Tài khoản tiền gửi thanh toán của cá nhân là các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động của cá nhân mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng. Nó không phải tài khoản tiết kiệm và có thể kết nối với thẻ debit (thẻ ghi nợ).
Khi tiến hành khảo sát nhỏ với các bạn trẻ sinh năm từ năm 1995 đến 2001, thật khó tìm được người chỉ dùng duy nhất một tài khoản ngân hàng. Họ kể về những tài khoản ngân hàng được ra đời theo những hoàn cảnh khá đặc trưng:
Tài khoản sinh viên - được mở khi học đại học nhằm nhận tiền sinh hoạt phí do bố mẹ chuyển vào.
Tài khoản nhận lương - được mở khi có công việc đầu tiên, theo yêu cầu của đơn vị.
Tài khoản "ủng hộ" - đây là những tài khoản được mở ra khi bạn có người thân, bạn bè,.. làm ở ngân hàng và cần chạy chỉ tiêu.
Minh Lan, 22 tuổi ở Hà Nội cho biết: "Tôi mở tài khoản ủng hộ người quen làm ngân hàng nhiều đến mức tốt nghiệp đại học tôi ra trường với 1 tấm bằng và... 5 tài khoản ngân hàng".
Tài khoản phục vụ kinh doanh - được các bạn có hoạt động kinh doanh mở ra nhằm phục vụ khách hàng chuyển tiền.
Phan Hằng, 24 tuổi, kinh doanh trang phục thể thao bóng rổ tại Hà Nội cho biết bạn sử dụng tất cả 6 tài khoản ngân hàng: "Trước đây tôi mở nhiều tài khoản ở ngân hàng khác nhau do chuyển tiền mất phí nên để tiết kiệm cho khách hàng chuyển cùng hệ thống sẽ giảm phí hơn. Nhưng giờ đa phần các ngân hàng đều miễn phí chuyển tiền thì chỉ cần dùng đến 2 tài khoản là ổn rồi", Hằng cho biết.
Có 3 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng số lượng tài khoản thanh toán cá nhân trong những năm qua, bao gồm:
Thứ nhất, làn sóng Zero fee - miễn tất cả các loại phí của tài khoản từ phí mở tài khoản, phí duy trì, phí chuyển tiền,.... của các nhà băng đã khiến việc mọi người "mở lòng" với việc sở hữu nhiều hơn 1 tài khoản ngân hàng.
"Vì không mất chi phí gì nên ai nhờ mở tài khoản chạy chỉ tiêu em cũng đồng ý", Minh Lan giải thích lý do mình có tới 5 tài khoản.
Thứ hai, tài khoản số đẹp - số chọn. Trước đây, khi khách hàng mở tài khoản mặc định sẽ nhận được những dãy số dài, khó nhớ và không có quy luật. Quá trình số hóa ngân hàng đã mang lại những cải tiến trong việc phục vụ khách hàng, từ chọn lựa số tài khoản theo phong thủy, số ngày tháng năm sinh, số điện thoại,... đến việc định danh bằng tên riêng thay vì dãy số khô cứng khó nhớ.
Việc ra đời tài khoản số đẹp, số chọn đã thành công trong việc "cá nhân hóa" sản phẩm tài chính dành cho từng đối tượng khách hàng, đem lại sự yêu thích và gắn bó lớn hơn của khách hàng.
"Mình có một tài khoản số ngày tháng năm sinh tại Ngân hàng A, mặc dù công ty hiện tại đang trả lương qua ngân hàng khác nhưng tài khoản bên ngân hàng A mình sẽ không bao giờ đóng".
Giới doanh nhân còn đặc biệt ưa thích những số tài khoản đẹp theo quan niệm phong thủy kiểu như 686868, 888888, 666666,... Đấy là lý do tại sao có nhiều người sẵn sàng chấp nhận mức phí cao lên đến cả chục triệu đồng để sở hữu được số tài khoản đẹp.
Thứ ba, mở tài khoản trực tuyến. Từ năm 2021, công nghệ eKYC (hình thức định danh điện tử) được chính thức triển khai và áp dụng tại các ngân hàng đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của việc mở tài khoản. EkYC cho phép khách hàng có thể không cần đến các phòng giao dịch hay chi nhánh mà vẫn mở được tài khoản trực tuyến 1 cách tiện lợi và nhanh chóng.
Đây là nguyên nhân quan trọng khiến trong 2 năm dịch bệnh Covid, bất chấp thời gian giãn cách xã hội kéo dài, số lượng tài khoản cá nhân vẫn tăng trưởng.
Tuy vậy, nếu có quá nhiều tài khoản ngân hàng (trên 3 tài khoản) sẽ đặt ra thách thức trong việc quản lý dòng tiền ra - vào. Nhiều người mở tài khoản nhưng không sử dụng, trở thành tài khoản rác, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực cho các ngân hàng.
Tất nhiên tùy thuộc vào công việc, nhu cầu cá nhân của từng người, việc có từ 3 tài khoản trở lên sẽ phù hợp với những đối tượng nhất định. Chẳng hạn người kinh doanh, buôn bán có nhiều tài khoản sẽ tiện hơn cho khách hàng giao dịch.
Còn với đối tượng làm công ăn lương bình thường, nhiều người đồng ý với việc nên sở hữu 2 tài khoản ngân hàng là phù hợp. Những lý do được đưa ra như:
(i) Nên có 1 tài khoản ngân hàng thứ 2, nhiều lúc ngân hàng bảo trì hoặc gặp sự cố thì còn có thể chuyển tiền.
(ii) Một tài khoản dùng để giao dịch, một tài khoản dùng để giữ tiền thay vì gửi tiết kiệm.
"Thực tế tôi cũng không có nhiều tiền nên gửi tiết kiệm lãi suất cũng chẳng được bao nhiêu, vì thế tôi để riêng trên 1 tài khoản thanh toán cho đỡ tiêu, nếu có việc gì cũng tiện rút ra"- Khánh Linh, 22 tuổi cho biết. Đây là thói quen quản lý tài chính của cô gái trẻ này duy trì mấy năm nay, sử dụng tài khoản thanh toán thứ 2 như một "chú lợn nhựa" để tiết kiệm tiền.
(iii) Sử dụng đồng thời 2 tài khoản số đẹp.
Vẫn còn nhiều người chỉ sử dụng một hoặc thậm chí không có tài khoản ngân hàng
"Rất rắc rối trong việc phải ghi nhớ tên truy cập, mật khẩu của nhiều tài khoản. Theo tôi chỉ 1 là đủ. Tôi dùng tài khoản ngân hàng V chục năm nay rồi và chả thấy có nhu cầu phải mở thêm tài khoản ngân hàng khác", anh Bình, một công chức 45 tuổi bày tỏ ý kiến.
Ngoài lý do như đã nêu, anh Bình còn khá e ngại những trò gian lận, lừa đảo hiện nay nhằm vào việc chiếm đoạt tiền trên các tài khoản ngân hàng.
Không thể phủ nhận, các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Kẻ gian liên tục thiết kế nhiều cái bẫy mới như sử dụng các ứng dụng giả mạo, số điện thoại trợ giúp, đánh cắp thông tin cá nhân từ sim điện thoại, sử dụng tài khoản mạng xã hội giả của các ngân hàng, người thân để lừa đảo khách hàng...
Một góc khác trong bức tranh sử dụng tài khoản ngân hàng ở Việt Nam đó là nước ta đứng thứ 2 trong số các quốc gia không có tài khoản ngân hàng cao nhất thế giới, với 69% dân số không có tài khoản ngân hàng. Số liệu đưa ra theo khảo sát của công ty cho vay SME Merchant Money có trụ sở tại Anh.
Đây chính là "mỏ vàng" mà các ngân hàng nên tập trung vào khai thác, thay vì tìm cách mở nhiều tài khoản hơn cho một cá nhân đang sử dụng tài khoản ngân hàng. Vì hiện nay sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng đều rất cạnh tranh và tiện lợi nên không dễ gì lôi kéo "khách ruột" của ngân hàng này sang ngân hàng kia.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn