Có bệnh nhân đái tháo đường tử vong trong lúc con đang xúc cơm cho ăn

15:47 | 14/11/2024;
Chị Hoàng Thị Bích Hằng phát hiện mình bị mắc tiểu đường cách đây 24 năm. Lúc đầu chỉ nghĩ bị mệt, đến khi sụt 10kg chỉ trong một tháng, khát nước liên tục, ăn bao nhiêu cũng không lại, chị mới đến bệnh viện để kiểm tra. Từ đó, chị bắt đầu hành trình sống chung với bệnh.

Có 63% người bệnh luôn lo sợ sẽ bị các biến chứng của đái tháo đường. 36% người bệnh đái tháo đường thường xuyên có cảm giác đau khổ, tức là không hiểu tại sao mình lại bị bệnh, lại thiệt thòi hơn mọi người.

Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF)

24 năm sống chung với bệnh

Trong phòng điều trị bệnh nhân nội trú Khoa Nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, chị Hoàng Thị Bích Hằng (55 tuổi, quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình)- người phụ nữ gầy gò ngồi trên giường bệnh đang cố đưa tay ra phía sau để buộc lại mái tóc của mình. Dù đã rất cố gắng nhưng chị vẫn không thể làm được điều tưởng chừng như vô cùng đơn giản ấy. Gương mặt đang gồng lên hết sức bỗng trùng xuống, hai hàng nước mắt khẽ lăn dài trên má.

"Bây giờ tôi đã bị biến chứng ra nhiều bệnh, nhói ngực, đau dạ dày triền miên, thiếu máu não, rối loạn tiền đình. Mấy hôm nay phải chụp Xquang, tay không nắm lại được, đau lắm. Năm kia không ăn được, không đi được, phải bò. Hôm trước lên đã phải truyền 6 ngày thuốc bổ não"- chị Hằng cho biết.

Người phụ nữ ấy không còn nhớ được đây là lần thứ bao nhiêu mình phải nằm viện điều trị dài ngày như vậy. Trong suốt 24 năm sống chung với bệnh đái tháo đường, chị luôn thường trực những lo lắng về tình trạng sức khỏe bản thân, cho tương lai, cuộc sống và cả những cơn đau hành hạ. Có thời điểm 3 ngày 3 đêm liên tục, chị không thể nào chợp mắt được, trí nhớ cũng bị ảnh hưởng nhiều. Có những câu chuyện mới xảy ra thôi, chị đã không còn nhớ nữa. Những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần giày vò chị mỗi ngày.

"Có bệnh nhân đái tháo đường đã tử vong trong lúc con đang xúc cơm cho ăn. Sợ lắm nhưng như thế cũng tốt, vì nếu mình liệt nằm một chỗ người khác phục vụ mình khổ lắm. Tay chân lắm hôm không cầm được đũa"- nghĩ về những tháng ngày tiếp theo, chị Hằng không giấu nổi lo lắng.

Có bệnh nhân đái tháo đường tử vong trong lúc con đang xúc cơm cho ăn - Ảnh 1.

24 năm sống chung với bệnh đái tháo đường, chị Hoàng Thị Bích Hằng, ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, luôn phải đối diện với những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần và những nỗi lo lắng không thể gọi tên.

Theo ThS.BSCKII Bùi Phương Thảo, Phó Trưởng khoa Nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, tại đây thường xuyên có khoảng từ 100 - 120 bệnh nhân điều trị nội trú. Trong đó có 70% là bệnh nhân đái tháo đường. Hầu hết đều đã có những biến chứng như suy tim, suy thận, tắc mạch chi dưới, thậm chí là nhiễm trùng bàn chân rất nặng nề, biến chứng thần kinh... Ai cũng đang phải âm thầm trải qua những nỗi đau, những lo lắng không thôi, chị Hằng chỉ là một trong số đó.

BS Nguyễn Phương Thảo cho biết, người bệnh đái tháo đường, chỉ riêng nói đến việc tuân thủ đúng chế độ ăn cũng đã là áp lực đối với họ. Bên cạnh việc điều trị bệnh, bệnh nhân đái tháo đường vẫn phải đảm bảo cuộc sống hàng ngày với các hoạt động, công việc, gia đình, các thay đổi trong sinh hoạt, thậm chí phải đối diện với kinh tế, chi phí liên quan đến điều trị bệnh.

"Đối diện với nỗi lo biến chứng, bệnh tật, những phụ nữ mắc đái tháo đường còn vất vả hơn. Họ không chỉ chăm sóc bản thân mà vẫn phải chăm sóc gia đình. Bên cạnh đó họ cũng có những lo lắng riêng cho tương lai của con cái, bản thân..."- BS Thảo chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Thảo, đối với những bệnh nhân cần phải điều trị bằng tiêm insulin nhiều khi họ e ngại, mặc cảm với cộng đồng xung quanh, với bạn bè, đồng nghiệp nơi làm việc. Họ ngại vì đang giờ làm việc lại phải tiêm, mọi người nghĩ gì, như thế nào, sợ hiểu nhầm hay không. Hoặc khi ở nhà thì nhiều phụ nữ người mải công việc nhà, đến giờ cần tiêm lại không nhớ.

Thái độ tích cực giúp kiểm soát tình trạng bệnh

Thái độ sống tích cực chính là chìa khóa để giúp người bệnh đái tháo đường có thể tuân thủ điều trị, hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát tình trạng bệnh. Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hiến, 55 tuổi, ở thị xã Đông Triều, Quảng Ninh là một ví dụ. Phát hiện mắc tiểu đường cách đây nhiều năm, ban đầu chị Hiến cũng rất lo lắng khi biết đây là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên sau đó chị Hiến đã nhờ bác sĩ tư vấn cặn kẽ chế độ ăn kiêng, chế độ luyện tập, sinh hoạt để cải thiện tình trạng bệnh.

"Lúc mới biết bệnh, chỉ nghĩ ăn kiêng thôi cũng đã áp lực lắm rồi, nhưng sau khi bác sĩ chia sẻ, tôi mới biết được mình vẫn được ăn nhiều, nhưng là ăn khoa học, chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn ít tinh bột đi, nhiều chất xơ, ăn rau trước, ăn thịt, chất đạm rồi mới ăn cơm. Mới đầu thì thật sự khó thực hiện, nhưng làm dần là quen. Mình sống tích cực vui vẻ, nghe theo tư vấn của bác sĩ thì mới tốt cho bệnh của mình"- chị Hiến tâm sự.

Có bệnh nhân đái tháo đường tử vong trong lúc con đang xúc cơm cho ăn - Ảnh 2.

Khi biết mình bị mắc đái tháo đường, chị Nguyễn Thị Hiến (Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã bình tĩnh, tích cực tìm hiểu thông tin, lắng nghe tư vấn của bác sĩ.

Theo bác sĩ Bùi Phương Thảo, hiện điều trị đái tháo đường ở nước ta vẫn còn nhiều rào cản dẫn đến việc bệnh nhân không thể kiểm soát tốt đường huyết. Chính vì vậy, để điều trị căn bệnh này hiệu quả, trước hết mỗi người bệnh cần phải giữ vững được tinh thần, thái độ tích cực trong cuộc sống nói chung và đối với tình trạng bệnh nói riêng.

Ngày Đái tháo đường thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào 14/11/1991 đánh dấu ngày sinh của Frederick Banting, người có vai trò quan trọng trong việc tìm ra insulin, một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường vào năm 1922.

"Tích cực ở đây không phải là chủ quan, thoải mái quá mà là có tâm lý vững vàng, kiên định với quá trình điều trị. Chỉ khi như vậy, bệnh nhân mới chủ động tuân thủ phác đồ, chủ động tìm hiểu tốt các kiến thức liên quan đến bệnh trạng của mình. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc điều trị"- BS Thảo nhấn mạnh.

Một trong những yếu tố tác động rất nhiều đến tâm lý bệnh nhân đái tháo đường đó là chế độ ăn kiêng khắt khe. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, họ luôn có cảm giác đói và thèm ăn, tuy nhiên họ phải kiêng cữ nhiều loại thực phẩm. Chế độ dinh dưỡng sẽ cung cấp đủ năng lượng cũng như các chất dinh dưỡng cần thiết. Chế độ ăn cần phải thiết kế thực đơn để có thể kiểm soát đường máu ở trong giới hạn an toàn với người bệnh.

Có bệnh nhân đái tháo đường tử vong trong lúc con đang xúc cơm cho ăn - Ảnh 3.
Có bệnh nhân đái tháo đường tử vong trong lúc con đang xúc cơm cho ăn - Ảnh 4.
Có bệnh nhân đái tháo đường tử vong trong lúc con đang xúc cơm cho ăn - Ảnh 5.

Một buổi hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường do Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng phối hợp với Khoa Nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện.

Theo TS.BS. Nghiêm Nguyệt Thu, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, khi người bệnh được ăn uống phù hợp với bệnh đái tháo đường và phù hợp thói quen ăn uống, trạng thái vui vẻ thì họ mới có thể tuân thủ tốt chế độ dinh dưỡng, từ đó tạo thuận lợi hơn cho quá trình điều trị.

"Có những người được tư vấn đã nói luôn, chế độ này tôi không thể thực hiện được. Chính vì vậy khi tư vấn, chúng tôi luôn có đánh giá toàn diện, đầy đủ về mức độ sẵn sàng thay đổi của người bệnh, lúc đấy mới thiết kế được chế độ dinh dưỡng phù hợp với họ. Nhiều khi chế độ đó không phải là tối ưu để kiểm soát bệnh đó nhưng nó lại khả thi đối với bệnh nhân", bác sĩ Thu cho hay.

Cần sự đồng hành từ nhiều phía

Bệnh đái tháo đường đang ngày càng gia tăng trên thế giới, đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi tỉ lệ đái tháo đường đang gia tăng rất nhanh.

Để tạo được cảm giác bình an cho bệnh nhân đái tháo đường, phải bao gồm cả mặt điều trị, kiểm soát bệnh, tâm lý, chất lượng cuộc sống nói chung và các mối quan hệ xung quanh. Theo bác sĩ Bùi Phương Thảo, giải pháp tối ưu để mang đến cảm giác bình an cho người bệnh đái tháo đường là phải giúp họ kiểm soát tình trạng bệnh tốt. Thứ nhất là để bệnh nhân yên tâm, khi kiểm soát bệnh tốt thì sẽ kéo dài thời gian có khả năng xuất hiện biến chứng cho bệnh nhân, tạo chất lượng cuộc sống tốt hơn. Luôn luôn hướng dẫn bệnh nhân có bất kỳ vấn đề gì thì đi khám lại, chia sẻ tâm sự với bác sĩ, khi đấy các nhân viên y tế sẽ có lời khuyên chính xác để can thiệp tình trạng này.

"Nếu như bệnh nhân đái tháo đường có rối loạn lo âu mức độ nhẹ, mình giải thích để họ hiểu về vấn đề họ đang lo lắng, bệnh nhân giải tỏa được thì lúc đấy mình sẽ không cần phải can thiệp thuốc. Nhưng nhiều khi có bệnh nhân trầm cảm, thì bắt buộc phải có sự phối hợp của các bác sĩ bên sức khỏe tâm thần. Phối hợp về liệu pháp tâm lý phối hợp với điều trị thuốc để giúp bệnh nhân được an toàn. Nếu để bệnh nhân lo lắng, suy nghĩ thái quá sẽ nảy sinh ra những tiêu cực"- bác sĩ Thảo chia sẻ.

Có bệnh nhân đái tháo đường tử vong trong lúc con đang xúc cơm cho ăn - Ảnh 6.
Có bệnh nhân đái tháo đường tử vong trong lúc con đang xúc cơm cho ăn - Ảnh 7.

Tiết mục Yoga cười mang lại sự thoải mái, thư giãn cho bệnh nhân khi tham gia buổi sinh hoạt CLB Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai.

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong điều trị đái tháo đường, TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc điều trị bệnh không đến từ bác sĩ hay bệnh nhân mà là cả hệ thống. Từ bác sĩ, điều dưỡng, ngành y tế, đến bệnh nhân. Khoa phòng cần xây dựng hệ thống truyền thông cho các bệnh nhân. Có thời gian cần phải tác động, trao đổi với người nhà bệnh nhân, phải có sự phối hợp rất nhiều cá nhân và tập thể mới chăm sóc tốt cho bệnh nhân.

"Tôi nhớ rõ những buổi sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường rất hiệu quả ở nước ngoài. Ví dụ tại bệnh viện của UCSF ở San Fransisco (Mỹ), bệnh nhân mang theo suất cơm họ chuẩn bị ở nhà hoặc mua ở quán ăn đến để chuyên gia phân tích cho biết thành phần, giá trị dinh dưỡng hay khả năng làm tăng đường huyết để điều chỉnh cho phù hợp. Người bệnh phải đối diện với hàng trăm, hàng nghìn nỗi lo khác mà không biết chia sẻ cùng ai. Đấy là lý do tại sao mỗi buổi sinh hoạt CLB Đái tháo đường, chúng tôi đều có tiết mục Yoga cười. Dù chỉ có vài phút rất ngắn nhưng điều đó sẽ mang lại tinh thần, sự thoải mái, thư giãn cho người bệnh, giúp họ có thái độ lạc quan hơn", bác sĩ Bảy nhấn mạnh.

Hiện nay, ngành y tế chưa có một giải pháp nào tổng thể cho việc chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân đái tháo đường. Chính vì vậy y tế cơ sở, y tế cộng đồng phải phát triển hơn để trang bị cho người dân kiến thức tốt nhất về dự phòng bệnh đái tháo đường hoặc là sàng lọc và phát hiện sớm bệnh.

Cơ sở y tế cũng cần phải thuận tiện hơn cho các bệnh nhân trong quá trình thăm khám và điều trị. Nhiều bệnh nhân có sự e ngại khi đến khám mà bệnh viện quá đông, phải chờ đợi lâu. Ở y tế cơ sở cũng cần có sự theo dõi sát sao và đồng hành cùng người bệnh trong quá trình điều trị về mọi mặt. Chỉ có như vậy, người bệnh đái tháo đường mới tìm thấy được sự bình an và chất lượng cuộc sống được đảm bảo.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn