Tự “phá sản” vì không tìm thấy đam mê
Huyền Trân (giữa) cùng đồng nghiệp trong dự án của mình
Sinh ra tại Trảng Bàng (Tây Ninh), ngay từ khi còn nhỏ, Trân không thích ở cùng bố mẹ mà chuyển sang sống cùng ông nội, vì vậy, phần lớn những tố chất trong cô gái trẻ này đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ ông.
Tự nhận mình thuộc tuýp phụ nữ cái gì cũng dám làm, Trân đã trở thành “kẻ lập dị” ngay trong chính gia đình mình khi mọi ý nghĩ, hành động của cô đều không giống bất kỳ ai.
Tốt nghiệp THPT, thay vì cố thi đậu vào một trường đại học, Trân lại chọn cho mình con đường khó đi hơn: Tự tìm cách ra nước ngoài học đại học. “8 năm qua chưa lúc nào tôi ngừng học, nhưng để có thể đi làm thêm, tôi quyết định dành phần lớn thời gian cho việc học online. Tốt nghiệp cử nhân Quản trị kinh doanh rồi bảo vệ Thạc sĩ ngành Truyền thông nhưng tôi nhận ra một điều: Để thay đổi được hành vi của con người thì quan trọng nhất là phải thay đổi được tư duy của họ. Đó là nguyên nhân khiến tôi quyết định theo đuổi ngành Tâm lý và bảo vệ luận án Tiến sĩ Tâm lý”, Trân tâm sự.
Trở về Việt Nam với hy vọng có thể chia sẻ những kiến thức đã học được cho các bạn trẻ, Trân thành lập Smart Leader, một học viện dành cho doanh nhân và những người muốn trở thành doanh nhân. Cô kể: “Học viện phát triển với tốc độ chóng mặt nhưng tôi quyết định “phá sản” chưa đầy 1 năm sau khi thành lập, vì tôi không tìm thấy đam mê của mình trong đó”.
May mắn với “hậu phương” vững chắc
Cảm thấy bế tắc, Trân trở về nhà với hy vọng sẽ có thời gian để suy nghĩ về những chặng đường đã qua. Khi vẫn đang loay hoay, dò dẫm tìm đường đi cho những ngày sắp tới, Trân chợt nhớ lại câu chuyện về sự sống của cây mà ông nội kể: “Cái cây, khó khăn nhất là lúc nó vươn ra khỏi mặt đất và bám rễ”. Chỉ trong 1 ngày, Trân quyết định quay trở lại TPHCM. “Tôi mở lớp dạy cho trợ lý giám đốc của các tập đoàn lớn. Tôi lên lớp dạy sinh viên về các kỹ năng mềm… rồi bất chợt tôi nhận thấy rất nhiều người phụ nữ trong xã hội hiện đại đang bị bế tắc, bất hạnh, họ buồn chán và phải trải qua cuộc sống thật tẻ nhạt. Nguyên nhân chính là họ không nhận thức được giá trị của bản thân. Tôi tự hỏi: Tại sao mình không thể giúp họ nhận thức được giá trị bản thân và tận hưởng cuộc sống?”, Trân nhớ lại.
Nghĩ là làm, Trân nhanh chóng cho ra đời những lớp học dành cho các đối tượng là chị em phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau đang gặp bế tắc trong cuộc sống, không tự tin về bản thân, thiếu kỹ năng “giữ lửa” trong gia đình…
Lớp học mà Trân và những học viên của mình vẫn thường gọi vui với cái tên: Lớp học hạnh phúc. Chia sẻ về dự án mình đang theo đuổi, Trân thẳng thắn: “Chúng ta thường được dạy phải biết yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em và những người xung quanh mình, nhưng họ quên dạy chúng ta phải biết yêu thương bản thân đầu tiên, bởi chỉ khi chúng ta yêu bản thân đúng cách, chúng ta mới có thể yêu thương và mang lại cho người khác niềm vui. Những người phụ nữ đến với tôi rất đa dạng: Lớn tuổi - trẻ tuổi; độc thân - có gia đình; sinh viên - đã đi làm… nhưng họ đều gặp chung một vấn đề: Không nhận thức được giá trị bản thân mình”.
Là một giáo viên, Trân ngày ngày đứng lớp để truyền đạt cho học viên những phương thức giúp họ tận hưởng cuộc sống, đem lại niềm vui cho bản thân, từ đó mang đến niềm vui cho những người xung quanh. Bên cạnh đó, cô cũng dành năng lượng của mình để “đốt cháy” cho bệnh nhân tại phòng tư vấn tâm lý.
Chúng tôi hỏi, làm thế nào cô có thể mang đến niềm vui cho họ khi mỗi ngày trôi qua, cô đều lắng nghe và nhận về những câu chuyện buồn tủi, bất hạnh? “Tôi quan niệm, người ta “bệnh” mới tới với mình, chính vì vậy “lửa” với nghề trong tôi càng nhiều hơn. Làm việc từ 6 giờ sáng tới 10 giờ khuya nhưng tôi cảm giác được niềm vui, sự nhiệt huyết và khát khao được chia sẻ cứ lan tỏa trong người mình. Tôi muốn những học viên sau khi bước ra từ lớp học của mình sẽ trở thành những người phụ nữ không nhàm chán, biết yêu thương bản thân đúng cách để có được cái họ muốn, đó là hạnh phúc và niềm vui”.
Một cô gái độc lập với rất nhiều dự định và kế hoạch, nhưng khi chia sẻ về tổ ấm của mình, Trân lại khiến tôi bất ngờ bởi cô kết hôn khá sớm, khi mới 23 tuổi. Nhắc về người bạn đời, Trân tự hào: “Anh ấy luôn cho tôi cảm giác ấm áp của gia đình, anh ấy hiểu, ủng hộ, chia sẻ, động viên và là “hậu phương” vững chắc, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn”.