Cơ cấu chất lượng dân số theo vùng miền tại Việt Nam 'còn nhiều vấn đề'

14:07 | 19/11/2019;
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cơ cấu chất lượng dân số theo vùng miền tại Việt Nam còn nhiều vấn đề. Đặc biệt, tại các vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, do điều kiện địa lý nên gặp rào cản lớn trong sinh đẻ, tỷ lệ mất sau sinh còn cao, chênh lệch giới tính lớn.
Buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức đã một lần nữa đánh giá tầm quan trọng đặc biệt của việc nâng cao chất lượng dân số và giải quyết những thách thức đặt ra.
 
 
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

  

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
 
Đánh giá về chất lượng dân số của Việt Nam tăng cao trong những năm qua, ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho biết, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đánh giá Việt Nam thuộc nhóm có chỉ số trung bình cao, ngang bằng những nước có thu nhập cao trong khu vực và thế giới. Tuổi thọ dân số Việt Nam đã đạt mức xấp xỉ 74 tuổi, khá cao so với các nước trong khu vực.
 
 
Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

  

Các chỉ số về chiều cao, cân nặng, thể chất, thể lực... của dân số Việt Nam liên tục tăng cao trong nhiều năm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng ở thể thấp còi ở trẻ em liên tục được cải thiện... Tuy nhiên, "để bảo đảm mục tiêu chất lượng dân số trong thời kỳ hội nhập, chúng ta cần chú trọng hơn nữa việc thực hiện các mục tiêu của công tác dân số" - ông Tân khẳng định.
 
Đứng từ góc độ khác, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, Việt Nam đã đạt ngưỡng 100 triệu dân, chất lượng dân số đã nâng lên rất nhiều nửa thế kỷ qua nhưng chất lượng dân số này so với yêu cầu thực tiễn cuộc sống, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập thì rất đáng suy nghĩ.
 
Theo ông Lợi, cơ cấu chất lượng dân số theo vùng miền tại Việt Nam còn nhiều vấn đề. "Đặc biệt, tại các vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, do điều kiện địa lý nên gặp rào cản lớn trong sinh đẻ, tỷ lệ mất sau sinh còn cao, chênh lệch giới tính lớn. "Nếu năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 112 bé trai/100 bé gái thì năm 2018, tỷ số này tăng cao lên gần 115 bé trai/100 bé gái. Sự can thiệp của khoa học kỹ thuật hiện đại cũng phát sinh nhiều vấn đề như sinh con theo ý muốn dẫn đến mức sinh không đạt mức sinh tự nhiên, mất cân bằng giới tính khi sinh", ông Lợi cho hay.
 
Một trong những vấn đề nóng của ngành dân số hiện nay là mô hình tổ chức, bộ máy làm công tác dân số, kinh phí cho công tác dân số ngân sách của Trung ương lại giảm mạnh.
 
Hiện nay đã có 44 tỉnh thực hiện nhập Trung tâm dân số vào Trung tâm y tế huyện đa chức năng, tuy nhiên mô hình tổ chức còn khác nhau, phương thức quản lý không thống nhất, kinh phí đầu tư giảm mạnh đã làm ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ dân số cơ sở làm giảm hiệu quả hoạt động và kết quả thực hiện kế hoạch năm 2019.
 
 
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội 

 

Nước ta hàng năm có khoảng 1,4 triệu người kết hôn, 1,6 triệu ca sinh. Do đó, PGS, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho rằng, Chính phủ, Quốc hội cần coi việc sàng lọc bào thai, sàng lọc sơ sinh và những bệnh lý cơ bản nên đưa vào nội dung bao phủ trong chương trình của bảo hiểm y tế. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn