Pramodini Roul nhìn vào tấm ảnh thẻ nhỏ trước mặt cô. Trong ảnh là một nữ sinh 17 tuổi tươi tắn. Mọi người gọi cô ấy là Rani. Má cô bé ấy mũm mĩm, mái tóc dày và xoăn, làn da khỏe khoắn, căng mịn. Rani rất thích đi học. Cô muốn trở thành một sĩ quan IPS - Lực lượng Cảnh sát Ấn Độ- để có thể giúp đỡ những cô gái trẻ bị quấy rối.
Thế nhưng, đó là Rani của năm 2009 còn Rani của bây giờ không còn được như trước nữa. Mái tóc đen bóng mượt bồng bềnh của cô biến mất, khuôn mặt bị biến dạng, những vết sẹo chằng chịt khiến Rani chẳng muốn nhìn thấy mình trong gương. Tất cả là vì hành động nhẫn tâm của một gã đàn ông "ăn không được thì đạp đổ", đẩy cuộc đời cô gái trẻ xinh đẹp ấy vào vũng bùn tăm tối. Chỉ một lọ axit đã hủy hoại hoàn toàn dung nhan của một cô gái, tàn phá cả cuộc đời nạn nhân.
Đó là năm 2009. Pramodini Roul (tên thường gọi là Rani, đến từ Orissa, Ấn Độ), khi ấy 17 tuổi, bị một tên lính 28 tuổi tạt axit vào người vì dám từ chối lời cầu hôn của hắn. Tên hắn là Santosh Kumar Bedanta, khi đó là một sĩ quan bán quân sự trong doanh trại quân đội ở Cuttack, Odisha, gần nhà của Rani. Vẻ đẹp của Rani lọt vào mắt xanh của hắn. Rani nói: "Tôi lịch sự nói không với anh ta. Khi đó tôi mới 17 tuổi. Tôi còn phải đi học. Tôi phải làm việc chăm chỉ để biến ước mơ của mình thành hiện thực".
Cưa cẩm Rani không được, tên Santosh quay sang lấy lòng mẹ cô. Tuy nhiên, hắn vẫn không thể chinh phục được cô gái trẻ. Và trong đầu hắn nảy ra ý định tàn nhẫn.
"Tôi đang về nhà với anh họ bằng chiếc xe đạp của anh ấy thì bất ngờ, hai người đàn ông đi xe máy tiến gần về phía chúng tôi và đổ axit lên đầu tôi", Rani nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng nhất đời mình.
Rani may mắn được cứu sống nhưng cô cảm thấy cuộc đời mình như rơi xuống vực thẳm. Cô bị mù cả hai mắt. Những vết bỏng nghiêm trọng khiến gương mặt cô biến dạng, những vết sẹo co kéo khiến Rani chỉ muốn chết để được giải thoát.
4 năm sau đó, Rani phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người mẹ góa bụa.
“Tôi mất cha khi mới 4 tuổi. Mẹ con tôi phải chuyển đến ở nhờ nhà của chú. Một mình mẹ đã nuôi tôi khôn lớn, chưa kịp báo đáp thì tai ương ập đến. Sau cuộc tấn công, dù tôi có dấu hiệu hồi phục, gia đình gần như buông xuôi. Tôi có thể cảm nhận suy nghĩ của họ rằng một người như tôi không còn cơ hội sống tốt”, Rani kể.
Năm 2014, Rani bị nhiễm trùng ở chân nên cô buộc phải quay lại bệnh viện. Cô gái trẻ dường như lại suy sụp thêm lần nữa khi bác sĩ thông báo cô không thể đi lại sau ít nhất 6-7 năm nữa. Nhưng cũng chính thời điểm đó, Rani lại gặp được chân ái cuộc đời mình, đó là anh Saroj Sahoo.
Saroj từng là nhân viên y tế, anh là bạn của y tá chăm sóc cho Rani ở bệnh viện. “Tôi gặp cô ấy lần đầu tiên vào tháng 3/2014, khi tới bệnh viện cùng vài người bạn. Lúc đó, tôi chỉ thấy cô ấy từ xa. 1 tháng sau, tôi được nghe kể về quá khứ đau thương của Rani từ mẹ cô ấy”, Saroj nhớ lại.
Saroj bị sốc và rất xúc động trước hoàn cảnh của Rani. Anh đề nghị giúp đỡ cô trong các buổi vật lý trị liệu. Dần dần, anh trở thành chỗ dựa cả về cảm xúc và tài chính của Rani. Saroj dành nhiều thời gian để nói chuyện và động viên cô gái bất hạnh hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
“Anh ấy để tôi bước đi trên đôi chân của mình. Anh ấy cõng tôi trên vai. Anh ấy làm tất cả để tôi có thể đi lại. Saroj luôn túc trực để giúp đỡ tôi bất kỳ khi nào tôi cần. Đến nỗi mà cô bạn y tá của anh ấy cảm thấy khó chịu. Cả bác sĩ và y tá đều cho rằng Saroj đang tốn thời gian cho tôi, rằng tôi chẳng bao giờ có thể bước đi”, Rani nhớ lại.
Thế nhưng, Saroj không hề tức giận vì lời nói ấy mà anh lại biến nó thành động lực để quyết tâm giúp Rani tập đi.
Chàng trai Saroj khi đó còn giấu gia đình bỏ việc và dành gần như cả ngày để giúp Rani hồi phục.
Đúng như mong muốn, Saroj đã giúp Rani đi lại được chỉ trong 4 tháng. Sau đó, anh tiếp tục khuyến khích cô hướng tới sự hồi phục hoàn toàn. Cứ tối đến, khi đường vắng vẻ, Saroj lại dìu Rani ra đường tập đi. Cuối cùng, cô đã trở lại trạng thái bình thường 1 năm sau đó.
Thế rồi, đôi trẻ cảm mến nhau từ lúc nào không hay, họ chỉ nhận ra điều này khi xa cách nhau.
Vì mặc cảm với ngoại hình, Rani quyết định lên đường đến Delhi để tham gia chiến dịch ngăn chặn các vụ tấn công axit vào năm 2016. Saroj chỉ biết điều này 2 ngày trước khi cô chuẩn bị lên đường. Tiễn Rani tại nhà ga, Saroj đã phải rơi lệ vì không muốn xa cô.
Rani bắt đầu công việc tại một quán cà phê ở Agra cùng những nạn nhân bị tấn công axit khác. Nhưng lúc nghỉ ngơi, Rani lại nhớ đến Saroj.
Và ở phương xa, Saroj cũng nhớ Rani quay quắt. Sau một thời gian, anh quyết định cầu hôn Rani qua điện thoại.
Cuối cùng, Rani quyết định trở về quê nhà tham gia chiến dịch hỗ trợ các nạn nhân bị tạt axit và gặp lại Saroj.
Khi trở về, Rani trải qua một cuộc đại phẫu thuật ở mắt với hi vọng sẽ nhìn thấy mọi thứ. Cuộc phẫu thuật được đánh giá là thành công. Tuy nhiên, 2 tháng sau đó, thị lực của cô vẫn chưa trở lại. “Trên một chuyến bay đến Mumbai để dự hội nghị, phép màu đã xảy ra. Tôi chợt nhận ra mình có thể trông thấy lờ mờ. Và người đầu tiên tôi nhìn thấy chính là Saroj, người đang ngồi bên cạnh tôi”, Rani kể.
Tuy nhiên, theo Rani, thị lực của cô đến giờ vẫn chưa thật tốt. Do đó, Saroj luôn hỗ trợ cô trong công việc cũng như cuộc sống.
Sau 5 năm bên nhau, hai người đính hôn vào đúng Ngày Lễ tình nhân năm 2019. Họ đang chung sống ở Bhubaneswar và cùng thực hiện chiến dịch chống lại các vụ tấn công axit ở Odisha. Rani và Saroj hỗ trợ nhiều nạn nhân trong các vụ tấn công bằng axit và nhận được nhiều giải thưởng.
Đầu năm 2020, Rani và Saroj tiết lộ họ sẽ kết hôn vào tháng 4 nhưng vì dịch Covid-19 nên họ buộc phải hoãn đám cưới lại. Câu chuyện về tình yêu của cặp đôi đã truyền cảm hứng cho nhiều người để giúp người ta tin vào tình yêu đích thực, tình yêu không toan tính!
Rani có thể trông không giống cô gái trong bức ảnh nhỏ ấy nữa, nhưng cô cũng không phải là một người phụ nữ xấu xí đầy sẹo. Tình yêu và hy vọng đã làm mờ dần những vết sẹo trên gương mặt của cô.
(Nguồn: Edexlive, Daily Mail)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn