Đám cưới là một điều ghi đậm dấu nét văn hóa của từng vùng miền, dân tộc. Ở nhiều nơi, phong tục về ngày kết hôn khiến cho người khác phải thảng thốt mỗi khi được nghe đến.
Người Mãn Châu tại Trung Quốc có phong tục hôn nhân vô cùng độc đáo. Người Mãn có lịch sử lâu dài và cho đến tận ngày nay, những điều đặc biệt trong việc tổ chức hôn lễ vẫn được gìn giữ.
Đám cưới chú rể không tới nhà rước dâu
Với người Mãn, dù cho cô dâu và chú rể quen nhau từ trước thì họ vẫn phải có một người mai mối ở giữa, dẫn đường cho cả hai đến bên nhau.
Sau khi đồng thuận chuyện kết hôn, gia đình nhà trai sẽ đi xem ngày rồi đưa cho bà mai để gửi cho nhà gái coi như truyền tin ấn định ngày cưới. Tiếp đó, nhà chú rể phải gửi quà gồm rượu, một con lợn cho nhà cô dâu để sử dụng trong ngày cưới, tiếp đãi họ hàng người thân.
Đám cưới của người Mãn Châu diễn ra trong vòng 3 ngày liên tiếp.
Ngày đầu tiên là nghi thức giết lợn, mổ gà, dựng lều. Nhà trai sẽ dựng một nhà lều với đầy đủ đồ trang trí trong sân để chuẩn bị tiệc. Nhạc công sẽ chơi nhạc suốt đêm, tạo ra không khí lễ hội, thông báo rằng gia đình có hỷ và cũng là cách khiến người Mãn tin rằng có thể xua đuổi tà ma.
Ngày thứ hai, chú rể, người mai mối, bố mẹ chú rể và một bé trai sẽ sang nhà cô dâu đưa lễ vật. Thời gian này, cô dâu phải lánh mặt và không thể gặp chồng mình.
Ngày thứ ba là ngày rước dâu. Chú rể cùng đoàn xe dẫn cưới sẽ đi đón cô dâu. Về phía nhà gái, gia đình sẽ xem giờ tốt lành, những người có kinh nghiệm và cuộc sống hạnh phúc được chọn giúp cô dâu thay đồ.
Còn có một nhiệm vụ khác nữa là chuyện cô dâu mở khóa dây đeo cổ và trả lại cho mẹ. Đây là cái khóa các cô con gái được đeo khi còn nhỏ. Bây giờ lớn lên và đi lấy chồng, cô sẽ bỏ lại cái khóa đó để thể hiện sự biết ơn vô hạn đối với cha mẹ đã nuôi nấng.
Sau khi thay đồ xong, cô dâu mặc áo choàng đỏ ngồi lên một chiếc kiệu. Về vấn đề di chuyển, ngày nay có thể du di được tùy theo vùng miền và điều kiện của gia đình chứ không nhất thiết là kiệu như xưa. Tiếp đó là thời gian cô nói lời tạm biệt với bố mẹ trong tiếng trống để đi về nhà chồng. Người mẹ ruột chỉ được tiễn con đến chỗ kiệu mà thôi, không thể tiễn thêm được nữa.
Ba mũi tên chú rể bắn về phía vợ mình
Cô dâu mặc áo kép, vai và gối phải độn ít bông để mang ý nghĩa một người con gái đầy đặn và trung hậu. Dù cho thời tiết có nóng nực đến thế nào thì tục lệ này vẫn không thay đổi. Thêm một điều nữa chính là cô dâu người Mãn sẽ có khăn trùm đầu màu đỏ và không được nhìn mặt chú rể trước khi làm xong lễ.
Trong đám hộ tống này sẽ có một người anh trai hoặc anh họ của cô dâu đưa đi. Họ sẽ chọn những con đường tránh giếng nước hay lăng mộ với ý nghĩa tránh đi các vị thần. Gia đình của cô dâu xuất phát khi mặt trời chưa ló dạng.
Gần đến nhà trai thì đoàn của chú rể cũng vừa tới. Họ gặp nhau giữa đường. Người anh cô dâu sẽ bế em gái, đặt lên xe hoa hoặc kiệu hoa của nhà trai.
Khi cô dâu vừa tiến đến cửa nhà chồng, chú rể sẽ bắn ba mũi tên về phía cô dâu. Đây là nghi thức nên họ sẽ bắn tượng trưng, đương nhiên sẽ không trúng người.
Hành động này có ý nghĩa xua đuổi những linh hồn xấu đang bám đuôi. Bắn cung cũng là cách thức để người Mãn tuyên bố rằng họ là một quốc gia rất giỏi săn bắn. Sau hàng nghìn năm phát triển văn hóa thì vẫn giữ được nét đặc trưng này.
Cô dâu bước vào nhà chồng trên tấm vải nỉ màu đỏ, chân không được chạm trên nền đất chút nào và đến bàn thờ đặt giữa sân, hai vợ chồng bắt đầu cùng vái trời đất. Chú rể cầm một roi ngựa hoặc mũi tên lúc nãy anh ta bắn nâng khăn trùm đầu của cô dâu lên đặt trên nóc cái lều được làm sẵn ở sân nhà chú rể.
Lúc khều khăn trùm đầu, chú rể dùng tay xoa đầu tóc cô dâu, tượng trưng cho đôi vợ chồng kết tóc se tơ. Họ sẽ hạnh phúc và già đi cùng nhau như thế.
Sau đó cô dâu và chú rể được yêu cầu ăn bánh bao. Đây là những chiếc bánh bao nhỏ, có nhân làm từ thịt lợn, hành tây, gừng...
Cô dâu tiếp tục bước qua chậu lửa, nhảy qua yên ngựa rồi vào phòng và ngồi lên giường, ở dưới có lưỡi rìu. Điều này mang ý nghĩa "ngồi và tận hưởng hạnh phúc".
Những đứa trẻ con sẽ rắc đậu phộng, táo tàu, hạt dẻ và các loại trái cây sấy khô khác lên giường với ý nghĩa cô dâu sẽ mau chóng sinh con, đẻ cái. Cô dâu ngồi ở trong thì bên ngoài tiệc tùng vẫn đang được cử hành. Khách khứa sẽ hát những bài ca chúc phúc cho đôi dâu rể.
Vào đêm tân hôn, cô dâu chú rể sẽ uống chén rượu tơ hồng, ăn bánh treo mang ý nghĩa sẽ có con đàn cháu đống. Trong đêm ấy thì trên ban thờ cũng có đôi nến thắp sáng suốt đêm. Ở gian bên ngoài mọi người vẫn hát hò liên hoan. Lễ cưới của người Mãn kết thúc khi đêm đã khuya.
9 ngày sau hôn lễ, dâu rể sẽ có ngày lại mặt ở nhà gái. Họ sẽ mang các lễ vật như rượu, đường, cá... để tặng cho họ ngoại coi như lời cảm ơn.
Thời đại phát triển, có những nghi thức trong ngày cưới được biến tấu hoặc thay đổi cho hợp thời thế. Tuy nhiên, với đám cưới dân tộc Mãn, ít nhất những nghi thức cơ bản trên vẫn phải diễn ra. Nó cũng là một nét đẹp của văn hóa khiến người ta tò mò, muốn tìm hiểu.
Nguồn: Sina, sohu, cctv, Kknews
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn