Cô gái Tày bỏ việc ngân hàng để đi bán cam

16:27 | 30/05/2017;
Trái ngược với sự rụt rè bề ngoài, trong con người Nguyễn Thị Cẩm Ly (SN 1992, dân tộc Tày, quê Tuyên Quang) là sự kiên cường, quyết đoán với mục tiêu duy nhất là giúp cho cuộc sống của những người trồng cam Hàm Yên tốt hơn.
Điệp trùng khó khăn
Năm 2015, khi đang làm giao dịch viên cho một ngân hàng ở Hà Nội sau khi tốt nghiệp Học viện tài chính ngân hàng. Bất ngờ, Ly xin nghỉ việc để đi bán cam.

Quyết định của Ly không chỉ khiến cho gia đình mà nhiều người xung quanh cũng sững sờ. Trong suy nghĩ của nhiều người, việc được làm việc ở ngân hàng sẽ tốt và có tương lai hơn nhiều so với công việc mà Ly muốn thử thách.

“Công việc ngân hàng không phải là niềm đam mê của tôi. Ngay từ bé, tôi đã thích gắn bó với ngành nông nghiệp, được đắm chìm giữa những cánh đồng lúa, vườn cam. Qua những câu chuyện được nghe kể lại và trải nghiệm của bản thân thì thấy, người nông dân trồng cam Hàm Yên ở quê tôi chịu rất nhiều khó khăn, nhất là điệp khúc “được mùa mất giá”. Đó là chưa kể, hầu như mọi người đều bán cam khi quả còn xanh nên không đúng với giá trị thực của nó. Vì thế mà lợi nhuận mang lại thấp đi. Từ đó, tôi có suy nghĩ phải làm sao để người dân bán được những quả cam đúng với giá trị thực”, Ly cho biết.

Bước đi đầu tiên khi chập chững vào nghề. Ly đã tự  bỏ tiền túi mua 1 tấn cam Hàm Yên đang ở giai đoạn ngon nhất rồi thuê xe, đưa lên Hà Nội để bán. Đó là thời điểm sát Tết Nguyên đán. Điểm bán cam là khu vực tập trung đông người dân sinh sống ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân…
ban-cam.jpg
 Cẩm Ly đưa cam vào miền Nam bán cho người tiêu dùng
Không chỉ bán cam ở lề đường mà Ly còn tìm cách giới thiệu cam đến các cửa hàng, đại lý trái cây. Nhưng khó khăn gặp phải nhiều hơn Ly tưởng. “Quá trình vận chuyển làm cho cam hỏng rất nhiều. Số cam hỏng thì không thể bán ra thị trường được. Có lúc, nhiều đại lý, cửa hàng không chịu nhập hàng vì trước đó mình chỉ thỏa thuận… bằng miệng. Thời gian đầu phải chịu lỗ nhiều”, Ly nhớ lại.

Không nản lòng. Vừa tìm cách để mở rộng kênh phân phối, Ly vừa tập trung kiểm soát quy trình sản xuất cam sạch từ gốc bằng cách dành nhiều thời gian để hướng dẫn, chăm sóc cam cùng người nông dân. Bên cạnh đó, Ly cùng tự mày mò để tìm được cách vận chuyển sao cho số lượng cam bị hỏng giảm xuống mức thấp nhất.

Do vụ cam chỉ kéo dài từ tháng 11 âm lịch đến tháng 3 năm sau nên trong thời gian “nhàn rỗi”. Ly phải đi làm nhiều nghề khác nhau như phục vụ, thậm chí thức đêm để nấu sữa, làm bánh trung thu bán… với mục đích có thêm thu nhập để đeo đuổi niềm đam mê của mình.

Biết được những khó khăn mà con gái gặp phải, thương con gái, bố mẹ Ly thường xuyên gọi điện, nói chuyện thúc giục con gái từ bỏ công việc “viễn vông” đang làm.

Cảm ơn bố mẹ vì đã… phản đối
Vào đầu năm 2017, Ly bất ngờ được BTC Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao mời tham gia Hội chợ được tổ chức tại tỉnh An Giang. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để phát triển thị trường vào miền Nam, Ly gật đầu đồng ý.

Nhưng trớ trêu thay, ngày Ly chuẩn bị bước lên tàu để vào An Giang cũng chính là ngày bố Ly phải lên bàn mổ. Lúc này, cô phải đưa ra quyết định của mình. Một là ở lại để động viên, chăm sóc bố. Hai là cất bước ra đi với những lời trách móc về một đứa con gái bất hiếu, không biết chăm lo cho đấng sinh thành.

Cuối cùng, Ly nuốt nước mắt vào lòng để lên chuyến tàu của số phận với suy nghĩ duy nhất “nếu không đi thì sẽ không phát triển được thị trường, không thể đi được dài trên con đường mà mình đã lựa chọn”.
Trên chuyến tàu hôm đó, Ly mang theo 200kg cam Hàm Yên ngon nhất được lựa chọn cẩn thẩn để mang đến cho người tiêu dùng phương Nam một trải nghiệm mới. Vì đường xa, trắc nhở nên hơn phân nửa số cam mang theo bị hỏng. Nhưng hạnh phúc thay, gần 100kg cam còn lại bán hét veo trong ngày đầu tiên của hội chợ. Mang đến cho cô gái trẻ luôn khoác trên mình bộ trang phục dân tộc Tày truyền thống một niềm tin vào tương lai.

Sau khi hội chợ kết thúc, Ly không về quê ngay mà quyết định ở lại để học hỏi thêm những kiến thức về nông nghiệp mà mình đang thiếu. Được sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân Ly được đặt chân đến nhiều vườn trái cây nổi tiếng ở khắp các tỉnh đồng bằng sông cửu Long để học hỏi kinh nghiệm, cách làm ăn.
dsc_9401.JPG
 Cẩm Ly với bộ trang phục truyền thống của người Tầy xuất hiện tại một hội chợ ở TPHCM
“Tôi ấn tượng với mọi thứ ở phương Nam. Thích nhất là sự chia sẻ, động viên của mọi người. Họ chỉ dạy tôi những kiến thức nông nghiệp, cách trồng trái cây sạch một cách tận tình chứ không hề giấu giếm”, Ly hạnh phúc chia sẻ.

Cũng trong khoảng thời gian này, Ly tiếp tục nghiên cứu và phân phối ra thị trường phía Nam một số sản phẩm của đồng bào dân tộc Tày như nếp sơn nữ, mật mía…

Từng bước đi cẩn trọng của Ly đã dần mang lại những kết quả nhất định. Số hộ nông dân chấp nhận liên kết với Ly để trồng cam phân phối ra thị trường đã tăng lên con số 10. “Cuộc sống của người dân đã khá hơn. Một người dân đã từng nhắn cho tôi rằng “bữa cơm hôm nay đã có canh, có thịt rồi con ơi’. Dòng tin
nhắn ngắn ngủi đó giúp tôi có thêm động lực hơn trong công việc, cuộc sống”, Ly kể.

Ly bật mí, mới đây có một doanh nghiệp ở quê nhà đã mời cô về làm trưởng phòng kinh doanh để phát triển sản phẩm trái cây với mức lương rất hẫu hĩnh nhưng cô đã thằng thừng từ chối với lý do “cách làm của họ theo hướng sử dụng hóa chất”.

Ly cho biết, mong muốn của cô không chỉ là mang lại lợi nhuận cho người trồng cam mà song hành với nó còn là sức khỏe, lợi ích của người tiêu dùng khi được sử dụng những quả cam được trồng theo quy trình sạch. “Thành công của tôi bây giờ là đã có thể bán được những quả cam nhỏ, bề ngoài xấu bằng giá của những quả cam to, đẹp vì chất lượng của chúng là như nhau”, Ly hào hứng kể.

Khi nhắc đến bố mẹ của mình, Ly cho biết, trong thâm tâm vẫn luôn cảm ơn bố mẹ đã phản đối mình vì chính điều đó giúp cô phấn đấu, nỗ lực hơn để có được những thành quả nho nhỏ như ngày hôm nay. “Nếu không có sự phản đối của bố mẹ thì chưa chắc tôi đã đi xa được như vậy. Chính bố mẹ đã cho tôi sự quyết tâm, mạnh mẽ hơn để chứng tỏ bản thân mình”, Ly nói.

Dù chưa thực sự thành công nhưng những thành quả đạt được của cô gái nhỏ nhắn này không phải là nhỏ. “Tôi sẽ theo đuổi niềm đam mê của mình đến cùng. Sống một cuộc sống tự lập và mong muốn sẽ giúp cho đời sống của người dân quê tôi ngày một tốt đẹp hơn’, Ly nói, giọng đầy hào hứng và quyết tâm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn