Cô gái trẻ có kinh bất thường, ngất tại phòng tập thể dục sau khi ăn chiếc bánh mỳ

18:00 | 18/10/2022;
Để có sức tập luyện, cô gái trẻ đã ăn chiếc bánh mỳ lót dạ, không ngờ sau đó bị phản vệ, kinh nguyệt ra bất thường và ngất ngay tại phòng tập thể dục.

TS.BS Bùi Văn Khánh - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sốc phản vệ sau khi dùng thực phẩm vẫn thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe. Đáng nói có nhiều trường hợp bị sốc phản vệ với những đồ ăn vốn dĩ đã quá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày.

Bác sĩ Khánh lấy ví dụ về trường hợp một nữ bệnh nhân 26 tuổi, ở Hà Nội bị sốc phản vệ sau khi ăn bánh mỳ, thứ đồ ăn quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Theo chia sẻ của cô gái này, cô có đam mê tập thể dục và trước khi tập thường ăn một cái gì đó để lót dạ. Trong một lần ăn bánh mỳ rối bắt đầu tập luyện, khoảng 1 tiếng sau trên cơ thể cô bỗng xuất hiện các nốt ban và bị ngứa.

Tuy nhiên, cô gái trẻ nghĩ là ngẫu nhiên nên không để ý và tiếp tục ăn bánh mỳ trước mỗi buổi tập thể thao. “Có lần ăn bánh mỳ xong tập luyện, tôi bị ngứa nhiều, đi ngoài xong lại hết. Nhưng có lần ăn xong lại rất bình thường, đi khám không phát hiện bất thường, không xác định được bệnh”, nữ bệnh nhân chia sẻ.

Phản vệ với bột mì do hoạt động thể lực thường gặp ở trẻ vị thành niên và người trưởng thành. Ảnh mang tính minh họa.

Gần đây nhất, trước khi tới phòng tập, nữ bệnh nhân tiếp tục ăn một chiếc bánh mỳ. Khi vừa chạy bộ (chạy bằng máy) được 15 phút thì xuất hiện ban đỏ toàn thân, ngứa, tăng nhịp tim, đau bụng, đi ngoài, xuất hiện kinh nguyệt bất thường và ngất tại phòng tập. Sau khi được sơ cứu tại chỗ, cô gái đã tỉnh lại, đưa đến viện thì được theo dõi phản vệ độ 3 do bột mì sau hoạt động thể lực.

Bệnh nhân sau đó được làm các xét nghiệm chuyên sâu bằng cách test lấy da cho kết quả dương tính với bột mỳ nguyên chất. Các bác sĩ phối hợp với xét nghiệm IgE đặc hiệu cho kết quả dương tính mạnh với bột mì.

“Từ kết quả trên, chúng tôi đưa ra kết luận bệnh nhân này có phản ứng quá mẫn cảm với bột mỳ. Đồng thời, với tiền sử diễn biến bệnh, chẩn đoán xác định cuối cùng của bệnh nhân là phản vệ với bột mì do hoạt động thể lực”, bác sĩ Khánh thông tin.

Theo bác sĩ Khánh, phản vệ với bột mì do hoạt động thể lực có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều ở trẻ vị thành niên và người lớn. Triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 6 tiếng hoặc hơn sau khi ăn bột mì và có hoạt động thể lực như đi bộ, chạy.

Triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, có thể có tiếng thở rít, rối loạn ý thức, hôn mê, thậm chí tử vong.

Theo đánh giá của các bác sĩ, đây là bệnh lý nguy hiểm tính mạng nếu không được chẩn đoán sớm. Vì vậy, người có tiền sử bị dị ứng như vậy tốt nhất nên tránh đồ ăn có chứa bột mì, đặc biệt không hoạt động thể lực sau ăn bột mì vì một lượng nhỏ thức ăn cũng đủ để phản ứng dị ứng xảy ra. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được điều trị giảm mẫn cảm nếu cần thiết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn