Đối mặt với khó khăn "kép"
Người tiên phong làm việc này là chị Bùi Thị Giang - một phụ nữ Mường dám từ bỏ việc công chức nhà nước để khởi nghiệp. Biết chị Giang đã lâu, nhưng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi trực tiếp gặp mặt. Người phụ nữ có nước da trắng ngần, nụ cười tươi hết cỡ đang miệt mài chỉ dẫn cho những cô gái trẻ, tay thoăn thoắt gẩy nhẹ từng sợi mi tơ mỏng, tay lại rà soát kiểm đếm thành phẩm của những thợ lành nghề bên cạnh. Vừa thấy tôi, chị vui vẻ chào đón tựa như những người bạn đã lâu mới được hội ngộ
"Sắp hết năm rồi, khách hàng giục liên tục để kịp giao sỉ đi các mối. Gần Tết nhu cầu làm đẹp của chị em cao mà. Vậy nên xưởng đang hoạt động hết công suất để kịp hoàn thiện cho chuyến hàng sớm ngày mai bên vận chuyển đến lấy" - chị Giang miệng nói, tay làm, vừa tiếp khách vừa tranh thủ công việc sổ sách của mình.
Nhìn công xưởng với quy mô khoảng 70 nhân công như hiện nay, tôi mừng thay cho chị vì ước mơ ngày nào của chị Giang nay đã trở thành hiện thực. Là một người cá tính, không thích cuộc sống bình lặng, chị đã quyết định bỏ việc nhà nước vào năm 2015. Chị bồi hồi nhớ lại: "31 tuổi, độ tuổi không trẻ cũng không già, nhưng ở vùng quê như chúng tôi, người đang có công ăn việc làm ổn định mà từ bỏ như vậy, ai cũng nói tôi gàn dở, không bình thường. Thậm chí chính bố tôi cũng không thể chấp nhận nổi chuyện đó. Tôi hiểu bố có những nỗi niềm riêng nhưng quả thực mình không thể tránh khỏi những phút chạnh lòng".
Lúc ấy, chị Giang ấp ủ mở một xưởng may hoặc xưởng làm thủ công mây tre đan nhưng vì không có vốn, chị đành gác lại. Trong lúc vô định không biết liệu quyết định của mình có thực sự sai hay không, chị tình cờ biết đến nghề làm lông mi giả. Sau một thời gian tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin trên mạng internet, chị xác định đây là hướng đi cho bản thân mình. Thời gian đầu, chị liên hệ đến các xưởng làm mi ở khu vực miền Bắc để học. Tuy nhiên, hầu hết các nơi chỉ thuê thợ làm gia công theo công đoạn. Khi ngỏ ý muốn học nhiều hơn, hầu hết các chủ xưởng đều từ chối.
Lúc ấy, chị Giang cũng đi sang cả Trung Quốc để tìm nơi học nhưng không thành công. Sau đó, được biết ở Bình Dương có xưởng lớn, chị lại gom góp hết tất cả tiền bạc bắt xe vào.
Khi tôi ngỏ ý hỏi tại sao chị lại kiên định với công việc này đến thế, chị Giang trải lòng: "Ở vùng sâu vùng xa như Bá Thước, nếu không làm ruộng, không sống nhờ vào rừng thì phụ nữ như chúng tôi khó có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Tôi muốn tìm một công việc để nuôi sống mình, để chứng minh rằng phụ nữ hoàn toàn có thể làm chủ, sau đấy là tạo việc làm cho người khác".
Nhưng có lẽ từ ước mơ đến hiện thực còn khá vất vả. Nhiều tháng trời ở Bình Dương, chị vẫn "tay trắng". Gần tới ngày phải về do không còn khả năng trang trải, chủ xưởng gia công đã mềm lòng trước sự kiên trì của cô gái Mường vượt nghìn cây số đến học việc. Chỉ sau một thời gian ngắn học hỏi, chị Giang đã tự tin trở về quê mở cơ sở sản xuất độc lập và được chính vị ân nhân đó giúp đỡ giao hàng cho gia công trong thời gian đầu khởi nghiệp.
Khi trở về Bá Thước trong niềm hân hoan phấn khởi, chị Giang phải đối mặt với một sự thật: Chị em trong thôn không mấy hứng thú với công việc quá mới mẻ này. Những lúc ấy, chị vừa phải đi "lôi kéo" chị em thân quen vào làm, vừa kiên trì thuyết phục người lao động, lại vừa tìm cách đàm phán, kéo giãn thời gian cung ứng đơn hàng. Dần dần khi thạo nghề, thu nhập của chị em bắt đầu tăng lên, họ mới có niềm tin gắn bó với công việc. “Bây giờ riêng thôn Đào ai cũng biết làm. Cứ nhà nào có phụ nữ là nhà đó có người làm mi giả, thậm chí người làm còn không hết việc nên lúc nào chúng tôi lúc nào cũng cần thêm người làm” - chị Giang chia sẻ.
Phát triển "làng nghề" mới cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Dạo một vòng quanh xưởng làm việc cũng như lớp học nghề của chị Giang, không khí rộn ràng, tấp nập bao trùm cả một góc thôn. Mọi thao tác và công đoạn đều được làm thủ công hoàn toàn dưới đôi tay của những người phụ nữ. Khi thắt lông mi, từng sợi hoặc từng chùm tóc được xếp lại và buộc rút vào một sợi chỉ (tùy theo độ dày của loại lông mi), sau đó quét qua lớp keo mỏng, giữ chắc mối thắt. Tiếp theo, người làm sẽ tiếp tục thực hiện các công đoạn như: cắt, ngâm, uốn cong, sấy, tỉa... để ra được thành phẩm.
Mặc dù được nhận định là công việc đơn giản, ai cũng có thể tiếp cận được, nhưng thời gian đầu vào nghề, chị em ở đây gặp không ít khó khăn. Chị Trương Thị Nguyên (xã Ái Thượng, huyện Bá Thước) cho biết: Lúc mới học việc, nhiều chị em hoặc là làm ra sản phẩm kém chất lượng, hoặc là để thất thoát nguyên liệu. "Thấy hàng bị trả lại, chị em chúng tôi rất buồn và áy náy. Nhưng được cô Giang động viên, không nản lòng, tạo điều kiện cho chị em chúng tôi cùng làm lại, học lại nên đến giờ này, tôi tự tin là rất nhiều chị em đều có thể làm việc thành thạo" - chị Nguyên phấn khởi.
Cứ thế, sau thời gian miệt mài sản xuất và tìm kiếm thị trường cả trong và ngoài nước, những chuyến hàng của chị Giang dần được chấp nhận và đơn hàng liên tục tăng lên, mang về nguồn lợi nhuận lớn. Từ một xưởng lông mi nhỏ với vài nhân công, bằng sự nỗ lực, thông minh và táo bạo của mình, chị Giang đã thành lập Công ty TNHH BSJ với 3 cơ sở đào tạo và sản xuất tại chỗ là Điền Trung, Điền Quang và Ái Thượng, tạo việc làm cho 70 lao động thường xuyên và phát triển hệ thống lao động vệ tinh với hàng nghìn người tại các xã Lương Ngoại, Điền Trung, Lũng Cao, Ban Công... Năm 2019, Công ty TNHH BSJ xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm lông mi giả sang Mỹ và Nigeria. Cũng trong năm này, công ty chạm mốc doanh thu trên 7 tỷ đồng.
Với sự phát triển không ngừng của công ty, hiện nay, khắp thị trấn Cành Nàng có thêm một nghề mới là nghề làm lông mi giả. Nhiều gia đình có 2 - 3 người cùng làm bởi họ vừa có thêm thu nhập lại không phải đi làm ăn xa. Cảnh tượng "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" khi xưa được chị em nói vui là "nhìn xuống thấy lông mi, mà nhìn lên thì thấy mi giả". Cứ thế, người này bảo người kia, người trong thôn này lại lại truyền nhau sang thôn khác, cứ đến học miễn phí rồi làm tại công ty, thu nhập đạt khoảng 3-7triệu/tháng tùy vào năng suất làm việc.
Cùng với việc tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô xưởng, chị Giang còn hỗ trợ thành lập những cơ sở sản xuất vệ tinh cho những người không có điều kiện đến công ty làm việc. Họ có thể gia công từng phần việc rồi chị Giang thu mua lại, đảm bảo đầu ra để họ yên tâm gia tăng thu nhập. Vừa làm, vừa đào tạo nghề, đến nay, đã có hàng trăm người làm việc với chị Giang và có 30 học viên mở xưởng thành công, doanh thu mỗi năm đạt từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Nhìn lại một hành trình đã qua, chị Giang có nói với tôi rằng nhiều người nói chị đã thành công, nhưng chị nghĩ rằng thành công thật sự không phải đong đếm bằng tiền bạc. Chị cho rằng: "Chỉ khi người ta dám thay đổi thì cuộc sống mới trở nên ý nghĩa. Những người phụ nữ ở vùng quê nghèo chúng tôi phải đối mặt với những khuôn khổ bó buộc bao đời nay khiến cuộc sống cứ mãi không có lối thoát. Tôi chỉ hy vọng, bản thân mình có thể khiến nhiều chị em có niềm tin vào bản thân, dám vượt qua định kiến để làm mới cuộc đời mình, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn