Cô dâu Việt trên đất Bỉ với tập thơ lập kỷ lục

07:59 | 03/02/2020;
Khi theo chồng về Bỉ, những khi buồn nhớ quê, chị Trương Mỹ Vân cũng ngân nga mấy vần thơ đưa ký ức “trở lại” với Việt Nam mến yêu của mình. Với tập thơ "Du thơ đất nước Việt Nam”, chị Trương Mỹ Vân đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục gia.

Trong một lần đi công tác ở Bỉ vào đúng dịp kiều bào nơi đây đang rộn ràng tổ chức buổi họp mặt kiều bào mừng Xuân, khi đi ngang qua khu vực trang trí phục vụ lễ hội, tôi khá ấn tượng khi thấy một người phụ nữ mảnh mai, cùng cô con gái tóc vàng nhỏ nhắn xinh như búp bê và anh chồng người Bỉ đang lúi húi cắt tỉa, trang trí mâm ngũ quả mừng năm mới. Khi tôi dừng lại xem, chị Trương Mỹ Vân (40 tuổi) ngừng tay lại vui vẻ bắt chuyện. 

Chị cho biết chị sinh ra và lớn lên ở làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Mỗi dịp Hội Người Việt Nam tại Bỉ tổ chức lễ hội, chị đều tham gia trang trí, khắc chữ trên các mâm hoa quả. Chị khắc chữ và trang trí đẹp như một nghệ nhân. Thấy tôi trầm trồ, chị cho biết từ thuở nhỏ chị được bà, được mẹ và các cô truyền dạy về công dung ngôn hạnh. Dù sau này có đi đâu đi nữa, chị vẫn luôn nhớ cháy bếp quê nhà với những người phụ nữ yêu thương nhen lên ngọn lửa hồng ủ ấm gia đình.

Yêu thương từ cái nhìn đầu tiên

Nhà nội chị Trương Mỹ Vân làm bánh tráng như một nghề mưu sinh. Những chiếc bánh màu trắng mỏng dặt trên nia hong dưới ánh nắng vàng, trải dài thành từng hàng, từng lối mê mải trên con đường quê. Vẻ đẹp đó không chỉ là ký ức khó quên trong tâm khảm chị Vân mà còn làm mềm lòng biết bao nhiêu du khách phương xa đến thăm, tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam. Trong những ngày nghỉ lễ Giáng sinh tại nhà nội, chị Vân cũng tham gia phụ giúp bà và cô trông nom chuyện nhà cửa và đón khách du lịch đến thăm.

Trưa hôm đó, có một chàng trai người Bỉ tên là Nicolas vác chiếc ba lô to đùng đến xin phép bà nội chị cho ở lại vài ngày để hiểu hơn về văn hóa, cuộc sống của người Việt Nam. Trước đó ba ngày, Nicolas đã đến đây từ sáng sớm, dạo quanh khu vườn đến trưa thì mới xuống tàu đi. Nhà bà nội chị Vân không kinh doanh dịch vụ homestay, nhưng Nicolas đến xin ở cũng là một sự lạ. Sau này, chị Vân mới biết lý do Nicolas trở lại và xin ở nhà nội chị là vì anh có cảm tình với chị ngay lần đầu ghé thăm. Vì muốn tìm hiểu xem lối sống, văn hóa của chị có phù hợp với gia đình anh ở bên Bỉ không nên anh mới quay trở lại theo tiếng gọi của con tim mình.

Chị Trương Mỹ Vân và gia đình giới thiệu  Du thơ đất nước Việt Nam” tại buổi họp mặt mừng Xuân Kỷ Hợi 2019

Chị Trương Mỹ Vân và gia đình giới thiệu "Du thơ đất nước Việt Nam” tại buổi họp mặt mừng Xuân Kỷ Hợi 2019

Trong thời gian ở lại đây, Nicolas dễ dàng chiếm được tình cảm của mọi người bởi cách sống hòa đồng, thích giúp đỡ mọi người và đặc biệt là rất hài hước. Chị Vân kể: "Ảnh tay chân dài mà thích làm đủ thứ, ai nhìn cũng tức cười, đi chợ xuống xuồng thì xuồng lắc lư qua lại, lên chợ thì vướng dù, vướng dây, người ta cột che nắng, che mưa. Ảnh đi đâu làm gì người ta cũng cười hết. Nicolas có học về văn hóa Đông Nam Á, anh rất tâm lý trong việc ứng xử. Ví dụ như khi gặp người Việt chỉ nói chào chị, chớ không đến ôm hôn như văn hóa Tây phương của anh. Dù có tình cảm với chị Vân nhưng anh rất kín đáo, không nắm tay, hay ôm hôn chị Vân trước mặt người khác...

Cái thuở ban đầu ấy, chị Vân nói chuyện với Nicolas bằng vốn tiếng Pháp ít ỏi học từ lúc phổ thông. Khi nói chuyện với anh, chị luôn mang kè kè quyển từ điển, cây bút tờ giấy bên mình. Từ nào Nicolas nói mà chị không hiểu thì chị bảo anh viết ra rồi tra từ điển, hoặc đưa anh nguyên cuốn từ điển để anh tìm từ đó cho chị. Khi hai người có tình cảm với nhau, Nicolas đến Tổng lãnh sự quán Bỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh để hỏi thủ tục làm giấy kết hôn và bảo lãnh. Một năm sau đó, chị Vân kết hôn với anh Nicolas rồi theo chồng sang "thủ đô của Châu Âu".

Gian nan hoà nhập

Khi đến Bỉ, chị Vân phải mất một thời gian mới thích ứng được với cuộc sống mới. Khi cuộc sống dần ổn định, chị xin vào làm việc cho các hộ gia đình người Bỉ và nhân viên từ các nước đến Bỉ để làm việc trong các trụ sở của Liên minh châu Âu (EU). Công việc của chị là sơ chế thực phẩm, dọn dẹp nhà bếp, ủi quần áo… Trong thời gian đó, chị cũng trổ tài làm vài món Việt như chả giò, mì xào, heo chiên ngũ vị... cho chủ nhà. Mọi người đều rất thích, rồi nhờ chị đến làm khi họ đãi tiệc cho người thân, bạn bè. 

Với tập thơ Du thơ đất nước Việt Nam”, chị Trương Mỹ Vân đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục gia.

Với tập thơ "Du thơ đất nước Việt Nam”, chị Trương Mỹ Vân đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục gia.

Cũng bắt đầu từ đó, chị Vân luôn học hỏi tìm tòi để nâng cao tay nghề. Không chỉ riêng món Việt, chị còn học thêm các món Châu Âu và thế giới. Dù bận chuyện gia đình, con cái, lại phải đi làm suốt cả ngày, nhưng chị vẫn sắp xếp thời gian đi học các chương trình về nhà hàng, khách sạn, quán cà phê. Đó là chưa kể thân hình mảnh khảnh của chị phải chống chọi với những căn bệnh dị ứng vì mũi họng khi đi qua những mùa đông giá lạnh, tuyết rơi. Có khi đến 5 năm, chị mới thu xếp về thăm gia đình một lần. Nhiều lúc chị rớt nước mắt khi nghe con mình nói: "Má à, con chỉ muốn má ở nhà buổi tối để con ngủ yên không phải đến ngủ nhờ nhà chú G, con cũng không thích cô A, cô Ng đến nhà mình giữ con". Tuy nhiên, vì cuộc sống có lúc phải chấp nhận hoàn cảnh thiệt thòi để cố gắng đạt đến mục tiêu mình đề ra cho tương lai.

Hạnh phúc giản dị

Chị Vân may mắn có một gia đình hạnh phúc với người chồng luôn yêu thương và đỡ đần mọi công việc cho vợ. Dù đang là giảng viên của một trường sư phạm, công việc khá bận rộn nhưng anh luôn dành thời gian giúp chị dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, ghé siêu thị mua đồ. Hai con thì ngoan ngoãn có tinh thần tự lập tốt. Sau một ngày làm việc vất vả ở bên ngoài, anh chị lại ngồi bên nhau, trò chuyện với nhau, kể cho nhau nghe mình đã làm gì, gặp gỡ những ai trong khoảng thời gian đó, chuyện học hành của con cái, hoặc kể về quyển sách mình đang đọc, bộ phim mình mới vừa xem xong… Bởi vậy, họ luôn thấy hiểu và cảm thông cho nhau

Chị Vân luôn tràn ngập lòng cảm kích khi nói về chồng: "Cái gì Nicolas cũng sốt sắng làm chớ không đợi tôi làm. Mua cả dàn tủ mới ngồi ráp vô mấy ngày, tháo nguyên dãy tủ cũ vì nó không tiện chứa nhiều quần áo. Hay lúc mua nhà cũng vậy, mua cái nhà cũ mà thuê công nhân làm thì tiền thuê mắc vô cùng. Cho nên, ổng quyết định: ngày đi dạy, tối về là khẩn trương cạo giấy dán tường cũ, rồi dán lại giấy mới, sơn phết làm các thứ. Làm xong, cả nhà mới dọn vô ở. Còn con đau bệnh cũng vậy tôi nói thằng nhỏ sốt cao, thằng nhỏ té chảy máu ở trường. Dù ổng đang đi làm, hay đêm 12 giờ khuya cũng lo an ủi nhỏ nhẹ, rồi chạy ào ào vô khoa cấp cứu. Kêu tôi ở nhà trông đứa kia đang ngủ".

Theo kinh nghiệm của chị Vân: "Vợ chồng phải tôn trọng lẫn nhau. Không phải mạnh ai nấy làm về nhà ngủ là xong. Trong hôn nhân mà quá tự do, dần dần sẽ có cảm giác không cần người kia nữa, chia tay, hay ly hôn gì cũng dễ dàng. Với tôi, một cuộc hôn nhân hạnh phúc thì người phối ngẫu không chỉ là người yêu, mà còn là người bạn tri kỷ của mình".

6.300 câu thơ gửi gắm tình cảm quê hương

Khi theo chồng về Bỉ, những khi buồn nhớ quê, chị cũng ngân nga mấy vần thơ đưa ký ức "trở lại" với Việt Nam mến yêu của mình. Cuối năm 2015, sau đêm chiêm bao thấy cùng đi du lịch với người cô Tư ở quê (đã mất), chị bắt đầu tìm tài liệu để viết "Du thơ đất nước Việt Nam". Nội dung tập thơ "Du thơ đất nước Việt Nam" 325 trang của chị nói về 63 tỉnh/thành của Việt Nam, đặc sản quê hương, trang phục truyền thống, cách chế biến các món ăn từ các nguyên liệu ở địa phương… 

Với tập thơ "Du thơ đất nước Việt Nam", chị Trương Mỹ Vân đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục gia. Để hoàn thành 6.300 câu thơ lục bát, chị phải mất 2 năm lao động miệt mài. Có những khi vì mải mê làm việc mà chị bị thiếu vitamin D ngay giữa những tháng hè, mùa thu thì viêm trực tràng, mùa đông thì viêm phổi, mùa xuân viêm da dị ứng. Để có thể viết về một địa danh, chị phải  xem đi xem lại nhiều nguồn tin khác nhau trên mạng và sách vở, atlas, tự điển tiếng Pháp. Nhất là các con số, mốc thời gian niên đại, tên món ăn như nem, phở... 

Bắt đầu đến từng tỉnh phải có tên cơ quan đầu não là tỉnh lỵ, rồi đến các địa danh, thắng cảnh lân cận và tên các loại đặc sản, món ăn đặc trưng... Có một số trường hợp địa danh hay danh nhân này khi xưa nằm trên địa lí một tỉnh, nay đổi tên tỉnh hoặc bị chia cắt thành hai tỉnh mới, nên có khi bị nhầm. Kỳ lạ là mỗi lần chị viết sai, chị lại có linh cảm bất an. Chị lại mơ thấy cô Tư cùng chị đi đến nơi đó. Lúc đầu, chị không biết nên không chỉnh sửa, đến vài lần thì chị để ý và cẩn trọng hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn