Cô gái trầm cảm nặng trở thành người nắm tay dắt trẻ tự kỷ tiến lên

09:08 | 17/05/2019;
Trong hố đen của trầm cảm, Quỳnh vẫn cố đi học nhưng không học được, kết quả học tập giảm sút, đang từ học sinh khá-giỏi, tuột xuống thành học sinh kém. Quỳnh cũng chẳng có niềm vui và động lực nào để chơi, để sống.

Biết ơn sự cố trong đời

Thời còn là cô học trò nhỏ, Chu Ngọc Quỳnh học trường chuyên lớp chọn, lẽ ra đã khiến bố mẹ rất tự hào. Nhưng trong lúc học, Quỳnh thấy các bạn cô ra sức ganh tị lẫn nhau với từng điểm một trong các bài kiểm tra. Cô gái vô cùng nhạy cảm và giàu tình yêu thương này không muốn sống trong không khí ấy, khi bạn học của mình lại trở thành đối thủ cạnh tranh. Quỳnh dần ít nói chuyện với bạn trong lớp, trong trường, cũng ít nói chuyện với cả bố mẹ ở nhà. Cô học trò cuối cùng bị kết luận là trầm cảm.

Cô rút vào góc phòng ở một mình để trốn tránh mọi người xung quanh, nhưng càng ở một mình, cô trò nhỏ càng hoảng loạn và tình trạng cứ trầm trọng hơn.

 

chu-ngoc-quynh-voi-cac-em-nho-tu-ky-51.jpg
Cô Quỳnh đang dạy học trò đặc biệt của mình điều khiển xe đạp 1 bánh

 

Bố mẹ Quỳnh tìm cách kéo con ra khỏi hố đen ấy, đưa cô bé đến những lớp, khóa học về kỹ năng sống, để biết cách ứng xử với mọi tình huống và học cách yêu thương cuộc sống. Quỳnh học nhưng chỉ được một thời gian lại chán. Sau đó, thật may mắn khi cô bé gặp một cô giáo tâm lý.

Được truyền cảm hứng từ cô giáo tâm lý này, Quỳnh đã quyết định theo ngành xã hội khi vào Đại học, với chuyên môn công tác xã hội “Can thiệp với trẻ yếu thế”. Đề tài nghiên cứu khoa học khi Quỳnh đang là sinh viên năm thứ tư là “Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong can thiệp cho trẻ tự kỷ ở trung tâm Tâm Việt”. Đề tài được đánh giá loại xuất sắc vào tháng 10/2018 và được nhà trường chọn đi thi Đề tài khoa học cấp Bộ. Khi đạt được thành tích này, Quỳnh đã thầm cảm ơn một sự cố trong cuộc đời, đó là căn bệnh trầm cảm, đã khiến cô vượt lên và tìm ra được con đường đi của cuộc đời mình.

Được dẫn dắt bởi người thầy giỏi

Khi đam mê tìm hiểu, nghiên cứu chuyên môn, làm công trình khoa học, Quỳnh đã may mắn gặp được người thầy vĩ đại trong cuộc đời mình là tiến sĩ Phan Quốc Việt. Ông không chỉ dạy kỹ năng sống thông thường, mà còn áp dụng một phương pháp can thiệp độc đáo cho trẻ tự kỷ, biến trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia. Quỳnh liên lạc với thầy Việt, xin đến thực tập tại trung tâm trẻ tự kỷ của thầy trong 1 năm.

Nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, trong đó có Quỳnh kể từ tháng 3/2018 đã tập trung nghiên cứu phương pháp của Trung tâm Tâm Việt can thiệp cho trẻ tự kỷ giúp các em tiến bộ. Quỳnh và các bạn cùng giảng viên ở trung tâm vừa huấn luyện, dạy dỗ các em nhỏ tự kỷ từ 5 tuổi đến độ tuổi dậy thì và đo tiến bộ của các em.

 

chu-ngoc-quynh-voi-cac-em-nho-tu-ky-41.jpg
Quỳnh trở thành một người biết kiểm soát cảm xúc của mình, kiên trì để đạt hiệu quả cao nhất trong mỗi việc mình làm

 

Làm việc tại trung tâm, hàng ngày tiếp xúc, huấn luyện trẻ tự kỷ, Quỳnh đã dần dần rèn được phẩm chất kiên trì. Từ một nữ sinh làm việc gì cũng chóng chán, hay bỏ dở mọi việc, Quỳnh đã thay đổi, kiên tâm rèn luyện đến mục tiêu cuối cùng, biết nhìn cuộc sống với con mắt yêu thương.

Thầy Việt nhắc cô luôn phải đặt mục tiêu hôm nay mình làm gì để tiến bộ hơn so với mình ngày hôm qua. Cần luôn rèn luyện để vượt qua chính mình. Làm bất cứ việc gì cũng phải hướng đến kết quả xuất sắc nhất. Cô tâm đắc nhất với cách thầy Việt chẻ chữ ĐÁNG = ĐANG SẮC ĐÁNG (tự hỏi mình đang làm gì, làm phải xuất sắc thì mới đáng làm). Câu hỏi mỗi ngày tự mình đặt ra cho chính mình là “Hôm nay có gì mới không?”

Cái mới ở đây chính là kết quả mới, tiến bộ mới mà mình đạt được. Phải cụ thể hóa mục tiêu tuần, tháng, quý, năm; mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Cuộc sống như vậy mới không đơn điệu, tẻ nhạt, trái lại, nó luôn mới mẻ, hấp dẫn, bất ngờ. Với lối sống như vậy, Quỳnh luôn ở trong cảm giác rất vui sướng, luôn có động lực làm việc, kích năng lượng lên ở mức cao và truyền động lực sống-làm việc cho đội nhóm của mình. Đó chính là cách phát triển bản thân trong hạnh phúc.

Nuôi ước mơ làm luận văn thạc sĩ

Khi nói chuyện với Quỳnh, tôi thấy phần lớn trong câu chuyện của cô bây giờ là những tiến bộ của các em nhỏ tự kỷ mà cô được giao chăm sóc, huấn luyện tại trung tâm Tâm Việt. Như em Tào là một “ca” nổi bật, khi mới vào trung tâm, 3 ngày đêm liền em không ngủ, tự làm đau mình bằng cách đấm chảy máu mũi, hoặc dọa các em khác, mục đích để thu hút sự chú ý. Em này còn rất tinh quái, luôn trèo tót lên mái nhà chẳng cần một cái thang nào cả, hay bày trò khôn khéo để đối phó, không phải luyện tập. Vậy mà nay em đã đội chai, đi xe đạp một bánh thành thạo, thậm chí có thể đi lùi hết đường chạy trong trung tâm. Hay em Đô ở Cam Ranh, thường đánh thầy cô, tệ đến mức mẹ phải cho vào nhà thờ để ở, nhưng được luyện tập ở trung tâm, đã ngoan hơn và còn giúp được các bạn khác luyện tập.

 

chu-ngoc-quynh-voi-cac-em-nho-tu-ky-21.jpg
 

Không phải không có lúc Quỳnh cảm thấy thất bại, khi cô đã đặt mục tiêu tiến bộ cho em Tào, nhưng tập cho em hết thời hạn rồi mà không được, Quỳnh đã bất lực, bật khóc. Rồi sau đó, lại đứng lên, gạt nước mắt, tìm thầy Việt để hỏi ông xem cô có thể làm gì để hạn chế hành vi tệ hại của các em. Điều tuyệt vời là sau khi trò chuyện với thầy, bế tắc của cô lại được tháo gỡ, cô lại hào hứng và thấy rằng việc đó chẳng có gì là khó cả. Từ công nghệ huấn luyện độc đáo mà thầy sáng tạo, cô cũng cần linh hoạt uyển chuyển để tìm giải pháp phù hợp, ứng với mỗi sự việc khó khăn xảy ra.

Và cô lại mỉm cười bước xuống đường chạy xe trong trung tâm, kiên nhẫn nắm tay em nhỏ, từ từ cảm nhận thật sâu mình yêu thương em đến mức nào, xúc động trước từng chuyển biến mơ hồ của em, và thật lạ, rằng hình như chính em đang dạy lại cho cô một bài học lớn về sự kiên tâm, tập trung và tình yêu thương.

Cũng chính từ nơi đây, cô được tách mình ra để quan sát chính mình, Quỳnh đã tìm ra sứ mệnh của mình, thấy mình phù hợp nhất trong công việc giúp đỡ những người yếu thế. Từ đây cô vừa sống cùng các em nhỏ tự kỷ, vừa tiếp tục nghiên cứu đề tài khoa học của mình, vừa nuôi ước mơ làm luận văn thạc sĩ, rồi tiếp theo là luận văn tiến sĩ về trẻ tự kỷ. 

Quan điểm của cô giáo dạy trẻ tự kỷ Chu Ngọc Quỳnh về sự giàu có và ý nghĩa cuộc sống:

 “Không quan trọng bạn có bao nhiêu tiền.

Quan trọng là bạn có bao nhiêu tình yêu cuộc sống.

Ủ dột là nghèo, tươi cười là giàu”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn