Có cháu ngoại mới được tổ chức sinh nhật lần đầu trong đời

14:05 | 23/07/2018;
Cả năm trời sống với các con, tôi được dự nhiều bữa tiệc sinh nhật, con trai, con dâu, con gái, con rể, cháu ngoại. Lúc đầu, tôi thấy chúng nó phiền phức, bày vẽ rõ nhiều. Một lần, nghe chúng bàn với nhau kế hoạch tổ chức sinh nhật cho mẹ, tôi thấy ngại, vội gạt ngay đi.
Suốt hơn 30 năm trời sống bên nhau, vợ chồng tôi chưa bao giờ tổ chức sinh nhật. Những ngày còn trẻ, chồng tôi thường đi công tác xa, không có ở nhà. Khi anh trở về khi thì đã qua sinh nhật, có lúc lại còn lâu mới đến, thành ra tôi chẳng có lý do nào tổ chức sinh nhật cho chồng. Còn sinh nhật của tôi thì cũng một chăng hay chớ, thường chồng nhớ thì gọi cho tôi một cuộc điện thoại để chúc mừng, nên cảm giác đón sinh nhật đối với chúng tôi không thấy có gì quan trọng.
 
Từ khi có cháu ngoại, chồng động viên tôi: “Em chịu khó lên ở với các con một vài năm, chăm cháu bao giờ cho chúng cứng cáp, đi học được thì về!”. Thế là tôi khăn gói quả mướp lên Hà Nội. Chồng tôi vẫn đi làm xa, cuối tuần ông lại về dọn dẹp nhà, vun vén vườn tược, ao chuôm để tôi yên tâm “công tác”. Thỉnh thoảng có tuần, tôi về thăm nhà, thăm chồng, nói đúng hơn là để nhận bàn giao lương lậu của chồng.
 
Cả năm trời sống với các con, tôi được dự nhiều bữa tiệc sinh nhật, con trai, con dâu, con gái, con rể, cháu ngoại. Lúc đầu, tôi thấy chúng nó phiền phức, bày vẽ rõ nhiều.
 
Một lần, nghe chúng bàn với nhau kế hoạch tổ chức sinh nhật cho mẹ, tôi thấy ngại, vội gạt ngay đi: “Ôi giời, các con đừng có vẽ chuyện ra. Từ xưa đến nay, bố mẹ có làm thế bao giờ. Chẳng cần đâu! Các con cứ sống kiểu của các con, còn kệ bố mẹ”.
 
Bọn trẻ vẫn cứ tiến hành, chúng bảo: “Đấy là mẹ chưa quen nên mới nói thế. Sinh nhật là một ngày vui, chúng con quây quần lại chúc mừng mẹ là để thể hiện tình cảm, lòng hiếu thảo của con cháu”. Nghe các con nói, tôi cũng đuối lý, đành mặc kệ chúng muốn làm gì thì làm.
 
Bao nỗi khó nhọc nuôi con, nuôi cháu như được xoa dịu đi. Nhìn lũ trẻ ríu rít ở bên, tôi như quên hết mọi khó nhọc trước đây và hiện tại - Ảnh minh họa

 

Tối ấy, sau khi cơm nước thịnh soạn với rất nhiều lời chúc của con cháu, tôi thấy mình hạnh phúc vô cùng. Bao nỗi khó nhọc nuôi con, nuôi cháu như được xoa dịu đi. Nhìn lũ trẻ ríu rít ở bên, tôi như quên hết mọi khó nhọc trước đây và hiện tại. Tôi nghẹn ngào nói với bọn trẻ: “Mẹ cảm ơn các con!”. Rồi đến tiết mục thổi nến, cắt bánh ga tô.
 
Các cháu, các con tôi hát vang một bài hát gì đấy. Chúng giục: “Mẹ mau ước điều gì đó và thổi nến đi mẹ”. Tôi bảo: “Mẹ ước nhiều điều lắm!” rồi lần lượt kể ra. Bọn chúng cười vang: “Mẹ ơi, mẹ phải ước ở trong đầu mới hiệu nghiệm chứ!”. Tôi “à” lên một tiếng rồi nhắm mắt lại nghĩ: “Ông ơi, tôi vui quá ông à. Ước gì kỳ tới, tôi và các con có thể cùng nhau tổ chức sinh nhật cho ông, cả nhà mình được đoàn tụ”. Nghe bọn trẻ hô tắt điện thổi nến, tôi bừng tỉnh, làm theo.
 
Chiếc bánh sinh nhật gần đây tôi ăn nhiều, luôn thấy ngậy và ngọt nhưng hôm nay cắt bánh phát cho con cháu rồi tôi ăn sao mà ngon đến thế.
 
Gần đến ngày sinh nhật chồng, tôi bảo với các con: “Các con thu xếp công việc, chăm con để mẹ về quê. Năm nay, nhất định mẹ sẽ về tổ chức sinh nhật cho bố”. Nghe tôi nói như thế, con trai, con gái đều tranh mua bánh sinh nhật và cùng về. Tôi kiên quyết: “Các con chuẩn bị gì thì chuẩn bị, bánh sinh nhật tặng bố để mẹ lo, có thế mẹ mới thể hiện được tình cảm với bố chứ”.
 
Các con tôi đều cười vui vẻ. Con gái tôi bảo: “Càng về già, bố mẹ càng tình cảm. Mẹ nghĩ nhiều đến bố thế là hạnh phúc rồi”. Tôi ngồi suy tư, tưởng tượng ra lễ mừng sinh nhật sắp tới của chồng. Khi được đón nhận một cách bất ngờ chắc ông ấy sẽ vui lắm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn