Cô gái Hà thành thành món hàng ở Trung Quốc (kỳ 3)

06:00 | 09/07/2016;
Sau hai ngày tủi cực ở nhà lão gù, chị Linh đã được bán cho một gia đình ở vùng miền núi xa xôi để làm vợ với giá gần 10 vạn tệ.
“Đám cưới” trong nước mắt

Sau khi hụt làm dâu ở gia đình tên thọt, vẻ đẹp sáng sủa, đáng yêu của chị Linh lập tức lọt vào tầm ngắm của một gia đình đang khát khao con dâu khác. Ông bố hơn 40 tuổi đã đến để xem mặt và chấp nhận chồng gần 10 vạn nhân dân tệ để mua đứt cô gái người Việt. Sau khi thỏa thuận xong với lão gù về số tiền để mua vợ cho con trai, gia đình này lên đường về nhà và hẹn sáng hôm sau sẽ đến đón chị Linh.

Họ đi rồi, người phụ nữ khốn khổ chỉ biết hy vọng sẽ được rơi vào một gia đình tử tế. Nhưng trước khi trở thành dâu nhà người ta như một món hàng ở chợ, chị lại tiếp tục chịu đựng sự khốn nạn của lão gù.

Nhớ lại những giờ phút đó, chị Linh mắt vẫn còn ngấn nước, sự sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt xinh xắn của chị. Linh kể, sau khi gia đình người chồng tương lai đi, lão gù lại tiếp tục giở trò với chị. Gã kêu chị Linh vào phòng nhưng bị từ chối, bởi cô đã hiểu được sự khốn nạn của tên dị dạng này. Chị Linh cố gắng bám chặt vào người vợ của gã cầu mong với sự giúp đỡ từ người này, chị sẽ thoát khỏi tên gù, nhưng người đàn bà Trung Quốc kia cũng đành bất lực.

“Mình cố bám chặt lấy vợ lão nhưng lão điên tiết tát cho vợ hai cái rồi lôi mình vào phòng. Gã chốt cửa mặc cho vợ gã và mình gào khóc. Hắn lao vào cưỡng bức mình, mình đạp hắn ra. Nhưng hắn lao vào túm tóc đánh mình và thực hiện bằng được hành vi khốn nạn”, chị Linh đau khổ nhớ lại.

Sau khi xong việc, lão gù đi ra bỏ mặc người con gái tội nghiệp trong phòng. Vợ lão chạy vào ôm lấy chị Linh. Hai người đàn bà khốn khổ ôm nhau khóc trong căn phòng tối. “Mình cũng thấy thương bà ta. Phận đàn bà khốn khổ như nhau. Bà ta cũng bị bán cho lão từ ngày xưa…”, chị Linh nói.

Suốt cả đêm hôm ấy, chị không thể ngủ được. Chị đau khổ nghĩ về những ngày đã qua và những gì đang chờ mình phía trước. Đến gần sáng, chị vừa thiếp đi trong mỏi mệt thì gia đình nhà chồng Trung Quốc đã rầm rộ đến “rước dâu”.

“Ngày hôm sau cả gia đình “nhà chồng” kia đến đón mình về. Cả gia đình đến đón như đón dâu luôn. Mình chào vợ tên gù rồi lên xe”, chị nói. Những chiếc xe máy đã đợi sẵn để chở cô gái họ vừa mua được về nhà. Gã chồng chở chị Linh trên một chiếc xe Win để về làng của gã.

Đoàn đón dâu không chạy thẳng về nhà chú rể mà vòng vèo qua nhà một người thân để ăn trưa trước khi đi tiếp. Theo phán đoán, có lẽ họ cố tình như vậy để cô gái Việt không nhận ra con đường đã đi, tránh việc chạy trốn sau này.
 Li - người đã bỏ ra gần 10 vạn tệ để mua chị Linh về làm vợ (ảnh nhân vật cung cấp)
Sau khi ăn trưa ở nhà dì của chú rể, gã bảo chị Linh giờ mới về nhà. Thế là người phụ nữ tội nghiệp lại trèo lên xe máy đi... 

Đi mãi, đi mãi. Hai bên là vách núi, không một bóng người. Đi thêm vài kilomet nữa mới có lác đác một vài ngôi nhà. “Mình cảm nhận được là càng ngày càng lên cao vì lạnh, đi đến trời tối đen như mực, sương ướt cả áo. Hai bên đường, ếch nhái kêu ghê người. Đi mãi rồi lên một cái dốc dựng đứng, cụt ngủn. Đứng trước một ngôi nhà 4 tầng to đẹp khang trang, hắn nói đến nhà rồi”, chị Linh kể tiếp.

Phòng cưới hai người nằm trên tầng hai của căn nhà này. Theo lời chị Linh thì cũng khá to và sạch sẽ. Sau này, khi thoát khỏi nơi đây, chị thấy mình may mắn hơn nhiều phụ nữ khác cùng cảnh ngộ là được bán vào một ngôi nhà khá giàu có, tử tế.

“Đêm đầu tiên làm vợ người ta. Mình sợ hãi... Biết không thể chạy trốn trong ngày một ngày hai, mình tự dặn lòng phải làm cho hắn nghĩ rằng mình tình nguyện sang đây lấy hắn. Mình phải làm cho hắn tin tưởng để có cơ hội thoát thân về Việt Nam”, chị Nguyễn Diệu Linh kể.

Trong đêm đầu tiên ấy, phương tiện giao tiếp duy nhất của hai vợ chồng là chiếc điện thoại smartphone. Gã chồng tải phần mềm dịch để hai người nói chuyện với nhau.

Dựng màn kịch yêu "chồng" để tìm cơ hội thoát thân

Trong đêm đó, chị Linh mới được biết tên người chồng đã mua mình, đó là Li Jiang Pheng. Li ít tuổi hơn chị Linh và hiện buôn bán ở Thượng Hải. Ở vùng núi non này, dù có tiền nhưng Li không thể lấy vợ vì phụ nữ làng này đã ít lại còn thích lấy chồng thành phố. Có một điều, Li không hề biết việc chị Linh bị bắt cóc, bị bán. Hắn và gia đình vẫn nghĩ rằng, cô gái này tình nguyện sang đây lấy chồng. Li đã đi xem mặt, chọn mua vợ 15 lần nhưng đến lần này mới ưng ý để mua chị Linh. 

“Đêm đầu tiên sau chuỗi ngày bị bắt cóc mình mới có một giấc ngủ. Thế nhưng, khi đang ngủ thì hắn choàng qua ôm mình. Mình hét ầm lên vì tưởng là lão gù. Hắn hốt hoảng gọi mình dậy, mình đành nói dối là đang ngủ mơ…”, chị Linh kể.

Có một điều khá may mắn với chị Linh khi được bán vào một gia đình khá giả và họ khá chiều chuộng người con dâu vừa mua được. Sau này, chị Linh cũng thừa nhận, bố mẹ Li đối xử với chị rất tốt. Không hiểu vì tiếc số tiền đã mua hay vì cần đứa cháu nối dõi mà họ chăm chút cho chị như chính con ruột vậy.

Duy có điều, mọi hành động, cảm xúc của chị đều bị kiểm soát rất gắt gao. Li có mua cho chị một chiếc điện thoại smartphone để chị xem phim, chơi game mỗi khi bị nhốt trong phòng. Cũng chính chiếc điện thoại này đã trở thành cầu nối duy nhất để chị liên hệ với thế giới bên ngoài, vạch kế hoạch trốn chạy sau 2 tháng làm dâu nhà Li. 

Có vẻ việc mua được người vợ xinh đẹp khiến Li phấn khích. Hôm sau, hắn đưa vợ đi mua quần áo và đồ dùng cần thiết. Lúc này, chị Linh mới được dịp quan sát ngôi làng mà mình đang ở. Hóa ra, nhà của Li ở trên một đỉnh núi, cao nhất trong tất cả các ngôi nhà ở ngôi làng này.

“Đứng ở trên sân nhà hắn là không còn nhìn thấy cái đỉnh nào cao hơn nữa. Quá hoang mang nhưng dặn lòng nhất định không được rơi giọt nước mắt nào. Phải vui vẻ sống để tạo lòng tin với gia đình chồng và cố gắng tìm hiểu xem mình đang ở đâu. Phải quan sát mỗi lần được ra ngoài phải nhớ đường tìm cơ hội chạy trốn”, chị Linh chia sẻ.

Li dẫn theo một cô em họ để cùng với chị Linh đi mua sắm quần áo, vật dụng cá nhân. Sau khi bắt hai chặng xe thì đến một địa điểm có tên Yingtan (Ưng Đàm) thuộc tỉnh Jiangxi (Giang Tây). Ở đây rất đông vui nhộn nhịp, nhưng chị Linh không có cơ hội chạy trốn vì Li và em họ lúc nào cũng kè kè bên cạnh.

Trong những ngày mới mua được vợ, Li không lên Thượng Hải buôn bán mà ở luôn nhà để canh chừng vợ mới. Cứ thế ngày nào Li cũng dẫn vợ lên huyện cách nhà hắn 20 phút chạy xe máy mua đồ ăn. Trong những lần như thế, chị Linh đều cố gắng tìm các manh mối để có thể bỏ trốn, như từng cái chữ cái ở biển số xe cho đến đầu số điện thoại bàn.

Theo lời kể của chị Linh, sau khi về làm vợ Li được một tuần thì em gái của gã sinh em bé. Chị lại được Li đưa lên thành phố để chăm em chồng đẻ.

Dù có điện thoại thông minh, sử dụng wifi nhưng chị Linh chỉ được dùng để xem phim, chơi game. Lần duy nhất có cơ hội, chị đã tìm cách tải phần mềm Zalo để tìm cách liên lạc với bên ngoài.

“Một tháng sau ngày về làm vợ, hắn có một người bạn đến nhà chơi. Hắn tiếp khách ở nhà dưới mình ở nhà trên. Ngay lập tức mình tải Zalo về điện thoại. Rất nhanh mình vào được. Mình khóc..”, Linh nhớ lại.

Cuộc trốn chạy thành công của chị Linh cũng bắt đầu từ giây phút ấy…
(Còn nữa)

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn