Cô gái trẻ mở mô hình sản xuất chuối chiên giòn để hỗ trợ nông dân Phú Yên

17:36 | 28/08/2019;
Tại một số vùng trồng chuối ở Phú Yên, người nông dân bán chuối nải theo ký chỉ 3.000 – 4.000 đồng. Thế nhưng, từ khi mô hình khởi nghiệp Chuối cô Na ra đời, người nông dân đã bán được giá cao gấp đôi và không lo chuối quá lứa bị thương lái ép giá.

Chủ dự án khởi nghiệp Chuối cô Na là cô gái trẻ Phạm Vi Na (Xuân Phước, Đồng Xuân, Phú Yên). Vi Na cho biết, bản thân từng là y sĩ nên cô hiểu được vấn đề về sức khỏe vô cùng quan trọng. Cô luôn mong muốn các bạn trẻ như cô hướng đến dòng sản phẩm sạch, không hóa chất. Vậy nên, Vi Na đã quyết tâm khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp sạch.

a1.jpg
Cô gái trẻ Phạm Vi Na - người sáng lập dự án khởi nghiệp Chuối cô Na

Ban đầu, cô dự định xây dựng vùng trồng vùng nguyên liệu chuối sạch để cung ứng thị trường. Cô đã thuê nhân công xử lý đất, xây hồ chứa nước, dựng hệ thống tưới... để chuối phát triển tốt. Thế nhưng thời tiết tại tỉnh Phú Yên thường xuyên gặp bão, lũ khiến chuối của cô không ra quả không đúng dự tính. Chuối không cho quả kịp dịp Tết nên sau Tết bị thương lái ép giá.

Cô vô cùng lo lắng trước cảnh chuối già quá lứa, nếu không bán sẽ bị hư mà bán thì giá quá thấp. Trong “cái khó ló cái khôn” cô bắt đầu chuyển hướng sang làm chuối chiên giòn để giải quyết vấn đề chuối chín. Những mẻ chuối sấy đầu tiên bung ra thị trường được nhiều thực khách khen ngợi và quay lại đặt mua. Từ đó, cô “bén duyên” với ý tưởng khởi nghiệp này. “Mình đã làm ra sản phẩm chuối chiên giòn bằng thủ công: lúc đầu mình chỉ nghĩ để giải quyết số chuối già, mình bán online giá 100 ngàn/kg, mình không nghĩ mức tiêu thụ ngoài sức tưởng tượng”,Vi Na cho biết.

a2.jpg
Sản phẩm của Vi Na đã góp phần tăng giá trị sản xuất cho người trồng chuối 

Một trong những khó khăn mà cô đã trải qua trong thời gian đầu khởi nghiệp là sản phẩm làm thủ công 100% không chất bảo quản, không phụ gia, cô không biết cách bảo quản, nhiều khách mua chưa ăn kịp thì chuối mềm. Cô đã đi tìm hiểu các cơ sở sản xuất Chuối Long Khánh, Đồng Nai, Bạc Liêu để học hỏi kinh nghiệm và tìm ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình.

Vi Na chia sẻ thêm: “Khi quyết định khởi nghiệp với dự án Chuối cô Na, mình chỉ nghĩ đơn giản là mô hình này vừa mang lại thu nhập cho bản thân vừa tăng giá trị sản xuất cho người nông dân. Người dân quê mình sẽ không bán chuối rẻ nữa, sẽ không lo bị ai ép giá. Thế nhưng, khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Gia đình ban đầu không ủng hộ, ba mẹ cứ khuyên thôi đừng làm nữa vì thấy cực quá. Con gái có công việc ổn định là được rồi. Còn các cô chú nông dân luôn động viên mình cố lên, họ rất phấn khởi khi dự án của mình triển khai. Nhiều lúc mình muốn từ bỏ nhưng nghĩ lại tâm huyết đã đổ dồn lên dự án rồi không được dừng”.

Tháng 5/ 2018 cô đã xây dựng nhà xưởng sản xuất chuối chiên giòn. Điểm khác biệt của sản phẩm của cô là sản phẩm đảm bảo quy trình an toàn từ khâu trồng đến khâu sản xuất thành phẩm. Sản phẩm Chuối cô Na không có chất bảo quản, các nguyên liệu đi kèm như dầu thực vật cũng được chọn từ chính dầu đậu phộng của quê hương.  “Qua một quá trình tìm hiểu và phân tích các đối thủ trên thị trường, độ chất lượng, lâu năm, thì Chuối cô Na đã tạo sự khác biệt là mong muốn  lan tỏa với thông điệp “sống xanh” một dự án “ xanh” đến người tiêu dùng”, Vi Na nhấn mạnh.

a3.jpg
Sản phẩm Chuối co Na tham gia gian hàng tại cuộc thi Startup Wheel 2019

Chỉ 3 tháng kể từ ngày tung sản phẩm đầu tiên ra thị trường bằng rao bán online trên mạng, Chuối Cô Na đã được tiêu thụ tại 43 đại lý ở các tỉnh, thành và các khu du lịch, chợ, trạm dừng chân. Hiện tại, cô đang kêu gọi vốn để đầu tư mở rộng xưởng và sản xuất thêm một số sản phẩm khác từ chuối. Bình quân mỗi ngày bán ra thị trường 50kg. Lợi nhuận khoảng lợi nhuận 50 – 60 triệu/tháng. Dự kiến trong tương lai doanh số vẫn còn tăng. Phía người trồng cũng được hưởng lợi. Trước kia, Phú Yên có rất nhiều vùng trồng chuối, người nông dân chỉ bán chuối nải với giá rất rẻ từ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Nhưng khi dự án khởi nghiệp của cô được hình thành thì cô đã thu mua chuối nguyên liệu với giá 7.500 – 8.000 đồng/kg.

Na cho biết: “Quy mô hiện tại đang nhỏ và mình cố gắng kêu gọi đầu tư để mở xưởng lớn hơn, đưa công nghệ hiện đại để tăng năng suất. Mong muốn của mình là  ưu tiên tuyển dụng các bạn khuyết tật hay có hoàn cảnh khó khăn vào xưởng làm việc để họ có thu nhập ổn định”.

Bên cạnh việc phát triển dự án khởi nghiệp, Na còn tham gia tích cực các phong trào của địa phương. Tháng 5/2019, cô được nhận bằng khen của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Phú Yên vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thành niên tỉnh Phú Yên.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn