Cô bé 'chim cánh cụt' ham học, ham làm

11:56 | 12/12/2018;
Sinh ra không có tay, chân bị dị tật nhưng Nguyễn Như Linh (9 tuổi) vẫn nỗ lực đến trường và học giỏi. Những tấm Bằng khen, Giấy khen về thành tích học tập và thi viết chữ đẹp… treo kín góc học tập, chính là minh chứng cho nỗ lực phi thường của cô bé này.

Bố mẹ không dám nghĩ con có thể biết đi, biết viết và đến trường

Trưa mùa đông giá lạnh, chị Nguyễn Thị Như Nương (SN 1989) đón hai con gái Nguyễn Như Linh (8 tuổi) và Nguyễn Như Ngọc (6 tuổi) trở về căn nhà nhỏ (ở xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) rồi vội vã dọn mâm cơm để hai con ăn còn kịp trở lại trường học ca chiều.

Thấy mẹ tất bật vào bếp, bé Linh cũng tập tễnh lấy chổi, khum đôi tay chỉ có phần ống tay mà không có bàn tay để quét nhà, giục em xếp gọn dép guốc… để “mẹ đỡ mệt”. Rồi cũng với dáng đi lệch vẹo ấy, Linh tiến về chỗ để balo của mình, khéo léo dùng chân mở balo soạn lại sách vở cho ca học chiều. Học lớp 3, nhưng Linh nhỏ xíu, mới chỉ hơn 14 kg, nhỏ hơn cô em gái học lớp 1 nặng 17 kg. Thế nhưng, Linh luôn ra dáng đàn chị giúp mẹ việc nhà, bảo ban em.

Chị Nương kết hôn với anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1986) năm 2007, đến năm 2010 thì mang thai bé Linh. Trong thai kỳ, chị đi khám ở huyện vài lần, đều nhận kết quả bình thường. Đến khi thai tháng thứ 8, trong 1 lần theo chồng ra Hà Nội chơi, chị vào khám thai ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương và bàng hoàng khi bác sỹ thông báo thai nhi bị dị tật, không có hai cánh tay. Khi đó, cái thai trong bụng quá lớn, nên hai vợ chồng thống nhất, dù có thế nào cũng chào đón đứa con ra đời.

chim-canh-cut3.jpg
Cô bé dùng chân khéo léo kéo khoá ba lô, soạn sách vở đi học 

Dù đã chuẩn bị tâm lý, đến khi bé Linh chào đời, đôi vợ chồng trẻ vẫn sốc khi cô con gái nhỏ không chỉ cụt đôi tay đến quá khuỷu, mà đôi chân cũng dị dạng, khoèo chân, xương chân chỉ có 1 ống, 1 bên chân còn lại chỉ có 4 ngón. Hơn thế, lúc sinh ra, Linh bị rau bám tràn một bên mặt, ban đầu các bác sỹ cũng tưởng bé bị khối u. Nhìn con, chị Nương khóc ngất trên giường bệnh, anh Tuấn cố gắng nuốt nước mắt vào trong, bao đêm anh thức trắng bởi lo con không qua khỏi, mà có qua khỏi tương lai của con cũng u ám biết chừng nào.

Ngoài những dị tật bẩm sinh nói trên, dù sinh nặng 2,7 kg, nhưng thể trạng của Linh rất yếu ớt, cô bé thường xuyên bị viêm phổi nặng, đôi chân dị tật sưng phồng ở khớp gối khiến Linh thường xuyên phải trải qua các đợt điều trị trong bệnh viện, nào là cắt rau bám trên mặt, mổ đặt đinh vít ở khớp gối chân, điều trị viêm nhiễm đường hô hấp… “Chúng tôi cứ nghĩ, còn nước còn tát, cứ yêu thương và chăm sóc con tốt nhất trong khả năng có thể, thế thôi… Khi ấy, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ con có thể biết đi, biết viết, có thể đi học”, chị Nương trải lòng.

Như một thiên thần, Linh dù ở bệnh viện liên miên, em vẫn lớn khôn từng ngày. Năm lên 2 tuổi, dù một chân bị khoèo, thiếu ngón nhưng Linh vẫn tự vịn đứng dậy, với đôi tay cụt ngủn vào chiếc ghế nhựa, tự lần tập đi. Rồi Linh dùng chân cầm nắm đồ chơi, kẹp thìa vào chân, tự xúc ăn. Lên 3 tuổi, thấy các bạn cạnh nhà tập tô, tập viết, Linh đòi mẹ mua bút sáp, phấn bảng, kẹp vào chân tự tô, tự vẽ.

 

chim-canh-cut1.jpg
Cô bé có thể quét nhà và làm nhiều việc nhà giúp bố mẹ

“Hồi mới tập đi, Linh ngã rất nhiều, nhưng cứ ngã xong, thấy bớt đau, con lại vịn ghế đứng lên tập tiếp. Nhìn con chập chững những bước đi đầu tiên, tôi đã khóc lặng đi. Rồi con đòi tập tô tập viết, người ta tập viết bằng tay đã khó, con viết bằng chân còn khó hơn gấp bội. Nhìn con ngồi còng gập lưng xuống, mắm môi ấn chân tập viết, nhiều khi ngồi cả buổi mà chưa được chữ nào hoàn chỉnh, có lúc ngồi tập viết, đôi chân nhức mỏi, co quắp phồng rộp nhưng con vẫn mắm môi viết tiếp… Thế nên, khi con đến tuổi vào lớp 1, con đã viết khá đẹp”, chị Nương kể lại.

Hạnh phúc khi thấy con ham mê học

Trong lúc ba mẹ con Linh đang ở nhà đưa đón nhau đi học, thì ở khu góc chợ Nghĩa Đô (Q.Cầu Giấy) - nơi cách nhà hơn 40 km, anh Nguyễn Văn Tuấn, bố của Linh đang cặm cụi mưu sinh lo kinh tế cho cả gia đình. Bởi chị Nương cũng đau yếu liên miên, lại thêm gánh nặng chăm sóc cho hai chị em bé Linh, nên chị Nương chỉ có thể quanh quẩn ở nhà nội trợ, đưa đón con đi học.

Ngày nào cũng vậy, cứ 3h sáng, anh Tuấn đã dậy, gom bắt đàn gà, xếp lại trứng buộc lên xe để chuẩn bị đi chợ bán. 4h sáng, trước khi rời nhà, anh không quên dặn vợ chuẩn bị đồ ăn sáng để gọi Linh dậy sớm học bài. “Con bé có thói quen học bài buổi sáng sớm, cứ tầm 5h là con dậy học bài rồi đi học. Còn buổi chiều hôm trước, đi học về con chỉ ngó qua sách vở, rồi ăn tối và chơi đùa 1 lúc là đi ngủ”, anh Tuấn cho biết.

 

chim-canh-cut4.jpg
Con cũng có thể đạp xe, chơi các trò con nít cùng chúng bạn hàng xóm mà không hề mặc cảm

Anh Tuấn khoe, Linh như có một ham muốn đặc biệt, con luôn tỏ ra thích thú và đam mê với việc học. Năm Linh 6 tuổi, anh Tuấn đưa con đến trường tiểu học Thượng Lâm gần nhà xin cho con đi học. Khi được trường nhận, anh Tuấn về nhà, cặm cụi đóng 1 chiếc ghế gỗ rộng để con đi học. Chiếc ghế ấy, luôn được đặt ở hàng đầu của lớp học để Linh uốn cong người, dùng chân viết những nét chữ, con số đầu đời.

“Khi vào lớp 1, ai cũng lo lắng và nghĩ Linh không theo được các bạn. Nhưng Linh học say mê, không những con theo được chương trình, mà còn nhiều môn con đứng đầu của lớp. Cuối tháng 11 vừa rồi, con mới đi thi viết chữ đẹp cấp huyện về” - anh Tuấn tự hào cho biết.

 

chim.jpg
Cô bé rất ham học

 

Không chỉ tự hào về thành tích học tập và sự vươn lên kỳ diệu của con, anh Tuấn còn vui vì Linh không bao giờ mặc cảm về bản thân, cô bé luôn vui vẻ, hòa đồng và rất tự tin. “Các trò nghịch của tụi trẻ ở lớp hay ở nhà, từ chơi trốn tìm, xếp hình, đạp xe, thậm chí cả nhảy dây với các bạn hàng xóm, Linh đều hào hứng tham gia. Con bé nghịch lắm, không bó sót trò chơi nào” - anh Tuấn vui vẻ kể.

Anh Tuấn tâm sự, cuộc đời anh nhiều khổ sở, thiệt thòi, năm 2 tuổi mẹ đã mất, nhà đông anh chị em, anh chỉ được học hết lớp 2 rồi bươn chải đủ nghề mưu sinh từ đánh giày, làm xe ôm, buôn bán vặt… “Tôi chẳng biết được là bao chữ nghĩa, nào có dạy được con chữ nào, chỉ biết đi làm kiếm tiền lo cho con không đói ăn, có thể đến trường. Thấy các con ham học, lại học giỏi, vợ chồng tôi mừng lắm!” - anh Tuấn xúc động.

Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên lớp 3C trường tiểu học Thượng Lâm, cho biết: Như Linh là một cô bé nghị lực và có tinh thần ham học đáng ngưỡng mộ. Ban đầu, các cô chỉ mong Linh biết đọc, biết mặt chữ, không nghĩ Linh có thể viết chữ được, mà lại viết đẹp và học giỏi nhiều môn. “Linh là học sinh giỏi của lớp, con học đều các môn, thường được tham gia các cuộc thi vở sạch chữ đẹp của trường và đã vinh dự 2 lần được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức vì đã có thành tích vượt khó vươn lên trong học tập”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn