Ngô Hương Thảo được tiếp cận với sách từ lúc còn rất nhỏ, khi còn là một cô học trò trường huyện ở Vũ Thư, Thái Bình. Lớn lên, theo học khối ngành kinh tế nhưng chị vẫn có niềm đam mê với sách.
Từ một người thích đọc sách, Ngô Hương Thảo quyết định mở tiệm sách "Những vì sao". Thời gian gần đây, chị còn được nhiều người biết đến với mô hình cung cấp các gói đặt sách định kỳ cho các gia đình người Việt. Và cũng nhờ đọc nhiều, chị hình thành trong đầu những ý tưởng cho việc viết sách.
+ Xuất thân trái ngành nhưng lại có đam mê mở tiệm sách, chị có gặp trở ngại gì không?
Quê tôi ở một thị trấn nhỏ. Hồi ấy, ngoài thư viện thì việc tìm sách đọc còn nhiều khó khăn. Tôi có may mắn hơn nhiều bạn bè là bố mẹ làm giáo viên, thường xuyên được mang sách về nhà cho con đọc. Đối với tôi, sách như một món quà tuổi thơ mà vào dịp nào đó, bố mẹ sẽ mua tặng tôi.
Khi còn nhỏ, tôi đọc các loại sách rất đa dạng, thư viện có gì là tôi đọc đó. Nhưng từ khi có con, tôi hầu như chỉ đọc sách thiếu nhi chứ không còn đọc nhiều những dòng sách khác nữa. Một phần là vì khi làm mẹ, cả thế giới của tôi chỉ xoay quanh bọn trẻ, việc đọc cũng vậy. Mặt khác là vì những cuốn sách thiếu nhi mang đến cho tôi cảm giác bình an, trong trẻo, vui tươi, giúp tôi tạm quên đi những lo lắng, phiền muộn.
Tôi có thói quen đọc và chia sẻ những cuốn sách hay. Tiệm sách "Những vì sao" ra đời một cách ngẫu nhiên, xuất phát từ sự tin tưởng của nhiều người. Đến nay, tiệm đã hoạt động được 6 năm, tôi không gặp trở ngại gì lớn, vì mục tiêu của tôi không có gì to tát cả. Giới thiệu những cuốn sách hay, khiến người đọc cảm thấy vui là tôi hạnh phúc rồi. Bán sách thì cũng không mong đợi lợi nhuận cao hay quy mô lớn.
Mô hình đặt sách định kỳ theo quý hoặc theo năm của tôi hoạt động dựa trên việc nhận thông tin về độ tuổi, sở thích, thói quen đọc của khách hàng; sau đó lập một "hồ sơ đọc" để lựa chọn sách phù hợp và gửi khách hàng theo định kỳ. Việc nhận được được sách đều đặn hàng tháng như một món quà sẽ khiến cho trẻ cảm thấy vui, đồng thời cũng hình thành một nếp sinh hoạt trong gia đình, góp phần bồi dưỡng tình yêu sách cho trẻ.
+ Đặt tên là "Những vì sao", phải chăng chị mong muốn gửi gắm niềm tin, niềm hy vọng nào đó vào tiệm sách của mình?
Tôi lấy tên "Những vì sao" vì rất nhiều lý do. "Những vì sao" của Alphonse Daudet là tác phẩm mà tôi vô cùng yêu thích. Tôi thích bầu trời sao lung linh, thích cảnh đôi tình nhân trong truyện với tình yêu trong sáng, thánh thiện, đẹp như thiên thần ngồi tựa vai nhau dưới bầu trời sao thăm thẳm. Tôi thích những câu chuyện về các vì sao, về đám cưới sao.
Hơn nữa, cái tên "Những vì sao" không bị trùng lặp với bất kỳ tên tiệm sách nào, mà tôi vốn không thích sự trùng lặp.
+ Là "bà chủ" của tiệm sách "Những vì sao", chị lấn sân sang con đường viết sách như thế nào?
Với những người đọc nhiều, họ luôn có ý tưởng nảy ra trong đầu để viết một cái gì đó, vấn đề chỉ còn là lựa chọn hình thức để viết. Từ khi bán sách, tôi được tiếp cận với nhiều đơn vị xuất bản, điều này khiến tôi gặp thuận lợi trong việc liên hệ để xuất bản cuốn sách của mình. Bản thảo của tôi thường đến rất bất chợt, có thể là khi vừa đọc xong một câu chuyện, hoặc vừa đặt chân đến một vùng đất nào đó.
+ Từ ý tưởng đến khi hoàn thiện bản thảo, chị mất thời gian bao lâu khi mình không phải là "dân chuyên"?
Số lượng những người xuất thân từ khối ngành kinh tế chuyển sang làm ở lĩnh vực văn thơ, sách vở rất nhiều. Tôi không phải ngoại lệ.
Các câu chuyện cứ hình thành trong đầu tôi một cách tự nhiên. Đầu tiên là một cảm giác, một hình ảnh. Ngày qua ngày, thêm những hình ảnh, cảm xúc mới, và câu chuyện dần hình thành. Đến một ngày, tôi cầm bút và xâu chuỗi, sắp xếp lại, viết ra thành một câu chuyện hoàn chỉnh.
Thời gian viết thì rất nhanh, thường chỉ một đêm là xong bởi chúng đều là dòng sách thiếu nhi, dung lượng ngắn gọn. Nhưng cảm xúc thì đã được nuôi dưỡng trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, tôi không muốn gói gọn bản thân vào việc chỉ viết sách thiếu nhi. Thời gian tới, tôi có dự định sẽ đa dạng hóa bản thân, thử sức với các dòng sách khác.
+ Đối tượng hướng tới là trẻ em, vậy chất liệu nào được sử dụng chính trong các sáng tác của chị?
"Chim sẻ tóc xù" là cuốn sách đánh dấu cho hành trình sáng tác truyện thiếu nhi của tôi. Tiếp đến là "Khói và Xám", "Về nhà thôi", bộ "Vườn nhà bà" (gồm 2 cuốn "Ngỗng Sư Tử" và "Gà mái mơ"), và gần đây nhất là "Nhật kí đọc sách". Tất cả những tác phẩm đó đều khơi gợi tình yêu thương, năng lượng tích cực cho các em nhỏ từ những điều bình dị.
Tôi sử dụng chất liệu thuần Việt để viết nên các tác phẩm của mình. Bối cảnh các câu chuyện của tôi thường gần gũi, quen thuộc với nhiều em nhỏ: Một căn hộ chung cư nhỏ, một mảnh vườn, hay những con vật gần gũi như gà vịt, ngan ngỗng, chó mèo…
Trong các cuốn truyện của mình, tôi đặc biệt lưu ý việc dùng từ tượng hình, tượng thanh, biểu đạt cảm xúc. Tôi muốn giúp trẻ mở rộng vốn từ và dùng tiếng Việt một cách thật đẹp, phong phú và giàu cảm xúc.
Tôi có cảm giác tụi trẻ ngày càng cảm thấy khó khăn khi muốn miêu tả lại một điều gì đó. Việc kể lại một câu chuyện sao cho mạch lạc và biểu đạt cảm xúc một cách rõ ràng ngày càng khó khăn hơn. Tôi hy vọng rằng những cuốn sách của tôi có thể góp một phần nhỏ trong việc bồi dưỡng tiếng Việt cho trẻ.
+ Lựa chọn dòng sách tranh thuần Việt là hướng đi, vừa là người bán sách, vừa là người viết sách, chị nhận thấy đâu là chỗ đứng của dòng sách này khi sách mua bản quyền đang chiếm lĩnh thị trường?
Là người bán sách và có nghiên cứu, quan sát thị trường sách, tôi nhận thấy dòng sách mua bản quyền từ nước ngoài thường bán chạy hơn sách của tác giả trong nước. Thế nhưng, độc giả cũng không quay lưng với những cuốn sách của tác giả Việt. Tôi tin sách Việt vẫn có chỗ đứng nhất định và sẽ phát triển nếu chúng ta làm tốt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn