Cô đào Thanh Ngân tiếc nuối vì cải lương ngày càng vắng khán giả

12:53 | 05/07/2018;
Gần 30 năm đứng trên sân khấu, tiếng hát của NSƯT Thanh Ngân đã làm say đắm biết bao thế hệ khán giả yêu thích nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Thanh Ngân cho biết, hiện cô luôn trăn trở vì càng về sau này, các sân khấu cải lương không còn được khán giả quan tâm như trước.

Thương thế hệ đi sau 

- Để nhìn nhận chính xác về thực trạng của sân khấu hiện nay, chị có đánh giá và trăn trở gì?

thanh-ngan-tien-nguoi-di-11.JPG
Gần 30 năm đứng trên sân khấu, tiếng hát của nghệ sĩ Thanh Ngân đã làm say đắm biết bao thế hệ khán giả yêu thích nghệ thuật cải lương tuồng cổ.

 

Đây là tình hình chung của sân khấu cải lương. Theo sự nhìn nhận của tôi, lớp nghệ sĩ kế thừa thì có nhưng thế hệ khán giả kế thừa thì không. Ngày xưa, thời hoàng kim của sân khấu, cải lương, sân khấu luôn sáng đèn. Nghệ sĩ thời đó có cơ hội thể hiện mình thực tế trên sân khấu, được gần gũi với khán giả. Còn hôm nay, tôi rất thương thế hệ em, thế hệ con của mình nữa, liệu họ có sân khấu sáng đèn để được diễn thường xuyên hay không. Đó là niềm trăn trở rất lớn đối với tôi.

 

- Tuy sân khấu cải lương đi xuống là tình hình chung, nhưng cá nhân chị Thanh Ngân thì sao, dường như chị cũng rất đắt show ở rất nhiều sân khấu?

Để nói về bản thân mình cũng rất kỳ. Về show diễn thì hiện tại tôi cũng chỉ ở mức tương đối thôi.

 

- Ngoài ca diễn cải lương, các nghệ sĩ cải lương đều có khả năng hát tân nhạc và lấn sân lĩnh vực này khi show diễn cải lương thu hẹp. Bản thân chị thì sao?

Nếu nói về tân nhạc thì từ năm 10 tuổi, tôi có xin mẹ lên thành phố để vào học trường Quốc gia âm nhạc nhưng do điều kiện gia đình khó khăn nên tôi không theo được. Đó dường như cũng là cái duyên, sứ mệnh đưa tôi đến với cải lương. Giờ mỗi lần đi ngang đường Nguyễn Du, thấy trường Quốc gia âm nhạc, nay đổi tên thành Nhạc viện thành phố là cảm thấy bùi ngùi lắm.

 

Tiếc cho nghệ thuật truyền thống 

- Vậy chính thức từ khi nào chị bén duyên và thực sự quyết tâm theo cải lương? 

Năm tôi 18 tuổi, cha mẹ tôi luôn hun đúc, thôi thúc tôi theo nghề cải lương. Cũng từ đó, tôi bắt đầu lăn lóc theo các đoàn hát đi khắp các tỉnh, thành, từ miền Trung, miền Bắc, miền Nam... Tôi được lợi thế biết hát tân nhạc nên trong lúc chờ khán giả mua vé vào xem thì đoàn có 30 phút hát tân nhạc. Tôi là đào chính rồi vẫn phải hát tân nhạc để phục vụ bà con những lúc như thế.

 

Những ca khúc nổi danh của Bảo Yến, Mỹ Lan... như Mùa xuân đến từ những giếng dầu, Hương thầm, Lăm ba đa... sau này thì kể cả nhạc do Phương Thanh hát như Trống vắng...  tôi đều hát, nhảy cực kỳ sung trên sân khấu. Ngay sau phần hát phục vụ bà con này, tôi thường phải lập tức lui vào và chỉ còn có 10 phút chuẩn bị hóa trang để xuất hiện trong các tuồng cải lương mà mình là đào chính. Vất vả nhưng cũng cực kỳ thú vị.

 

- Bản thân chị có cảm thấy may mắn khi ngay từ nhỏ đã được gia đình động viên, sau đó là có dịp đi lưu diễn từ trong Nam, ngoài Bắc và từ đó gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ các bậc tiền bối trong nghề?

Đúng là tôi cảm thấy mình may mắn khi sinh ra trong cái nôi của nghệ thuật cải lương và sớm được tập luyện đứng chung sân khấu với các cây đa, cây đề trong nghề”. Với tôi, mỗi đêm diễn ở mỗi sân khấu là kinh nghiệm cho các nghệ sĩ trưởng thành và phát triển với nghề, nhưng thế hệ các em bây giờ có lẽ không còn nhiều cơ hội như chúng tôi ngày trước khi nghệ thuật cải lương, tuồng cổ đang dần bị lãng quên.

Nghệ sĩ Thanh Ngân là con gái út của nghệ sĩ Hoài Châu - Kim Hoa, thuộc thế hệ thứ tư trong đại gia đình nghệ sĩ tài danh có 4 đời theo nghề hát từ thập niên 1930 đến nay. Từ nhỏ, Thanh Ngân đã bộc lộ tố chất của một đào thương và thường xuyên theo cha mẹ đi diễn ở các tỉnh miền Tây, miền Trung đến các khu vực miền Bắc. Đến khi cô được về nhà hát Trần Hữu Trang, với chất giọng đẹp, ngoại hình ưa nhìn, Thanh Ngân trở thành một cái tên được săn đón ở khắp các sân khấu lớn nhỏ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn