Bệnh nhân nữ, 65 tuổi đến khám với các dấu đau bụng hạ sườn phải, đau âm ỉ, liên tục, không sốt, không vàng da, không vàng mắt. Theo bệnh nhân, triệu chứng đau xuất hiện cách đây 3 ngày.
Khai thác tiền sử bệnh nhân có sỏi túi mật cách đây 5 năm, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu 3 năm.
Kết quả khám toàn thân bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn bình thường. Khám bụng: ấn đau hạ sườn phải, chẩn đoán sơ bộ theo dõi viêm túi mật do sỏi. Xét nghiệm công thức máu có bạch cầu tăng cao.
Kết luận hình ảnh viêm túi mật cấp do sỏi mật và bùn túi mật; nang gan, gan thoái hóa mỡ độ II, hạch rốn gan.
Sau khi có kết luận hình ảnh túi mật trên siêu âm, bệnh nhân tiếp tục được chỉ định chụp cắt lớp vi tính tầng trên ổ bụng túi mật đo được kích thước to, đường kính ngang xấp xỉ 59mm, thành dày xấp xỉ 6mm, còn ngấm thuốc sau tiêm, không thấy khối choán chỗ. Trong lòng không thấy sỏi cản quang. Thâm nhiễm mỡ nhẹ xung quanh túi mật. Bệnh nhân có kết luận túi mật kích thước to, dày thành túi mật - theo dõi viêm túi mật.
Ảnh sỏi và túi mật của bệnh nhân, ảnh BSCC.
Theo BS.CKII Nguyễn Văn Thưởng - Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, đây là một ca bệnh rất điển hình liên quan đến sỏi không cản quang của đường mật, do vậy được phát hiện trên siêu âm mà không đọc được trên chụp cắt lớp vi tính.
Sau khi có kết luận chẩn đoán, bệnh nhân đã được giải thích cần nhập viện ngay để phẫu thuật, nhưng bệnh nhân không đồng ý mà xin về. Sau 2 ngày về nhà, bệnh nhân tiếp tục đau bụng hạ sườn phải với mức độ tăng dần, không rõ sốt nên quay lại bệnh viện khám và được mổ cấp cứu.
Chia sẻ về lý do không nhập viện sớm bệnh nhân cho biết 5 năm chung sống với bệnh sỏi túi mật đã quen với những cơn đau bụng do bệnh "hành". Cũng vì vậy mà bệnh nhân chủ quan cho rằng không cần mổ, cơn đau sẽ tự hết. Tới khi đau bụng quá mức, bệnh nhân mới nhập viện cấp cứu.
BS Thưởng cho biết: "Phẫu thuật cắt túi mật có thể được tiến hành bằng phương pháp mổ nội soi hoặc mổ mở. Ở bệnh nhân này, ban đầu chúng tôi chọn phẫu thuật nội soi cắt túi mật, nhưng sau đó phải chuyển sang mổ mở do túi mật viêm căng to, có rất nhiều sỏi và bị dính vào các tổ chức xung quanh. Mở túi mật của bệnh nhân chúng tôi đã gắp ra 54 viên sỏi, viên sỏi lớn kích thước 27mm".
Viêm túi mật cấp do sỏi túi mật là tình trạng viêm của túi mật, với nguyên nhân tắc nghẽn do sỏi kẹt cổ ống túi mật hoặc sỏi to gây cản trở sự thông thương của túi mật với đường mật, viêm túi mật cấp là một cấp cứu ngoại khoa hàng đầu ở Việt Nam. Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, hay xảy ra ở độ tuổi trung niên và người già.
Bệnh này không có biến chứng, thường có tiên lượng tốt, tỷ lệ tử vong khá thấp. Hầu hết viêm túi mật sau điều trị giảm triệu chứng trong vòng 1-4 ngày, nhưng có khoảng 25-30% số ca không đáp ứng điều trị, phát triển thành dạng biến chứng hoại tử thủng cần phải can thiệp bằng phẫu thuật cấp cứu.
Viêm túi mật mật cấp có biến chứng hoại tử hoặc thủng gây viêm phúc mạc mật thì tiên lượng xấu hơn. Thủng túi mật xảy ra ở 10-15% trường hợp, tỷ lệ tử vong vào khoảng 5-10%.
Bác sĩ Thưởng khuyến cáo người dân nên cảnh giác các dấu hiệu đau quặn ở thượng vị hay hạ sườn phải có thể lan lên vai phải, vùng dưới sườn phải có dấu hiệu thành bụng co cứng... Đặc biệt, bệnh này có thể kèm theo dấu hiệu vàng da, tiêu chảy, sốt cao... nên người dân chớ chủ quan mà cần được đi thăm khám để được chẩn đoán xác định và có hướng xử trí, điều trị kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn