Cô chủ “nghiện” mắm và ước mơ mang mắm Huế ra thế giới

12:10 | 16/04/2022;
Từ một chủ quán bún bò Huế, Tôn Nữ Kim Quý đã làm phong phú hơn món mắm, mang hương vị xứ Huế đến với thực khách trong nước và quốc tế.

Bố mẹ là người gốc Huế nhưng Kim Quý lại được sinh ra và lớn lên ở xứ sở sương mù Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). 

Tốt nghiệp trung học phổ thông, cô lên TPHCM học ngành dược. Thế nhưng khi lấy chồng là người Huế, cô lại trở về với cái gốc của mình. 

Vốn là người khéo tay, thích nấu ăn và ưa những món ăn ngon, lạ của vùng miền, Kim Quý quyết định gây dựng quán bún bò Huế. Để làm được món bún bò "chuẩn vị Huế", Kim Quý đã học hỏi và thử nghiệm rất nhiều. Có thể nói, nguồn cảm hứng ẩm thực của Kim Quý được chồng của cô, một đầu bếp từng có 30 năm kinh nghiệm làm ở các nhà hàng nổi tiếng ở CHLB Đức, tiếp sức. 

"Anh ấy rất am hiểu về ẩm thực. Từ những ngày đầu gây dựng quán, chúng tôi đã tự làm chả cua, làm ruốc để ra vị bún bò đặc biệt. Khách hàng ăn bún tại quán thường đặt thêm chả cua rồi giới thiệu khách đến với nhà hàng. Thời gian đầu khởi nghiệp rất vất vả nhưng bù lại chúng tôi được khách hàng yêu thương. Đó là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục khám phá và tạo ra những sản phẩm mang nét văn hóa đặc trưng của xứ Huế", Kim Quý chia sẻ.

Cô chủ “nghiện” mắm và ước mơ mang mắm Huế ra thế giới - Ảnh 1.

Sản phẩm mắm cá của Quang Aachener Imbiss

Tự nhận mình là người "nghiện" mắm, Kim Quý cho rằng bản thân thật may mắn khi được sống ở một nơi có món mắm nổi tiếng cả nước. Lúc đó, cô thầm nghĩ: "Huế còn có rất nhiều món ngon mà mọi người chưa biết đến. Mình phải làm gì đó để đưa sản phẩm của quê hương đi xa hơn, để nhiều người cảm nhận được hương vị của Huế".

Hơn nữa, cô cũng nhận thấy đồ ăn Huế ngon nhưng nhiều người chưa chú trọng lắm tới quy trình chế biến "xanh". Cùng với đó, những ngày đầu làm ra sản phẩm mắm không thể bán ra thị trường bởi ở Huế đã có nhiều loại mắm. Nhận ra điều đó, cô quyết tâm tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Khi khách đến nhà hàng có thể cảm nhận được từng cọng rau xanh qua mỗi suất ăn, không gian sạch sẽ, mắm ăn kèm ngon, lại được đóng hũ sạch sẽ, bắt mắt. 

Quan trọng hơn đó là vị đặc trưng chỉ có ở Quang Aachener Imbiss. Các sản phẩm cô làm ra đều được khách du lịch đến ăn rồi mua về, biếu, tặng. Những đơn hàng đầu tiên được đặt từ Mỹ khiến Kim Quý mừng rơi nước mắt. Vậy là mắm Huế không chỉ lan tỏa trong nước mà đã ra thế giới.

Các sản phẩm của Quang Aachener Imbiss như mắm tôm, mắm ruốc, mắm cá, mắm nêm, mắm tép, nước mắm truyền thống, chả cua Huế… đều được làm thủ công, không chất bảo quản hay chất tạo màu. Kim Quý luôn trân trọng khách hàng qua cách làm truyền thống đầy tỉ mỉ và có tâm như làm cho chính mình thưởng thức.

Chia sẻ quan điểm về ẩm thực truyền thống, Kim Quý cho biết: "Theo tôi những sản phẩm hải sản chế biến theo cách truyền thống vẫn có cơ hội vươn ra thế giới. Nó không chỉ là một món ăn mà còn là một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng vùng miền. Nếu khách hàng chưa biết đến, nghĩa là chúng ta truyền thông chưa tốt, chứ không hẳn là món ăn chưa ngon".

Cô chủ Quang Aachener Imbiss cũng cho biết, hiện nay nhà hàng đang kinh doanh qua hai hình thức trực tiếp và bán hàng online. Theo Kim Quý, bán hàng trên nền tảng công nghệ số sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Trong thời gian tới, cô có chiến lược mở rộng kênh bán hàng này, cùng với đó là cải thiện mẫu mã, nhãn mác, chất lượng để tăng thêm sự tin tưởng của khách hàng. Bản thân cô rất mong muốn được đồng hành cùng những người yêu thích món ngon truyền thống xứ Huế, cùng đầu tư sản xuất đưa các loại mắm Huế vào dây chuyền sản xuất khép kín để sản phẩm được vươn xa hơn.

Bạn đọc có nhu cầu mua sản phẩm có thể liên hệ Tôn Nữ Kim Quý, chủ nhà hàng Quang Aachener Imbiss, theo địa chỉ: 149A Bà Triệu, phường Xuân Phú, thành phố Huế; tỉnh Thừa Thiên Huế. Link bán hàng: Đặc sản Huế-Quang Ac foods; điện thoại: 0916884189.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn