Những đêm trăng sáng, bọn trẻ con trong làng lại í ới gọi nhau. Chúng cùng nhau chơi "rồng rắn" trong khoảnh sân nhỏ, ánh mắt đứa nào cũng lấp lánh trước chiếc đèn lồng rực rỡ, đầy sắc màu. Chơi chán, cả bọn lại nằm ngửa trên nền đất, ngước mặt ngắm nhìn ông trăng tròn vành vạnh...
Đó là những kí ức tuổi thơ của chị Thu Hồng (30 tuổi, ngụ TP.HCM). Ôm ấp những hoài niệm ấy đến khi trưởng thành, cứ mỗi mùa trung thu đến, chị lại cùng bố mẹ làm ra những chiếc đèn lồng truyền thống.
Ba chị Hồng
Chị nói: "Bố mẹ mình sinh ra tại làng Báo Đáp, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nơi đây nổi tiếng với làng nghề làm đèn ông sao truyền thống. Cái nghề này bắt đầu từ thời của ông bà mình. Ngày bé, nhà mình lúc nào cũng đầy đồ để... nghịch. Tầm lúc mình học lớp 4, chỉ cần nhìn bố mẹ làm đèn là mình làm theo được hết. Sau này, vào trong Nam sinh sống, bố mẹ mình làm thêm nhiều loại đèn kiểu dáng khác để phục vụ thị hiếu của mọi người".
Theo chị Hồng, một chiếc đèn ông sao truyền thống ra đời thường mất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại của người làm. Đầu tiên, người ta sẽ phải chẻ tre, phơi nắng cho tre không bị mọt, uốn cong tạo hình dáng rồi cột từng bộ phận ghép lại. Sau khi đèn lồng thành khung, chị sẽ cắt giấy kiếng dán, cuối cùng là vẽ các hình dáng đủ màu lên đèn.
Gia đình cùng nhau làm đèn lồng
"Công đoạn pha phẩm màu khá đặc biệt, nếu pha không đúng tỉ lệ màu sẽ không sáng, không bám vào giấy kiếng, đèn sẽ xấu hoặc hư. Bố mẹ mình sẽ tỉ mỉ vẽ hình ảnh lên từng bộ phận, sau đó đợi khô, gắn lò xo đèn cầy, cột dây và đóng gói xếp lại.
Hầu hết tất cả các công đoạn làm đèn đều đòi hỏi sự khéo léo. Các khâu khó như chẻ tre, tạo hình dáng đèn thì chỉ có bố mình làm được thôi. Các khâu như nấu hồ dán, pha bột màu thì mẹ mình đảm nhiệm", chị tâm sự. Cứ như thế, gia đình Hồng lại trở thành một trong những nơi hiếm hoi còn làm đèn trung thu truyền thống, trước sự "tấn công" mạnh mẽ của các loại đèn công nghiệp.
"Đối với mình, mùa trung thu là thời gian đặc biệt nhất năm. Ở quê, trung thu năm nào sân nhà mình cũng đầy con nít tụ tập. Chúng mình chơi trò chơi dân gian, đốt đuốc rồi rước đèn quanh xóm. Lúc ấy, mình chỉ mong sao trời đừng tối nhanh để được chơi mãi thôi.
Tuổi thơ của mình không có kì nghỉ hè, vì hè đến là nhà mình lại tranh thủ làm đèn trung thu. Khi lớn lên, mình cảm nhận được sự thay đổi. Trẻ con mà, đứa nào cũng thích thú trước những chiếc lồng đèn mới toanh, hiện đại, chạy bằng pin, được phát nhạc, hay đèn xếp công nghiệp.
Nhưng mình nghĩ, những đồ chơi ấy sẽ không thay thế được đèn truyền thống. Bởi, lồng đèn truyền thống đốt nến gắn liền với tuổi thơ, gợi nhớ bao nhiêu kỉ niệm, là nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Trước sự đổi thay, bố mẹ mình vẫn quyết giữ nghề, làm ra những chiếc đèn lồng mang niềm vui cho mọi người", chị Hồng tâm sự.
Lồng đèn giấy kiếng là kí ức của nhiều người
Cách đây 2 năm, chị Hồng từng đăng tải bài viết về nghề làm lồng đèn truyền thống của bố mẹ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương lái không xuất đi được nên không mua đèn nữa. Chị là người nhìn thấy bố mẹ lặng lẽ cất đèn vào phòng, đầy buồn bã. Bài đăng trên mạng xã hội đã thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, đa phần thể hiện sự xúc động trước cách gìn giữ nghề truyền thống, đồng thời nhiều người đã mua ủng hộ gia đình chị.
"Bố mẹ mình xem nghề làm đèn như cuộc sống của họ vậy. Mặc dù chiếc lồng đèn giá rẻ thôi nhưng lại mang giá trị truyền thống rất lớn, đong đầy kí ức tuổi thơ của bao người.
Khi ấy không có các phương tiện công nghệ hiện đại, mọi người cùng nhau đón một mùa trung thu đầy yêu thương và sự ấm áp. Chiếc đèn trung thu như một cách để kết nối trẻ nhỏ với nhau. Mình mong sau này, các nơi vẫn luôn có người làm nghề, giữ gìn những nét đẹp truyền thống và hãy luôn kể cho các con những câu chuyện đẹp về chiếc lồng đèn giấy kiếng tuổi thơ mà thời ông bà, bố mẹ đã trải qua", cô tâm sự.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn