Chủ nhân của Cơm Tấm Nam Kỳ là Đỗ Thị Phương, người con gái đất cảng Hải Phòng, có niềm đam mê với ẩm thực. Phương tâm sự, ngày còn học phổ thông, cô chưa từng phải vào bếp. Thế nhưng, kể từ ngày học đại học, sống xa gia đình, mỗi khi nấu ăn, cô lại nhận ra mình yêu ẩm thực. Mỗi ngày say mê với các nguyên liệu, vừa nấu vừa khám phá, trải nghiệm, đã mang đến cho cô một cảm giác thích thú, hào hứng. Cô mơ ước ngày nào đó sẽ có thương hiệu về ẩm thực của riêng mình.
Và Đỗ Thị Phương đã chọn khởi nghiệp bằng món bánh mì cay của quê hương. Chuỗi cửa hành Bánh mỳ cay được hình thành với hơn 10 cửa hàng ở các tỉnh từ Bắc vào Nam. Do thiếu kinh nghiệm nên khi hệ thống phát triển quá nhanh, cô đã phải bán lại cho người khác vì không đủ sức vận hành. Nhưng đam mê với ẩm thực chưa bao giờ tắt trong Phương khi chỉ một thời gian sau, cô tiếp tục quay trở lại với Cơm Tấm Nam Kỳ, một thương hiệu mà cô tâm đắc bởi hương vị cũng như những câu chuyện về món ăn này.
"Mong muốn ban đầu của tôi là đưa hương vị miền Nam ra miền Bắc nhưng gặp khá nhiều khó khăn. Bởi người Bắc quen ăn cơm gạo dẻo, thơm thì món ăn của tôi phần cơm lại khô và cứng hơn. Nước mắm của người miền Bắc dùng để chấm, nên loãng và mặn, còn mắm của người miền Nam dùng để rưới cơm, nên ngọt và sánh hơn. Vì vậy ban đầu có nhiều thực khách chưa từng ăn cơm tấm Sài Gòn bao giờ muốn tôi thay đổi loại gạo để phù hợp với thị hiếu của người Hà Nội hơn. Đó cũng là lý do vì sao nhiều quán cơm Tấm ở Hà Nội dùng gạo dẻo, chứ không dùng gạo Tấm như cửa hàng của tôi", cô chủ Cơm Tấm Nam Kỳ tâm sự.
Theo Đỗ Thị Phương, làm nước mắm đúng kiểu miền Nam mất nhiều thời gian và cầu kì nên nếu bỏ qua, dùng mắm thường sẽ không thể rưới cơm. Những suất cơm hết thức ăn nhưng bị bỏ lại nhiều cơm khiến cô phải "cân não" một thời gian để suy nghĩ có nên thay đổi hay không. Nhưng rồi những thực khách đã từng ăn cơm tấm Sài Gòn, đặc biệt là những khách hàng là người Sài Gòn ra Hà Nội sinh sống đều ưa thích và khen ngợi.
Không muốn đi chệch so với định hướng ban đầu, cô giữ đúng hương vị của món ăn này và được nhiều người ủng hộ.
Để chinh phục cách làm món cơm tấm Sài Gòn đúng chuẩn, Phương đã từng cất công vào Sài Gòn ăn thử nhiều quán, từ nhà hàng tới quán vỉa hè bình dân. Cô học hỏi từ nhiều bậc thầy chính gốc, sau đó về nấu thử, nêm nếm tinh chỉnh để cho ra một công thức mang đến hương vị gần như hoàn toàn với cơm tấm Sài Gòn.
Hiện nay, quán Cơm Tấm Nam Kỳ của Đỗ Thị Phương được nhiều người biết đến. Không chỉ phục vụ thực khách tại nhà hàng mà cô còn bán online qua kênh facebook, các app bán đồ ăn trực tuyến. "Chỉ cần một cú click hay là một cuộc điện thoại là cơm canh nóng hổi sẽ được phục vụ tận nơi mà không làm ảnh hưởng đến hương vị", Phương cho biết. Trong tương lai, cô dự định xây dựng một chuỗi Cơm Tấm Nam Kỳ để phục vụ được đông đảo thực khách.
Cơ sở Cơm Tấm Tam Kỳ của Đỗ Thị Phương hiện tạo việc làm cho hơn 10 lao động. Ngoài ra, cô còn thường xuyên nấu các bữa ăn từ thiện, nồi cháo yêu thương... cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo ở khu vực quanh Bệnh viện Nhi Trung ương.
Trước khi đến với ẩm thực, Đỗ Thị Phương từng làm thư kí tòa án nhân dân, làm ở phòng pháp chế cho các doanh nghiệp. Những công việc đó đã giúp cô trưởng thành và dần nhận ra bản thân thực sự đam mê điều gì. Vì vậy, khi quyết định rời bỏ ngành Luật, bước vào kinh doanh ẩm thực, cô tin rằng mình đã chọn đúng con đường cần đi và quyết tâm đi đến cùng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn