Cô gái Đồng Tháp dành trọn đam mê cho nghề móc len

15:46 | 28/09/2019;
Niềm đam mê và sự kiên trì đã giúp cho cô gái trẻ Nguyễn Thị Kim Anh vượt qua khó khăn để theo đuổi, gắn bó với nghề móc len. Mong muốn của cô là làm ra những sản phẩm len mang đặc trưng của Đồng Tháp, giúp cho du lịch quê hương phát triển.
“Để khởi nghiệp, tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là phải có sự đam mê và kiên trì. Bên cạnh đó, nếu có sự hỗ trợ từ các đơn vị nữa thì thật tốt”, Nguyễn Thị Kim Anh (SN 1989, quê Đồng Tháp) bắt đầu câu chuyện của mình bằng những đúc kết có được từ kinh nghiệm hơn 4 năm dấn thân vào con đường khởi nghiệp.
 
Năm 2011, khi đã là sinh viên một trường cao đẳng tại TPHCM, Kim Anh mới bắt đầu đến với nghề móc len. Nhờ sự kiên trì cộng với chút năng khiếu, chẳng mấy chốc, Kim Anh đã làm chủ được kỹ thuật móc len và sáng tạo để làm ra những sản phẩm từ len theo ý tưởng của mình. Ban đầu, những sản phẩm làm ra được Kim Anh mang tặng cho bạn bè, người thân để thỏa niềm đam mê của mình.
 
Sau khi tốt nghiệp, cô gái trẻ trở về quê hương Đồng Tháp làm nhiều công việc khác nhau như nhân viên tư vấn sửa máy tính bảng, kế toán… Trong quảng thời gian này, ngoài thời gian làm việc ở công ty thì Kim Anh vẫn theo đuổi niềm đam mê với những sợi len của mình. Hằng đêm, cô vẫn đem những sản phẩm do chính tay mình làm ra công viên bán. Các sản phẩm ấy tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ và trẻ em như túi xách, ba lô, nón, áo, giày dép, hoa…
 
 
Kim Anh với những sản phẩm được làm từ len vô cùng dễ thương.

  

 
Năm 2015 là cột mốc không thể quên đối với Kim Anh khi cô bỏ ngoài tai sự ngăn cản của nhiều người, quyết định nghỉ công việc đang làm để chính thức khởi nghiệp với nghề móc len. Công việc mà ở đó cô được thỏa sức sáng tạo, được sống với niềm đam mê và tìm được nụ cười trong cuộc sống. “Nhiều người phản đối dữ lắm, người thân mong muốn tôi làm công việc ở một cơ quan với thu nhập ổn định hằng tháng”, Kim Anh nhớ lại.
 
Thực tế, trong thời gian đầu, Kim Anh đã gặp không ít khó khăn khi số lượng sản phẩm làm ra nhiều nhưng bán thì được ít. Để tạo thêm đầu ra của sản phẩm, cô cũng nhanh nhạy quảng bá, bán sản phẩm trên các trang mạng xã hội và tham gia các hội chợ ở trong và ngoài tỉnh. “Thực tế, trong thời gian đầu, nhiều sản phẩm làm ra cũng bị khách hàng chê, cũng buồn lắm chứ, nhưng mình phải tiếp thu để làm cho sản phẩm đẹp, hoàn thiện hơn. Cũng chính vì thế mà sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến và chọn mua”, cô kể.
 
Để có thêm kinh phí phát triển, Kim Anh đã mạnh dạn liên hệ với Thành Đoàn TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) vay vốn để mua nguyên liệu. Cùng với đó, cô cũng mở lớp dạy nghề và câu lạc bộ handmade để tạo nguồn nhân công và tận dụng sản phẩm chất lượng của học viên để cung cấp cho thị trường. Đến nay, cơ sở của Kim Anh đang có hơn 10 lao động thường xuyên, các sản phẩm cung cấp cho khách hàng ở nhiều tỉnh/thành lớn trong cả nước với nhiều mức giá khác nhau.
 
 
Các sản phẩm ngày đang được người tiêu dùng đón nhận.
Ấp ủ của Kim Anh hiện nay là muốn mở một cửa hàng để giới thiệu, bán sản phẩm. Điều này không chỉ giúp cô phát triển công việc mà còn góp phần phát triển du lịch của Đồng Tháp. Bên cạnh đó, cô cũng mong muốn sẽ mở lớp dạy nghề trẻ em khuyết tật, thanh thiếu niên trên địa bàn.
 
“Tôi sẽ cho ra đời các sản phẩm len mang đặc trưng của Đồng Tháp như sen, sếu, các địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh nhà… Bên cạnh đó còn có các sản phẩm kết hợp với khăn rằn, lục bình”, Kim Anh hồ hởi chia sẻ. Thế nhưng, dự định của cô đang gặp khó vì hiện tại đang thiếu vốn. Cô cần khoảng 100 triệu đồng mới khởi động được kế hoạch của mình.
 
Theo Kim Anh, công việc móc len rất phù hợp với phụ nữ bởi nó đòi hỏi sự tự tỉ mỉ, khéo léo. Đặc biệt, muốn phải triển, gắn bó lâu dài với nghề thì phải luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm và không ngừng sáng tạo ra những mẫu mã độc đáo, tinh tế. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn