Cô gái “đất sen hồng” thành công với yến sào

15:09 | 15/10/2023;
Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương, chị Lưu Thị Mỹ Duyên, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Thiên Phúc Đồng Tháp (ngụ huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), đã quyết định đầu tư sản xuất, thương mại hóa nhiều sản phẩm từ tổ yến, sen.

- PV: Cơ duyên nào khiến chị quyết định khởi nghiệp với lĩnh vực yến sào?

Chị Lưu Thị Mỹ Duyên: Trước đây, tôi vốn kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng ở địa phương. Trong một lần đi du lịch tại tỉnh Khánh Hòa, khi tham quan cơ sở nuôi yến, được nhìn thấy những con chim yến bay lượn khiến tôi có cảm giác hết sức yên bình. Lúc đó tôi nghĩ, tại sao mình không thử tìm hiểu về nghề này, vừa gần gũi thiên nhiên mà lại mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Từ suy nghĩ này, tôi đã tìm hiểu và quyết định đầu tư nuôi yến. Ban đầu, tôi chủ yếu bán yến thô cho các công ty sản xuất ở TPHCM. Đến khi dịch Covid-19 xảy ra, tôi thấy vấn đề sức khỏe hết sức quan trọng với mỗi người nên bắt đầu nghiên cứu, sản xuất các mặt hàng từ tổ yến. 

Hiện nay, chúng tôi có hơn 10 sản phẩm, trong đó có các sản phẩm chủ lực như yến tinh chế, yến nguyên tổ, tổ yến rút lông khô, sữa hạt sen tổ yến, rượu yến…

- PV: Trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm yến sào. Vậy sản phẩm của chị có gì khác biệt?

Chị Lưu Thị Mỹ Duyên: Một điểm đặc biệt của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng là có những cánh đồng lúa, sen rộng lớn nên có nguồn thức ăn cho chim yến rất dồi dào. Do vậy, tổ yến có chất lượng cao với kích thước lớn, sợi yến dày, thơm ngon. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu sản xuất sản phẩm kết hợp giữa yến sào và hạt sen, mang lại sản phẩm đặc trưng, khác biệt so với các sản phẩm yến sào ở các địa phương khác. Bên cạnh bán hàng trực tiếp, tôi cũng bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, mang lại hiệu quả quá tốt. 

Ngoài ra, tôi cũng đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm đến nhiều hơn với người tiêu dùng, hướng đến việc đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

- PV: Nguồn nguyên liệu hiện nay do chị chủ động hay kết hợp với người nông dân tại địa phương?

Chị Lưu Thị Mỹ Duyên: Về yến nguyên liệu thì tôi có đầu tư xây dựng nhà yến với diện tích hơn 20.000m2. Còn về nguồn nguyên liệu hạt sen, tôi có ký kết với các hộ nông dân trên địa bàn với diện tích khoảng 5ha. Hiện nay, nhiều người phụ nữ, nhất là phụ nữ ở nông thôn, vẫn đang xoay quanh cuộc sống gia đình mà chưa tìm được việc làm cho thu nhập. 

Khi quyết định khởi nghiệp, ngoài mong muốn phát triển kinh tế gia đình, tôi cũng mong sẽ tạo được việc làm cho chị em tại địa phương. Thực tế hiện nay, công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động nữ với thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng, bên cạnh đó còn có nhiều lao động thời vụ.

- PV: Theo chị, để khởi nghiệp thành công, chị em cần lưu ý điều gì?

Chị Lưu Thị Mỹ Duyên: Bản thân tôi ban đầu chưa được đào tạo về lĩnh vực nuôi, chế biến yến nên phải mất không ít thời gian, tiền bạc cho việc đầu tư và nghiên cứu thì mới có được sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để đưa ra thị trường. 

Tôi nghĩ rằng, bên cạnh niềm đam mê thì nguồn vốn rất quan trọng khi quyết định khởi nghiệp. Bản thân người phụ nữ phải có ý chí, sự kiên nhẫn để vượt qua những khó khăn, thử thách trong hành trình khởi nghiệp.

- PV: Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn