Cô gái 30 tuổi mang hình hài đứa trẻ lên 3

08:31 | 01/08/2020;
Trong khi các cô gái cùng trang lứa ở xung quanh đều đã lấy chồng và có vài mụn con thì Trần Thị Thanh (sinh năm 1990) vẫn mang hình hài và trí óc chẳng khác đứa trẻ lên 3.

Tới xã Lý Nhân (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) hỏi thăm nhà bà Nguyễn Thị Điểm (SN 1962) - người đàn bà có đứa con nuôi mãi không lớn - ai cũng biết và tận tình chỉ đường. Họ đều xót xa, thương cảm cho cô gái 30 tuổi mang hình hài của đứa trẻ 3 tuổi.

Ngồi trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 15 mét vuông, chẳng có đồ đạc gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ, đưa ánh mắt về phía con gái, bà Điểm giới thiệu: "Cái Thanh nhà tôi đó, năm nay 30 tuổi rồi. Mấy năm trước nó còn sang nhà hàng xóm chơi không chịu về. Giờ sức khỏe yếu rồi, không đi được nữa", khóe mắt người mẹ đỏ hoe.

Năm 1982, bà Điểm nên duyên vợ chồng với ông Trần Thanh Thiết (SN 1962). Ông bà lần lượt sinh được 4 người con gái, trong đó đứa con đầu lòng ra đời năm 1990 được đặt tên là Trần Thị Thanh. Trong 4 tháng đầu đời, Thanh phát triển như bao đứa trẻ bình thường, kháu khỉnh, xinh xắn. Nhưng từ tháng thứ 4 trở đi, Thanh ốm nặng, khắp người bỗng nổi rất nhiều hạch và cơ thể không phát triển nữa. Gia đình đã đưa cô bé đi khám ở bệnh viện huyện, rồi bệnh viện tỉnh, nhưng bác sĩ cũng không biết nguyên nhân bệnh, khuyên gia đình đưa Thanh lên các bệnh viện lớn để khám. Nhà nghèo, lại sinh tận 4 người con, thương lắm nhưng vợ chồng bà Điểm cũng chỉ biết ngậm ngùi nuốt nước mắt đưa con về, chứ ăn còn chẳng đủ, tiền đâu mà chạy chữa.

"Vợ chồng tôi lam lũ quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, chồng tôi thì sức khỏe yếu, hay ốm đau nên cũng chẳng đi làm mướn làm thuê được đều đặn, cuộc sống chắt bóp lắm cũng chỉ đủ ăn, còn phải lo cho 3 đứa em của Thanh ăn học nữa, vất vả lắm", bà Điểm chia sẻ.

Mặc dù năm nay đã 30 tuổi nhưng Thanh chỉ nặng vỏn vẹn 12kg và cao chưa đầy 70cm. Bà Điểm gần 60 tuổi nhưng vẫn phải sống trong cảnh chăm con mọn. Suốt nhiều năm qua, bà Điểm luôn rầu rĩ buồn chán vì nuôi con chẳng được khỏe mạnh, cao lớn như "con nhà người ta"; lên 5, lên 10 nhưng thân hình của Thanh vẫn như đứa trẻ. Nhưng mấy ai biết, bên trong "vỏ bọc" của thân hình trẻ con là cô gái đã bước sang tuổi 30, những dấu hiệu tuổi tác bắt đầu hằn lên gương mặt, mái tóc rụng dần.

Cô gái 30 tuổi mang hình hài đứa trẻ lên 3 - Ảnh 1.

Thanh và mẹ

Nước mắt người mẹ nghèo

Bà Điểm bảo, người ta con mọn 3 năm là xong, còn bà 30 năm con mọn vẫn chưa tròn nghĩa vụ. "Từ ngày sinh Thanh, tôi chẳng dám đi làm ở đâu xa vì lúc nào cũng phải trông chừng con gái. Vì nhà nghèo nên cũng chẳng thể gửi con ở nhà trẻ, tôi đành làm liều, nhốt con trong nhà để đi làm. Nhưng cũng chỉ liều được vài lần thôi, không dám bỏ đi lâu vì nghĩ thương con nằm một mình lại tội. Nhiều khi khóa cửa rồi vẫn lo con bị bắt cóc mất". Nói rồi bà lại tự cười gượng gạo, vì con nhà người ta lanh lợi, xinh xắn, bọn bắt cóc còn để ý, đằng này, Thanh của bà...

Trông con, lo miếng ăn giấc ngủ, bà Điểm còn lo cả chuyện con bị đám trẻ con trong làng chọc ghẹo. "Bạn bè cùng trang lứa với nó giờ đã lấy chồng hết. Giờ đến chơi với nó toàn là cháu chắt trong nhà. Những đứa lớn, có ý thức thì không sao, nhưng có nhiều đứa trẻ đến chỉ để bắt nạt, Thanh nó chỉ biết ở yên một chỗ, đâu chống cự được. Thành ra trẻ con đến chơi thì vui, mà cũng bận hơn vì tôi phải để ý từng chút một", bà Điểm nói.

Bà Điểm kể, con gái bà trí nhớ kém hơn cả đứa trẻ lên 3, vẫn thường đi vệ sinh ra quần mà không biết gọi. Thanh ăn cũng rất ít nên ngày một yếu đi. Ngày xưa có người khuyên bà Điểm mang con qua trại trẻ mồ côi để người ta nuôi hộ, rảnh tay rảnh chân còn đi lo kinh tế. Nhưng bà bảo, dù có thế nào, Thanh cũng là máu mủ, là khúc ruột của bà, nên bà cứ giữ để chăm.

Hàng ngày, Thanh chỉ quanh quẩn ở nhà, chơi với những đứa trẻ kém mình cả chục tuổi, nếu không có bọn trẻ chơi cùng, Thanh chỉ biết ngồi xem tivi. Ngay cả việc vệ sinh cá nhân, Thanh cũng phải nhờ mẹ giúp đỡ. Khi chúng tôi cố gắng bắt chuyện với Thanh thì chỉ nhận được nụ cười thẹn thùng và vài ba câu ậm ừ không rõ lời.

"Nó không cười nói nhiều như những đứa trẻ khác nhưng nó cũng tình cảm với mẹ lắm. Những lúc tôi mệt nó cũng hiểu nên không cáu gắt hay khóc lóc mà im lặng ngồi nhìn thôi. Sức khỏe của nó ngày một yếu dần, không biết có thể ở lại bên tôi được bao lâu nữa nhưng tôi mong con có thể sống thật lâu để chăm con ngày nào hay ngày ấy. Vất vả lắm nhưng con bé đã thiệt thòi hơn chúng bạn rồi nên tôi muốn yêu thương con suốt quãng đời còn lại", người mẹ nghèo tâm sự trong nước mắt.

Hiện tại, hai mẹ con ở nhà, cứ quanh quẩn với nhau cơm cơm nước nước, có việc gì đơn giản thì làm. Chồng bà Điểm cũng đã có tuổi, không làm được việc nặng, đi làm bảo vệ cho một gia đình ở trên Hà Nội. Tất cả tiền chi tiêu, ăn uống sinh hoạt đều phụ thuộc vào khoản lương 3 triệu đồng mà ông gửi về cho gia đình.

Suốt nhiều năm qua, bà Điểm vẫn luôn băn khoăn về bệnh tình của con: "Cả hai bên gia đình nội ngoại sức khỏe đều bình thường. 3 đứa em gái của Thanh cũng bình thường. Vậy mà không hiểu sao cái Thanh lại mắc căn bệnh kỳ lạ này. Chẳng biết có phải ngày xưa khi mang thai cái Thanh tôi bị sốt rét, sau đó có uống mấy loại thuốc rồi bị tác dụng phụ nên ảnh hưởng tới con hay không?", vừa nói hai bàn tay bà Điểm vừa đan chặt vào nhau rồi thở dài.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn