Cô gái 30 ngóng Tết từng ngày

14:30 | 04/02/2019;
Còn gần tuần nữa mới đến Tết, tôi đếm từng ngày... Tối nay, bọn bạn rủ cà phê nhưng tôi từ chối vì hẹn anh online.
Tôi đã 30 tuổi. Tôi thừa ý thức mình đang bước vào cái ngưỡng mà nhân gian quan niệm, rằng đó là cái tuổi... “đã toan về già”. Tuổi của tôi, tôi không biết thì còn ai biết. Được cái, tôi thuộc hàng nhỏ nhắn, xinh xắn nên bề ngoài, mọi người thường vẫn chỉ đoán tôi 25. Mỗi lần nghe vậy, tôi cũng cảm thấy mở cờ trong bụng. Phụ nữ ai mà chả sợ bị chê già. Như cô bé làm cùng tôi, mới ngoài 20 tuổi, một nách hai con dại, ai gặp cũng đoán 27, 28. Nghĩ mà khiếp.
 
Phụ nữ không thích hỏi tuổi. Điều này hoàn toàn đúng đối với tôi. Tôi ghét bị người ta hỏi tuổi không phải vì tôi sợ nói thật tuổi, mà là không muốn khi họ hỏi tuổi rồi, họ lại lan man đến chuyện gia đình, chồng con. Tôi cũng chẳng ngại nói rằng mình chưa lấy chồng, nhưng tôi ghét cay ghét đắng những ánh mắt tò mò, những lời đàm luận vô duyên.
 
Những đứa bạn gái cùng học giờ mỗi lần gặp lại, thường lên án tôi “già kén kẹn hom”. Còn mấy tên con trai xưa từng thích tôi mà không cưa đổ nhìn tôi khó hiểu. Chúng nghĩ gì, tôi cóc quan tâm. Chỉ có điều, vì tôi không thích bị đem ra làm đề tài bàn luận của họ nên suốt mấy năm rồi, tôi chẳng tham gia họp lớp. Gần đến ngày truyền thống gặp mặt hàng năm, hoặc tôi tắt máy, hoặc tôi tìm cách đi công tác.
 
1-sac-xuan-ha-thanh.jpg
Ảnh minh họa

 

Mẹ tôi chẳng bao giờ nói ra, nhưng tôi biết, bà là người “ăn không ngon, ngủ không yên” về chuyện chồng con của tôi. Bao bận nằm bên, nghe tiếng thở dài hắt ra từ mẹ, tôi cũng xót xa lắm. Mỗi khi có chàng trai nào le ve đến nhà mon men tán tỉnh, mẹ tôi cứ lăng xăng, hớn hở ra mặt. Thật khổ. Tôi chẳng sợ tôi ế chồng, sao mẹ cứ lo thay cho cuộc sống của tôi. Mẹ bảo: “Người phụ nữ mà thiếu đi tổ ấm là hạnh phúc không tròn”. Tôi cự lại: “Con sống cuộc sống của con, con chẳng lo. Sao mẹ cứ lo hão huyền”. Mẹ chỉ nói vỏn vẹn một câu, nghe mà não nề: “Tôi sinh ra chị là con gái, tôi phải sống thêm một cuộc đời”. Đúng là người già, dễ sinh ra lẩm cẩm.
 
Tôi thuộc hàng giới tính XX 100%. Chẳng phải tôi kén chọn. Cũng chẳng phải tôi chưa từng mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Có điều, tôi cứ thấy đàn ông nhàn nhạt thế nào ấy. Người yêu đầu tiên của tôi bảo: “Sự thông minh của em đôi lúc làm anh mất tự tin trong giao tiếp”. Thế là tôi bỏ. Người yêu thứ hai của tôi đẹp trai, ga lăng nhưng lại nhu mì, cái gì cũng “mẹ, mẹ”. Thế là tôi cũng “bái bai”.
 
Người đàn ông tôi thầm khát khao được dệt giấc mơ hạnh phúc thì lại đã là “một nửa” của một người đàn bà khác. Từ đó, tôi chẳng còn thiết tha chuyện vợ chồng. Thi thoảng tôi cũng chạnh lòng khi thấy bạn bè xung quanh chồng chồng, vợ vợ. Nỗi buồn thoáng qua, tôi lại hăm hở với hai từ “tự do”. Xã hội hiện đại, chuyện chồng con đâu còn là mối ràng buộc lớn nhất của người phụ nữ.
 
Tôi luôn xác định tôi là tôi – một đứa tôi luôn vui vẻ, trẻ trung, cho dù tôi 20, 30 hay nhiều tuổi hơn nữa. Tôi không quan tâm đến tuổi tác của mình. Vì tôi thuộc tuýp người độc lập, không ưa sống phụ thuộc. Nhưng càng ngày tôi càng ghét Tết. Vì lẽ, mỗi độ Tết về, tôi lại phải nghe những lời cũ rích suốt từ mấy năm nay: “Cái tuổi nó đuổi xuân đi, phụ nữ già nhanh lắm”. Rõ thật là phiền phức! Đã thế, Tết này, tôi sẽ nghĩ kế để được thoát khỏi nhà, rủ mấy đứa bạn còn đơn thân đi du lịch đâu đó quanh quanh các nước trong khu vực cho nhẹ đầu.
 
Trước Tết gần hai tháng, một chiều chỉ có mẹ ở nhà, tôi làm ra vẻ thiểu não, ôm bà buồn rầu: “Có lẽ Tết này, con chẳng được ăn Tết ở nhà”. Mẹ tôi sửng sốt, chưa kịp hỏi lý do, tôi đã trình bày bài thuộc lòng từ trước: “Đúng dịp Tết Nguyên đán, chúng con sẽ phải sang Singapore để ký hợp đồng với đối tác bên đó”. Mẹ nhìn tôi nghi ngờ: “Kế hoạch làm ăn biết từ trước, sao không xúc tiến sớm đi mà lại khéo chọn vào dịp Tết nhất thế”.
 
Tôi ra vẻ bực mình: “Thì con cũng đã đề xuất với các sếp. Nhưng chủ trương là bởi đối tác bên Singapore, mình phụ thuộc, sao quyết được hả mẹ. Với lại các anh ấy tin tưởng con, giao nhiệm vụ, chả lẽ mình đang son rỗi lại từ chối thì chả ra làm sao”. Mẹ nhìn trân trân, dò xét thái độ của tôi: “Chị liệu hồn, léng pha léng phéng là chết với tôi. Lớn trương xác, chưa chồng con thì chưa trưởng thành được”. Mặt tôi vẻ buồn thiu nhưng trong bụng thì hớn hở vô chừng. Vậy là công tác tư tưởng bước một đã thành công ngoài mong đợi. Tâm trạng phấn chấn, tôi nhắn tin cho đám bạn theo chủ nghĩa độc thân hẹn hò cà phê tán gẫu rồi dắt xe ra phố.
 
Gió mùa. Trời se lạnh. Phố vắng. Cảm giác thênh thang thật dễ chịu. “Đúng là chẳng gì bằng chủ nghĩa tự do” - vừa đánh võng "con" Vespa, tôi vừa nhủ thầm. Đang hứng chí, thả hồn mơ màng bay theo chủ nghĩa tự do, một vật gì đó đâm dúi phía sau xe làm tôi mất lái, chiếc Vespa đổ kềnh, còn tôi văng xuống đường. Toàn thân tôi đau ê ẩm, một bên hông bị đập mạnh xuống nền đường, đau điếng. Tôi lồm cồm bò dậy theo phản xạ, đầu óc còn đang hoảng hồn. Một bàn tay đàn ông đỡ nhẹ tôi đứng lên, dìu tôi vào vỉa hè.
 
Khi cả hai chiếc xe được đưa vào vỉa hè, tôi mới nhìn rõ đó là một người đàn ông áng chừng độ tuổi tôi. Biết đó là thủ phạm vừa gây ra cú ngã trời giáng, máu tôi xung lên đỉnh đầu: “Đường thênh thang thế, mắt mũi anh để đâu? Anh bị ma nhập à? Hay không biết lái xe”. Anh ta lắp ba lắp bắp: “Tôi... tôi... Vì tôi cố đuổi theo cô để...”. “Cướp à?” – tôi ngoa ngoắt ngắt lời. “Không. Tôi... tôi hỏi đường lên chợ đêm phố cổ. Tôi không phải người của thành phố này. Tôi mới đến Hà Nội công tác. Tôi mượn được chiếc xe của người bạn và muốn tự mình lái xe dạo phố. Tôi thành thật xin lỗi chị. May mà chị không sao. Tôi... Nếu chị đau, không đi được xe, tôi xin gọi taxi đưa chị về nhà ”.
 
Trời ạ. Đúng là xui xẻo. Nhìn bộ dạng luống cuống và thành thật của anh ta, tôi cũng bớt bốc hỏa: “Thôi. Anh đi đi. Tôi không sao đâu. Tôi tự lái xe được”. Anh ta chần chừ: “Nhưng chắc là chị bị đau lắm”. “Tôi đi được, anh đừng lo. Anh cứ đi theo thẳng phố này, ra ngã năm, rẽ sang phố Hàng Bông, cuối phố Hàng Bông là Hàng Đào, ấy là chợ phố cổ” - Chỉ dẫn một lèo xong, tôi tập tễnh ra leo lên xe. Lúc này tôi mới nhìn kỹ xuống chân mình, đôi giày của tôi đã bị bay cả hai gót từ bao giờ...
 
Và rồi tôi quen anh - quá đỗi tình cờ và bất ngờ hơn cả trong tiểu thuyết. Hai tuần anh công tác tại Hà Nội trôi nhanh. Ngần ấy thời gian, đủ cho chúng tôi sắp đặt 10 cuộc hẹn hò, dạo phố và kể cho nhau nghe những câu chuyện về thành phố của mình. Anh là người gốc Bắc, theo bố mẹ vào sinh sống tại Sài Gòn và hiện làm việc cho một dự án cộng đồng ở Vũng Tàu. Anh bảo, anh đang nghiên cứu để viết một dự án bảo tồn những giá trị lịch sử phi vật thể, ấy là những ngôi nhà cổ, khu phố cổ và làng quê cổ... Anh thích được một lần đến Bích Câu Đạo quán để nghe ca trù, mong ước được ghi hình lại các lễ hội di tích Gò Đống Đa, Cổ Loa, Đền Hùng...
 
img-2153.PNG
Ảnh minh họa

 

Vô duyên, vô cớ, tôi tình nguyện đi cùng anh lên sân bay để tiễn anh trở về Vũng Tàu. Trước khi vào phòng đợi, anh bắt tay tôi thật lâu, ngập ngừng: “Tết này, anh sẽ thu xếp ra Bắc, ăn Tết ở quê và lên Hà Nội. Em sẽ làm hướng dẫn viên cho anh nhé!”. Lâu thật lâu rồi má tôi lại nóng ran lên như thế. Rét nhẹ, nhưng tay tôi run bắn trong tay anh...
 
Còn gần tuần nữa mới đến Tết, tôi đếm từng ngày... Tối nay, bọn bạn rủ cà phê nhưng tôi từ chối vì hẹn anh online. Tôi đang chat với anh, mẹ tôi mở cửa đến rầm, ngó vào phòng tôi, giọng đầy thảng thốt, giục giã: “Sắp đến ngày con đi Singapore rồi phải không? Chính xác là ngày nào? Có phải mua sắm gì không để mẹ chuẩn bị cho?”. Nghe mẹ hỏi, tôi bất ngờ. Cũng chợt nhớ ra, nhưng chưa chuẩn bị sẵn tình huống này, tôi ú a ú ớ: “Ơ... Con chưa thông báo lại cho mẹ à... Con không phải đi nữa. Có người đi thay con rồi. Tết này con ở nhà”... Mẹ lắc đầu quay ra: “Chưa chồng con, chưa lớn lên được”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn