Theo báo cáo nhanh của Hội LHPN 63 tỉnh/thành, tính đến ngày 25/4, tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sau Hội nghị hiệp thương lần 3 có sự chên lệch đáng kể giữa các địa phương.
Trong số 63 tỉnh/thành phố, có tới 54 tỉnh/thành có tỷ lệ nữ ứng cử ĐBQH từ 35% trở lên. Trong đó, có tới 25 tỉnh/thành có tỷ lệ nữ ững viên đạt cao từ 50% trở lên. Đặc biệt, cao nhất là tỉnh Nam Định có tỷ lệ nữ ứng viên đạt tới 71,4%.
Ngược lại, còn 9 tỉnh/thành có tỷ lệ ứng cử viên đạt thấp – dưới 35%. Tuy vậy, so với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ này đã có chuyển biến tích cực (khóa XIV có 22 tỉnh/thành không đạt tỷ lệ 35% nữ ứng cử viên ĐBQH).
Theo rà soát, trong 184 đơn vị bầu cử ĐBQH trong toàn quốc thì có 8 đơn vị bầu cử không có nữ ứng cử viên.
Như phunuvietnam.vn đã đưa, sau Hội nghị hiệp thương lần 3, tổng số cán bộ Hội được giới thiệu ứng cử ĐBQH ở cả cấp Trung ương và địa phương là 36 người.
Trong đó, cấp Trung ương có 2 ứng cử viên ĐBQH, gồm: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga và Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Trưởng ban Chính sách – Luật pháp TƯ Hội LHPNVN Nguyễn Thanh Cầm.
Ứng cử viên ĐBQH là cán bộ Hội cấp địa phương giới thiệu có 34 người. Trong đó, 24 cán bộ Hội cấp tỉnh được giới thiệu ứng viên ĐBQH. Có 7 người là Chủ tịch Hội LHPN cấp tỉnh/thành; 7 Phó Chủ tịch; 10 người là các trưởng phó ban đơn vị. Còn cấp huyện có 6 người và 4 người ở cấp cơ sở là ứng cử viên ĐBQH.
Theo Ban Tổ chức TƯ Hội LHPN Việt Nam, nữ ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là 2.533/6.211 đạt tỷ lệ 40,8% (tăng 1,1% so với nhiệm kỳ trước). Trong đó có 211 cán bộ Hội ứng cử.
Có 59 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ ứng viên HĐND trên 35%; trong đó, cao nhất là Bắc Cạn (56%), còn 04 tỉnh có tỷ lệ nữ ứng cử viên dưới 35%.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn