Mới đây, chúng tôi có chuyến du xuân tại ngôi làng cổ xinh đẹp Lô Lô Chải (huyện Đồng Văn, Hà Giang) và ở tại Lullaby Hà Giang Homstay. Điều khiến chúng tôi ấn tượng về Lullaby, ngoài vẻ đẹp yên bình, nên thơ của ngôi nhà cổ nằm ở cuối làng, còn là cô chủ thân thiện, nhiệt tình, dễ mến. Nhiều người đầu tư làm homstay ở Lô Lô Chải nhưng họ không ở đấy mà thuê luôn chủ nhà làm quản lý. Lan Anh lại khác, cô ở lại quản lý homstay Lullaby, sống cùng người dân tộc Lô Lô.
Chia sẻ về việc bỏ công việc với thu nhập khá cao đối với một người trẻ, Lan Anh cho biết: Trong một lần làm lại thẻ nhân viên ở công ty, nhìn vào ảnh thẻ, em bỗng giật mình vì khuôn mặt không có sức sống. Ngẫm thấy, lâu nay em dễ bực tức, cáu gắt. Em đặt câu hỏi, đây có phải là cuộc sống mà mình mong muốn không. Cuộc sống mà em mong muốn rất khác, đó là cuộc sống vui vẻ, hài hòa, có những mối quan hệ tốt... Và em quyết định nghỉ công việc tư vấn tuyển sinh đang làm như vậy. Trước khi làm công việc mới, em quyết định đi du lịch.
4 ngày sống chậm ở ngôi làng cổ tích Lô lô chải vừa yên bình, vừa nên thơ, Lan Anh đã "phải lòng" bản làng xinh đẹp này. "Khi về Hà Nội để làm việc. Ngày đầu tiên đi làm nhưng trong đầu em chỉ có một ý nghĩ: Phải quay lại Lô Lô chải! Thế là cuối ngày, em viết đơn nghỉ việc và thu xếp đi Hà Giang ngay sau đó với sự háo hức vô cùng".
"Các bạn đến Lullaby homestay thường nói vui rằng mình bỏ phố về rừng nhưng không đúng. Mình không đến Hà Giang như một lối thoát cho sự mệt mỏi, chán chường nào đó mà đến vì tình yêu. Mình đến với Hà Giang là lựa chọn của sự tự do, chứ không phải của sự trốn chạy. Ở đây, mình được sống một cuộc đời tự tại, bay bổng trong không gian yên bình, thơ mộng, được ăn những thực phẩm sạch, tươi ngon, được hít thở bầu không khí trong lành, được làm thơ, được mày mò làm những đồ ăn hommade", Lan Anh trải lòng.
Trước khi trở thành Lullaby homstay xinh đẹp, Lan Anh cho biết, ngôi nhà ban đầu rất lụp xụp. Nhà nhỏ và thấp, cột kèo xiêu vẹo. Ngoài sân thì chỗ rào trồng rau, chỗ rào nuôi gà, chỗ ngổn ngang củi. "Nhưng mình vẫn nhìn ra là nơi đây rất xinh đẹp. Ở đây có 2 cây đào dáng huyền mềm mại nhìn ra cột cờ Lũng Cú. Trước nhà có cây lê, mùa xuân hoa nở trắng muốt. Ở góc tường là 4-5 gốc mận hơn 20 năm tuổi ngả xuống mái ngói âm dương. Từ cổng vào nhà, chỗ nào cũng có đào, mận, lê. Mình nghĩ, mùa xuân nơi đây sẽ rất xinh đẹp. Nằm ở cuối làng nên không bị nhà nào che chắn. Bước chân ra ngoài hiên là có nắng, có gió, có tiếng chim ríu rít, là thấy ruộng nương xanh mướt, thấy núi xa mờ, cột cờ Lũng Cú uy nghiêm. Mình biết, mình sẽ bình yên khi ở đây. Sau một tuần ở Lô Lô Chải, mình đã ngỏ lời với anh chị chủ nhà cho thuê lại căn nhà này."
Lan Anh rủ cô bạn thân lên chơi để cô bạn phải lòng ngôi nhà nên thơ này, để cô bạn đồng hành cùng dự án với mình. "Mình tìm thợ, tìm mua vật liệu, để tiến hành sửa sang lại để ngôi nhà đẹp xinh hơn. Mình không có nhiều tiền để thuê thiết kế. Mình tự lên ý tưởng để hướng dẫn thợ làm. Có khá nhiều việc phải làm như đập tường mặt trước, giữ lại tường đất, thay lại toàn bộ cột kèo cũ để nhà mới chắc chắn hơn, làm thêm cửa để ngôi nhà thông thoáng. Cơi nới khu nhà kho để làm thành phòng khép kín, có mái hiên "chill chill" uống trà và ngồi ngắm cột cờ. Khu nhà tắm, vệ sinh, trình tường cổng, lát đá đi vào nhà và sân vườn, làm sàn gỗ, mua sắm đồ nội thất. Có ngày, mình phải quản lý 7-8 đội thợ một lúc. Không hiểu làm sao mình có thể hoàn thành một loạt các hạng mục sửa chữa trong vòng 1,5 tháng".
Lan Anh cho biết, cô phải đầu tư khoảng 1,5 tỉ đồng cho tiền sửa nhà, trang bị nội thất, tiền thuê nhà trong vòng 10 năm. "Ngoài số tiền có trong tay khoảng 500-600 triệu, em có sự đồng hành từ cô bạn thân. Ngoài ra, em phải vay thêm bạn bè. Em sửa chữa nhưng cố gắng giữ lại tất cả kiến trúc truyền thống của người dân tộc Lô Lô. Nhà và cổng trình tường bằng đất, lợp mái ngói âm dương, cầu thang gỗ, tường rào đá, sân lát đá, cột kèo chạm trổ hình rồng, cá, voi. Em tha thiết gìn giữ và quảng bá văn hoá đặc trưng của người dân tộc Lô Lô đến khách du lịch".
Với những người khởi nghiệp, doanh thu là điều vô cùng quan trọng. Nhưng với cô chủ của Lullaby homstay, có nhiều điều khác còn quan trọng hơn. "Lúc em báo với bố là em lên Hà Giang làm homestay, bố em không thích lắm vì công việc ở Hà Nội đang tốt, lại gần gia đình. Phần nữa, vì em chỉ thuê lại đất thôi chứ không mua, trong khi đầu tư số tiền không nhỏ. Em lại có quan điểm khác. Em hay nói với các anh chị người Lô lô trong làng, là đừng bán đất đi. Nếu bán đất đi thì làng này sẽ trở thành làng của người Kinh, chứ không còn là làng của người Lô Lô nữa. Rồi con cái anh chị sẽ không nói tiếng Lô Lô, không hát những bài hát của người Lô Lô, không mặc trang phục của người Lô Lô. Thứ anh chị bán đi, không phải là mảnh đất, mà là văn hoá dân tộc. Không còn văn hoá thì một dân tộc còn gì? Anh chị phải giữ đất tổ tiên để lại, giữ văn hoá dân tộc mình. Thế nên, em chỉ thuê lại để làm du lịch, cùng bà con gìn giữ và quảng bá văn hoá thôi".
Gắn bó với ngôi làng Lô Lô chải chưa được 3 năm, tình yêu Lan Anh dành cho vùng đất này đầy ăm ắp. "Em yêu văn hoá truyền thống, yêu những người dân giản dị, chân thành nơi đây. Em giờ chính là con người của Lô Lô chải. Mọi hoạt động của người dân trong làng, em đều tham gia. Em yêu cuộc sống bình yên như thế này. Đây mới là cuộc sống mà em mong muốn. Đó là em có thời gian cho bản thân, được làm những việc mình thích. Thời gian rảnh, em làm các sản phẩm dựa trên nông sản Hà Giang như mật ong hoa hồng, cao lê, củ cải khô, ngâm chanh vàng mật ong… Thời gian tới, em sẽ thực hiện dự án đọc sách cho trẻ em, tổ chức cho các em vẽ tranh ở các điểm trường…", Lan Anh hào hứng chia sẻ.
Liên hệ: Phạm Thị Lan Anh- Lullaby Ha Giang Homestay
Địa chỉ: Làng Lô Lô chải- xã Lũng Cú- huyện Đồng Văn- Hà Giang
Facebook: Lullaby Ha Giang Homestay
ĐT: 0932351883
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn