Góp phần hồi sinh làng nghề thêu truyền thống
Thời trang Amant Label nằm tại số 2 phố Ngô Sĩ Liên, Hà Nội không còn xa lạ đối với những người yêu thời trang nhung lụa Hà Nội. Váy, áo, khăn từ chất liệu nhung tơ tằm, lụa tơ tằm và linen với những đường thêu tay tỉ mỉ đã trở thành món đồ không thể thiếu đối với những tín đồ đam mê thời tranh thanh thoát và bay bổng.
Lâu nay trong quan niệm của đại đa số người Việt, nhung the thường chỉ dùng để thiết kế trang phục cho người lớn tuổi, còn lụa, gấm linen cao cấp và hàng thêu tay thì khá đắt đỏ và kén người mặc. Nguyễn Thu Giang quyết tâm thay đổi những mặc định đó bằng cách tiếp cận trẻ trung và đa dạng hơn với kiểu dáng trang phục hiện đại. Vì được vẽ, thêu hoàn toàn thủ công nên mỗi mẫu trang phục của Almant Label là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt "không đụng hàng", độc nhất, có một không hai.
Cùng với tình yêu tơ lụa, cô chủ của Amant Label còn khao khát hồi sinh các làng nghề thêu truyền thống đang bị mai một. Thu Giang chia sẻ, cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, với sự cạnh tranh gay gắt của máy móc công nghiệp, nghề thêu thủ công ở Việt Nam nhiều năm qua đang dần mai một trong tiếc nuối của nhiều nghệ nhân và thợ thêu lành nghề.
Amant Label quyết tâm tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, hợp tác trực tiếp với người lao động trong mọi công đoạn sản xuất, đầu tư chuyên nghiệp kênh bán online, phục vụ sản phẩm từ xưởng sản xuất đến thẳng tay khách hàng để giảm thiểu chi phí trung gian. Amant cũng đặt giá thành sản phẩm ở mức hợp lý, phù hợp với nhiều nhóm khách hàng đa dạng trên thị trường cả trong nước và quốc tế, từ đó góp phần đem lại công việc ổn định cho các phường thêu, hi vọng nghệ thuật thêu sẽ được gìn giữ không mai một.
Amant Label tuy mới chỉ đang trong giai đoạn đầu phát triển nhưng nhờ được sự yêu thích của rất nhiều khách hàng trong nước và nước ngoài, rất nhiều thợ thêu hợp tác với Amant Label đã có thu nhập đều đặn, ổn định kinh tế gia đình, chuyên tâm nâng cao tay nghề và tin tưởng đạo tạo lớp thợ trẻ kế cận.
Để mang vẻ đẹp nhung lụa Việt đi khắp mọi miền đất nước, đến với khách du lịch nước ngoài, Thu Giang đã tận dụng phương thức kinh doanh số để vận hành thương hiệu. Đó là cách giao thoa những sản phẩm cổ truyền của Việt Nam với phương thức kinh doanh hiện đại.
"Cửa hàng ở Hà Nội đa phần là nơi để khách mua lần đầu đến thử đồ. Nhận thấy hình thức online sẽ vẫn chiếm ưu thế trong tương lai gần nên chúng tôi đang đầu tư rất kỹ vào phần nghiên cứu thị trường và cá nhân hoá tệp khách hàng. Hi vọng sẽ quảng bá thương hiệu nhiều hơn, nhận diện thương hiệu mạnh mẽ hơn tới các khách hàng tiềm năng trong tương lai", cô chủ trẻ cho hay.
Cảm hứng từ chiếc áo dài lụa gấm của bà nội
Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp với thời trang nhung lụa, Thu Giang cho biết, cô vốn đam mê thời trang từ nhỏ, từng xin gia đình cho được học ngành thiết kế nhưng không được ủng hộ. Bố mẹ muốn cô trở thành cán bộ ngoại giao theo nghiệp của gia đình. "Lần đầu tiên tôi muốn được sống cho chính bản thân mình và ước mơ của mình nên đã bày tỏ mong muốn và hứa với bố mẹ nếu Amant thất bại thì sẽ nghe theo sắp xếp của bố mẹ", Thu Giang tâm sự.
Hằn sâu trong trí nhớ của cô là lần đầu thấy bà nội khoác tà áo dài lụa gấm trong một buổi tiệc chiêu đãi. Những tấm khăn nhung, lụa thêu đến hôm nay bà vẫn giữ gìn và trân trọng. Đây cũng là ý tưởng khởi nguồn cho chất liệu nhung - lụa mà Thu Giang lựa chọn. Theo Giang, Việt Nam thịnh hành nhất vẫn là thời trang nhanh, nhưng cô mong muốn mỗi chiếc váy, chiếc áo mà thương hiệu làm ra đều mang những giá trị tốt đẹp và đóng góp cho cộng đồng.
"Tôi muốn đưa văn hoá Việt đến gần hơn với người trẻ như mình, để các giá trị truyền thống không những không bị đi vào quên lãng mà còn trở thành một xu hướng trong giới mộ điệu và trong cả đời sống thường nhật, để nhung hay lụa không còn là những xa xỉ phẩm nữa. Thay vào đó, tôi giúp khách hàng của mình khoác lên một cá tính độc nhất không thể trộn lẫn, khoác lên sự tinh tế sang trọng, và khoác lên cả sự tự hào với nền văn hoá Việt cổ", Thu Giang nói.
Nhìn vào những gì cô chủ của Amant Label làm được hôm nay, tưởng chừng như thật dễ dàng. Nhưng cũng như bao ngời trẻ tự khởi nghiệp khác, Thu Giang và nhóm của mình đã từng thất bại. Cô đã từng hoang mang không biết mình phải bắt đầu từ đâu và bắt đầu lại như thế nào. Rồi mình có nên tiếp tục nữa hay không khi lô sản phẩm đầu tiên chất lượng rất tốt, giá thành rất tốt nhưng không được khách hàng đón nhận.
Sau này, cô nhận ra rằng, do lúc đó cô quá sợ khác biệt, do đó thiết kế và mẫu mã bình thường nên không gây được chú ý, cô đành bán lỗ và dùng đi tặng. Rất may mắn là từ khi thay đổi tầm nhìn và chiến lược, định hướng lại tệp khách hàng và cách quảng cáo hiệu quả hơn thì Amant đã gặt hái được những thành công nhất định. Đặc biệt hơn cả với cô có lẽ là gặp và đồng hành cùng những thành viên trong nhóm, những người đắm đuối với thời trang, không ngại vất vả và vô cùng kiên trì, chưa từng bỏ cuộc.
Thu Giang cho biết, trong tương lai, cùng với thời trang thêu tay, Amant Label định hướng sẽ phát triển đa dạng các sản phẩm thủ công như chăn, ga, khăn, đồ cho em bé. Để từ đó, với tầm nhìn trở thành thương hiệu Việt đưa sản phẩm thêu tay truyền thống của Việt Nam ra thế giới một cách bài bản, chuyên nghiệp, theo tiêu chuẩn xanh, thân thiện với môi trường từ quy trình sản xuất cho đến các công đoạn đóng gói, tiêu thụ và phân phối sản phẩm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn