Dệt may từ lâu đã trở thành nghề truyền thống - một biểu tượng đặc trưng cho vùng đất Nam Định. Những cô thợ dệt với hình ảnh bàn tay thoăn thoắt thoi đưa đã trở nên rất đỗi quen thuộc ở nơi đây. Chính vì thế, Nam Định vốn được biết đến như quê hương của những người thợ dệt với đôi bàn tay vàng, tuy nhiên những “đôi bàn tay vàng” đó không phải do bẩm sinh đã có, mà được hình thành từ quá trình học tập và làm việc chăm chỉ, cần mẫn. Điều này càng được khẳng định rõ hơn khi nhắc đến cái tên Hoàng Thị Hải - cô thợ sinh năm 1987 nhưng đã đạt nhiều thành tích nổi bật.
Hải chia sẻ: Do tò mò và yêu thích với công việc dệt may từ những ngày còn bé nên sau khi tốt nghiệp trung học, chị đã xin vào làm tại Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định và được tuyển dụng vào làm công nhân tại Nhà máy Sợi.
Chị được đào tạo kỹ thuật cơ bản như bao công nhân khác, tuy nhiên bằng sự nỗ lực học tập và cần cù chăm chỉ, chịu khó quan sát mà trong 3 năm từ 2015-2017, chị đã có 2 sáng kiến mang lại hiệu quả trên 200 triệu đồng mỗi năm cho Nhà máy. Đặc biệt các sáng kiến này đã có sức lan tỏa trong đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) ngành Sợi của đơn vị nói riêng và ngành Dệt May nói chung.
Sáng kiến đầu tiên là phương pháp “Mối nối nhanh”. Khu vực chị tham gia sản xuất là khu vực máy con của Nhật, các máy chạy với tốc độ cao, tạo ra các mặt hàng sợi chất lượng đòi hỏi rất khắt khe. Trong quá trình sản xuất, chị cố gắng học hỏi, tìm tòi ra các thao tác nối nhanh, đúng kỹ thuật đảm bảo cho máy chạy liên tục không bị đứt nhiều, quả sợi không bị thắt ngẫng giúp cho chị đứng thêm được nhiều máy con hơn.
Hải cho biết: Nếu theo phương pháp cũ, máy chỉ nối được 16 mối/phút. Theo phương pháp mới tăng được 20 mối/phút. Chính sáng kiến này đã giúp chị đạt giải “Bàn tay vàng” ngành Sợi toàn quốc lần thứ 5.
Tiếp nối thành công, cô gái trẻ tiếp tục cống hiến thêm sáng kiến “Thao tác máy nhanh”. Trong quá trình đứng máy, ngoài việc đảm bảo nối nhanh thì việc đi tua liên tục không được trùng giúp máy không bị đứt sợi, bông quấn lên suốt cũng rất quan trọng. Qua quá trình quan sát, chị đã đề xuất với tổ trưởng đốc công giao nhiệm vụ đứng máy cụ thể cho từng cá nhân để mọi người có trách nhiệm hơn với máy mình phụ trách tránh vòng tua bị trùng lặp; đồng thời việc đi tua xử lý máy linh hoạt theo phương châm “Dễ trước, khó sau”, “Đơn giản trước, phức tạp sau”, nhằm rút ngắn thời gian, đường tua, tránh tiêu hao nhiều nguyên vật liệu và hạn chế mối quấn, không gây hỏng đứt.
Phương châm của nữ lao động trẻ này là sáng kiến phải được ứng dụng, tạo sự lan tỏa và sức ảnh hưởng trong hệ thống ngành nghề. Chính vì vậy, khi sáng kiến của chị được công nhận và áp dụng, chị đã luôn cố gắng kèm cặp, đào tạo cho lớp thợ trẻ, truyền đạt những kinh nghiệm của bản thân và cùng những công nhân có kinh nghiệm tay nghề, cùng họ bàn bạc, đóng góp ý kiến để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho từng người. Nhờ đó, trong tổ sản xuất của chị những người thợ ngày một trưởng thành, vững vàng, đồng đều hơn.
Sự cố gắng của cô công nhân “vàng” làng Dệt đã được ghi nhận khi chị được trao tặng các danh hiệu nổi bật: Giải vàng ngành Sợi tại Hội thi thợ giỏi Tập đoàn Dệt May Việt Nam năm 2015; Giấy chứng nhận "Người Lao Động dệt may tiêu biểu” giai đoạn 2011-2016; Một trong 100 phụ nữ tiêu biểu toàn quốc với danh hiệu "Tự hào phụ nữ Việt Nam" tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, năm 2017; Chứng nhận công nhân tiêu biểu đạt giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III - 2018 và Giấy chứng nhận đạt giải thưởng Nguyễn Thị Sen ngành Dệt May Việt Nam năm 2019.
Xuất phát điểm là một người thợ trẻ nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, tham gia các phong trào thi đua và trên hết là nhiệt huyết của bản thân, chị Hoàng Thị Hải đã từng bước khẳng định mình, đạt được những thành quả nhất định, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ nói chung và cô gái có đôi bàn tay vàng của Thành phố cái nôi nghề Dệt - Nam Định nói riêng.
Chị Hoàng Thị Hải là 1 trong số 10 cá nhân sẽ được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020. Lễ trao giải sẽ diễn ra sáng 18/10 tại Hà Nội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn