Cô gái Nùng đưa quê mình vào bản đồ du lịch thế giới

18:11 | 12/10/2023;
Sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Võ Nhai (Thái Nguyên), Lý Thị Thùy Dương là một trong số ít những cô gái dám thay đổi cuộc đời mình thông qua giáo dục. Từ những kiến thức học hỏi được trong quãng thời gian ở nước ngoài, chị đã manh dạn quay về phát triển du lịch cộng đồng tại quê nhà.

Cô gái nghèo nuôi ước mơ đi học

Lý Thị Thuỳ Dương sinh ra trong gia đình khó khăn tại xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Bố mất sớm, thấm thía nỗi vất vả của mẹ, chị Dương đã không ngừng nỗ lực vươn lên trên con đường học tập. Vốn yêu thích tiếng Anh từ nhỏ nên chị Dương đã tự học, tự trau dồi kiến thức trên ghế nhà trường. Dương là một trong số ít học sinh trường huyện thi đỗ lớp tiếng Anh tại trường THPT Chuyên của tỉnh.

"Ngày còn bé, tôi luôn ao ước được đi học. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ nhìn mẹ khổ cực vất vả, tôi luôn tâm niệm mình phải học thật giỏi để có một công việc tốt sau này nuôi mẹ. Và quả thực khi tôi từng bước đặt chân vào sự nghiệp giáo dục, tôi càng chắc chắn giáo dục là khía cạnh góp phần tạo nên những thay đổi lớn trong cuộc sống" - chị Lý Thị Thùy Dương tâm sự.

Vào Đại học, chị lại đặt ra mục tiêu lớn hơn, đó là chinh phục học bổng Thạc sĩ chuyên ngành Nghiên cứ Phát triển tại Đại học Melbourne (Australia) năm 2012. Từ đây, chị đã có cơ hội tham gia khóa học "Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong vai trò lãnh đạo" được tài trợ bởi Chính phủ Australia thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) năm 2018 cùng những kế hoạch mà chị ấp ủ mang về quê mẹ sau này.

Không ngại thử thách

Cô gái Nùng với dự án tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số tại quê hương - Ảnh 1.

Chị Lý Thị Thùy Dương chia sẻ về mô hình du lịch Võ Nhai theo “tour online”

Trong suốt những năm tháng ở xứ người, vừa học, chị Dương vừa đi làm thêm và có dịp gặp gỡ, giao lưu với những người dân bản địa và đặc biệt ấn tượng với cách họ thu hút khách du lịch và vận hành các hoạt động cồng đồng bền vững. Nhận thấy quê hương mình và nước bạn cũng có nhiều nét tương đồng như thiên nhiên hùng vĩ, cảnh sắc thơ mộng, con người lại mang bản sắc văn hóa dân tộc riêng nhưng khoảng những năm 2018 - 2019, du lịch tại Võ Nhai vẫn còn khá mờ nhạt trên "bản đồ xê dịch", chị Dương đã âm thầm xây dựng kế hoạch để có thể góp sức mình xây dựng quê hương.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, mọi hoạt động đều bị chững lại, nền tảng số phát triển với hầu hết các hoạt động đều diễn ra trên không gian mạng. Nhận thấy du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng xấu, chị Dương cùng một nhóm cộng sự đã đăng kí với Chương trình phát triển nguồn nhân lực Australia - Việt Nam tiến hành nghiên cứu Ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Võ Nhai và may mắn được chấp thuận. 

Quá trình bắt tay vào công việc không hệ đơn giản. Để có thể kết nối chính quyền địa phương với các chuyên gia về lĩnh vực này, nhóm của chị Dương phải tổ chức các buổi hội thảo, đi đến các mô hình du lịch cộng đồng của các dân tộc tại nhiều địa phương để học hỏi và quan trọng nhất là thay đổi được tư duy của bà con. Trong quá trình đó, chị Dương đã cùng với bà con xây dựng website, "cầm tay chỉ việc" cho họ từ cách sử dụng mạng xã hội, lập fanpage, sau đó là cách chụp ảnh, sản xuất các video đơn giản và kết nối với các KOLs (người có sức ảnh hưởng) để quảng bá du lịch tại quê hương mình.

"Dự án của chúng tôi kéo dài từ năm 2022 và kết thúc vào tháng 1/2023. Đến đầu tháng 2/2023, UBND huyện Võ Nhai đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tôi thực sự rất xúc động và càng có niềm tin vào tiềm năng của dự án mà mình đã thực hiện. Từ năm nay, du khách đã có thể tham quan Võ Nhai bằng "tour online" và có thêm những trải nghiệm thú vị khi đến với quê hương của chúng tôi" - chị Dương phấn khởi.

Một Võ Nhai đổi thay diện mạo

Nằm trên địa bàn xã Phú Thượng, Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng có không gian sinh thái, quần thể rừng - suối - hang động đặc sắc. Trong đó, suối Mỏ Gà là một hang nước độc đáo được các chuyên gia Hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển du lịch mạo hiểm.

Võ Nhai tập trung đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, vừa lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, vừa phát huy tiềm năng thế mạnh và sản vật đặc trưng của địa phương

Tại đây, Chính quyền địa phương đã tư vấn, hướng dẫn người dân đầu tư xây dựng một số nhà sàn theo kiến trúc đặc trưng của người dân tộc thiểu số địa phương để phục vụ khách lưu trú cộng đồng và bổ sung các trải nghiệm văn hóa như: Giã bánh dày, làm cơm lam, biểu diễn hát Then… phục vụ du khách. 

Bà Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai, Thái Nguyên, cho biết, vào các dịp lễ trong năm, huyện Võ Nhai ghi nhận lượng du khách gia tăng tại nhiều điểm du lịch khác trên địa bàn các xã: Thần Sa, Thượng Nung, Tràng Xá… Trong đó, riêng xã Thần Sa, mỗi tháng đón tiếp hàng nghìn lượt du khách đến tham quan các điểm di tích, danh thắng độc đáo như: Mái đá Ngườm - nơi ghi dấu di chỉ khảo cổ đặc sắc có niên đại từ thời Trung kỳ đồ đá cũ; thác Bảy tầng ở xóm Trung Sơn, thác Mưa rơi ở xóm Kim Sơn…

"Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển du lịch, Võ Nhai sẽ đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Huyện tập trung phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn và các sản phẩm văn hóa truyền thống như: Hát Then, ẩm thực truyền thống và các sản phẩm nông nghiệp địa phương", bà Hà Thị Bích Hồng nhấn mạnh. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn