Hơn 5 năm trước, chị Ly Thị Xây (dân tộc Mông, ở thôn Thào Chư Phìn, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) nhận thấy việc trồng ngô mang lại hiệu quả kinh tế không cao, chị đã mạnh dạn, đầu tư vốn chuyển đổi diện tích mảnh nương 3 ha trồng ngô kém hiệu quả, sang trồng cây cam vinh, cây quýt.
Khi chị mang những gốc cam, gốc quýt đầu tiên về trồng trên mảnh đồi đầy nắng và gió này, không ai nghĩ chị sẽ thành công. Bởi bao đời nay, người Mông ở nơi đây vốn chỉ quen với cây ngô, cây lúa.
Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, cây bị bệnh chết khá nhiều, đã có lúc cũng thấy nản. Nhưng chị vẫn kiên trì, bền bỉ không bỏ cuộc, tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc.
"Trồng cam, quýt đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn các loại cây trồng khác, từ cách đào hố, bón phân, cắt tỉa cành, trông nom dịch bệnh, tưới nước đều phải rất chăm chút, tỉ mỉ, đúng kỹ thuật. Những năm đầu, hai vợ chồng chị gần như dành toàn bộ thời gian cho vườn cây của mình", chị Xây chia sẻ.
Năm 2021, gần 3 ha cam, quýt của gia đình chị Xây đã cho thu hơn 5 tấn quả, sau khi đã trừ các chi phí thu về gần 100 triệu đồng. Vụ cam năm nay, vợ chồng chị ước tính sẽ thu hoạch được khoảng 9 tấn quả. Với mức giá thị trường hiện nay, vườn cam dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận khoảng trên 150 triệu đồng.
Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng hiện nay là hướng đến thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh, có lợi cho sức khỏe... do vậy, trong quá trình chăm sóc, gia đình chị Xây chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, công việc phát dọn cỏ được làm thủ công. Nhờ đó, ngoài việc giao và bán lẻ tại chợ, thông qua các trang mạng xã hội, các du khách còn đến thăm quan và mua tại vườn.
Hiện nay, cấp ủy xã Thào Chư Phìn cũng vận động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khuyến khích bà con nhân dân phát triển cây ăn quả. Để người dân có nguồn lực đầu tư phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát triển kinh tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn