người xuất phát từ hai khía cạnh: Kinh nghiệm thất bại và khả năng nắm bắt tương lai yếu kém. Để trẻ tiếp xúc với cuộc sống sớm hơn và khuyến khích trẻ nhiều hơn sẽ giúp trẻ nếm trải niềm vui thành công và xây dựng sự tự tin.
Nhà bếp thực sự là một nơi tốt để giáo dục trẻ. Nó không chỉ có thể trau dồi khả năng thực hành mà còn cho trẻ trải nghiệm và hiểu được công việc khó khăn của cha mẹ. Trong nhà bếp, trẻ em cũng có thể học nhận thức về an toàn, rèn luyện thể chất hiệu quả và trau dồi thái độ lạc quan đối với cuộc sống.
Ngoài ra, phòng đọc sách cũng là nơi nên khuyến khích con vào thường xuyên. Điều này giúp vun bồi thói quen giản dị là được tắm trong không gian của sách, giúp con yêu thích việc đọc từ nhỏ.
Bạn sẽ bảo con bạn làm gì nếu một món ăn quá nóng? Kiểu bố mẹ thứ nhất trực tiếp làm, kiểu bố mẹ thứ hai bảo đứa trẻ đợi cho đến khi nguội, người thứ ba bảo tìm cách. Ba hành vi này sẽ phát triển tính cách khác nhau của trẻ: Trẻ thứ nhất thích tìm người khác giải quyết vấn đề, trẻ thứ hai dùng sự chờ đợi để giải quyết vấn đề, trẻ thứ ba chủ động nghĩ ra cách giải quyết vấn đề.
Kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ em cũng có thể được trau dồi trong nhà bếp. Trong quá trình nấu nướng, trẻ cũng có cơ hội được lựa chọn và phối hợp các nguyên liệu nấu ăn, từ đó giúp kích thích các giác quan để phát huy trí tưởng tượng của mình.
Một bà mẹ cho biết: Chị và các con thường thảo luận về cách giải quyết các vấn đề trong nhà bếp, chẳng hạn như phối màu như thế nào có thể khiến mọi người ăn ngon miệng; suy nghĩ về vấn đề từ quan điểm của mình, học cách biết ơn, và thứ hai, rèn luyện thói quen của tư duy độc lập.
Nhà bếp cũng là nơi dạy con về lập kế hoạch và phân loại hay quản lý tài chính. Bạn có thể cùng con lập danh sách mua sắm. Hãy suy nghĩ về những gì cần mua ở nhà và thống nhất về những thứ không nên mua. Trong quá trình mua sắm, bảng danh sách được giao cho trẻ cất giữ cẩn thận, mỗi khi hoàn thành một mặt hàng nào đó, trẻ hãy lấy bút gạch đi. Hoạt động này cũng giúp trẻ có thể hiểu sơ bộ về khái niệm tiền và cách quản lý, tiêu dùng.
Khả năng ghi nhớ của trẻ nhỏ vô cùng kỳ diệu, đặc biệt giai đoạn từ 0-6 tuổi, bán cầu não phải phát triển vượt bậc. Vì vậy chúng ta cần phát huy ngay trong thời gian này thông qua việc đọc, chúng ta kích hoạt tế bào thần kinh mạnh mẽ hơn. Đó chính là lý do vì sao chúng ta phải xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ sớm.
Trẻ em được tiếp xúc với đọc sách thường sẽ chọn sách thay vì video game, tivi và những hình thức giải trí khác khi chúng lớn lên. Nếu tạo cho con một nơi để con có thể nhìn thấy và tiện tay để lấy sách và khám phá thì chắc chắn các con sẽ có thói quen đọc. Vậy nên, điều cần thiết là bố mẹ nên tạo cho con một không gian đọc sách riêng hoặc đơn giản hơn là một kệ, giá sách vừa tầm với để con dễ dàng lựa chọn. Nguồn sách được chọn lọc phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý.
Cha mẹ, người lớn trong gia đình cũng luôn phải là người bạn cùng đọc với trẻ, cùng con đọc sách vào một giờ nhất định trong ngày hoặc trong tuần; chuyện trò với con trẻ về cuốn sách mình đang đọc, gợi ý cho con về những cuốn sách hay sẽ góp phần kích thích sự tò mò và niềm yêu thích đọc của trẻ.
Việc đọc sớm giúp con nói tốt hơn và còn giúp con tiếp thu được rất nhiều kiến thức. Nếu đối với người lớn, sách bổ sung lượng kiến thức cần có để hoàn thiện tri thức thì đối với trẻ em, sách sẽ mở rộng thế giới quan và tích lũy vốn kinh nghiệm phong phú.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn