Cô gái có trái tim bên phải

14:44 | 06/08/2015;
Phan Thị Tuyến có đôi mắt luôn sáng ngời tràn đầy niềm tin. Suốt 28 năm qua, cuộc sống của Tuyến luôn bị đe dọa bởi bệnh tật nhưng cô đã không chịu khuất phục số phận.

Tuyến trải qua ca đại phẫu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để ghép tim. Hiện sức khỏe của cô đã bình phục. Nếu không rõ bệnh tình của Tuyến, chẳng ai nghĩ cô vừa trải qua ca ghép tim. Một ca ghép tim đặc biệt không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Tuy đang nói chuyện hóm hỉnh nhưng Tuyến không quên vận động chân tay. Đó là những bài tập nhẹ sau một thời gian dài nằm trên giường bệnh để tránh teo cơ.

28 tuổi, Tuyến vẫn muốn làm cô con gái bé bỏng của mẹ. Thương con, mẹ nựng Tuyến uống từng thìa sữa. “Suốt 28 năm qua, mẹ luôn bên em, mẹ bảo tự tay mẹ chăm sóc em thì mẹ mới yên tâm, vất vả nhưng mẹ không một lời than vãn”, Tuyến nhìn mẹ đầy sự biết ơn.

Phan Thị Tuyến được chăm sóc tai bệnh viện 

Quyết chạy chữa cho con

6 tháng sau khi chào đời, Tuyến được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh nặng với trái tim nằm bên phải. Thời điểm đó, y học chưa phát triển nhưng bố mẹ vẫn quyết tâm chạy chữa cho Tuyến. Hết bệnh viện phía Bắc lại vào Nam. Nghe đâu có thể chữa bệnh cho con là bố mẹ Tuyến lại vay mượn tiền để tìm cơ hội sống cho Tuyến. Hồ sơ bệnh án của Tuyến với các giáo sư, bác sĩ tim mạch tại những bệnh viện lớn từ Bắc vào Nam đã quá quen thuộc.

Bố mẹ Tuyến bao tháng nay bỏ dở công việc chăn nuôi, nấu rượu ở thành phố Yên Bái xuống Hà Nội chăm sóc con gái. “Nhiều lần, Tuyến bị sốc tim, tưởng không qua khỏi nhưng giờ thì chúng tôi an tâm rồi”, mẹ Tuyến vừa xoa bóp chân cho con vừa kể. Dù rất thương cha mẹ nhưng sức khỏe không đảm bảo nên Tuyến chẳng thể làm gì. Cô chỉ biết học giỏi để làm vui lòng cha mẹ.

Suốt 12 năm học phổ thông ở trường chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Yên Bái, Tuyến luôn là tấm gương cho các bạn về thành tích học tập và nghị lực sống. Quãng thời gian học của Tuyến nhiều khi phải đứt đoạn vì bệnh tim tái phát. Sau khi sức khỏe ổn định, Tuyến lại lao vào học bù. Vậy mà sức học của Tuyến không hề giảm sút, cô còn được vào đội tuyển học sinh giỏi Toán của trường.

Con tim vui trở lại

Nếu trái tim không ngày một yếu đi và phải ghép tim thì giờ này Tuyến đã tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân. Đang là sinh viên năm thứ nhất, sức khỏe của Tuyến yếu dần, những cơn đau ngực, khó thở đến dồn dập. Ý thức được tình trạng của mình, Tuyến biết sẽ phải chia tay giảng đường từ đây.

Về quê sau một thời gian điều trị, nghỉ ngơi, Tuyến không muốn cứ mãi quanh quẩn trong nhà. Vốn rất giỏi Toán nên Tuyến mở lớp dạy Toán cho các em ôn thi đại học. “Tiếng lành đồn xa”, học sinh đến với cô giáo Tuyến ngày càng đông. Đang vào lúc cao điểm của mùa luyện thi, cô và trò say sưa bài vở thì tim Tuyến lại gặp sự cố. Không thể cố gắng được, Tuyến phải nhập viện và cần ghép tim.

Mẹ Tuyến kể lại, khi vào bệnh viện, bác sĩ kiểm tra sức khỏe và nói: “Tim của cháu đã nhiều lần sốc. Lần này chỉ còn cách ghép tim mới duy trì được sự sống thôi”.

Ghép tim không hề đơn giản, nhất là khi tim lại nằm bên phải. Hơn nữa, tại Việt Nam, các bác sĩ chưa 1 lần ghép tim cho bệnh nhân có trái tim lạc lối như Tuyến. Trong khi đó, cô lại bị đảo gốc động mạch, thông sàn nhĩ thất toàn bộ, tĩnh mạch phổi lạc chỗ hoàn toàn, hẹp rất khít động mạch phổi. Đặc biệt là phải có người cho tim nhưng với trái tim bên phải của Tuyến thì làm sao để tim của người cho ghép vào phù hợp là cả một vấn đề.

Nhận ca ghép này, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Việt Đức), cùng các đồng nghiệp đứng trước vô vàn thử thách. Từng thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật tim mạch nhưng lần này, TS Ước có tâm trạng khác hẳn. Tuy nhiên, ranh giới giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân rất mong manh nên không thể chậm hơn. Thế rồi, sau 1 ngày, phương án phẫu thuật được đưa ra và nhanh chóng thực hiện. Trái tim được ghép từ một người chết não. Vài hôm sau ghép, tim Tuyến đã đập lại nhưng thận của cô lại gặp “sự cố”, phải dùng máy siêu lọc. Sau 1 tháng, thận bệnh nhân mới tự bài tiết được.

Dệt tiếp ước mơ

Trước khi ca phẫu thuật tiến hành, Tuyến vẫn lạc quan, dù không biết điều gì sẽ xảy ra khi mổ. Điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh, Điều dưỡng trưởng của Khoa Tim mạch, nhớ lại: “Trước ca phẫu thuật, Tuyến vẫn cười vui, hẹn lần sau em sẽ tự đến gặp bác sĩ mà không cần ngồi xe hay ai cõng nữa”.

Giờ đây, Tuyến đã có thể ngồi và chuẩn bị tập đi trở lại. Sắc mặt hồng hào tươi tắn, gót chân hoại tử sau thời gian dài nằm một chỗ đã dần khỏi. Sau 3 tháng ghép tim, Tuyến đã có thể dệt tiếp những ước mơ của mình.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)

“Để ghép tin của người cho bên trái vào bên phải của bệnh nhân, phải ghép cuống mạch về bên trái; phải tạo chân đế miệng nối cho quả tim, vì bệnh nhân bị khuyết chân đế, do mắc bệnh tim bẩm sinh.

Hơn nữa, sau gần 28 năm bị tim nặng, bệnh nhân điều trị nhiều thuốc nên sức khỏe suy kiệt, hồng cầu trong máu biến dạng để thích nghi, chức năng thận, gan rối loạn. Tuy nhiên, bằng sự cố gắng, chúng tôi đã thành công. Tiên lượng cuộc sống của bệnh nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng nếu trái tim khỏe, chất lượng cuộc sống tốt hơn thì thời gian sống sẽ kéo dài. Đây là ca ghép tim đặc biêt đầu tiên tại Việt Nam và cũng rất hiếm trên thế giới”.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn