Từ triết lý "diều bay cao là nhờ ngược gió"...
Không may khi lên 4 tuổi, sau một cơn sốt, chân trái của chị Đinh Thị Tuyết Đào bị teo dần và không thể đi đứng bình thường. Mọi việc sinh hoạt hàng ngày của chị đều phải nhờ vào chiếc nạng và người thân trong gia đình giúp đỡ.
Càng lớn, chị càng hiểu rằng "diều bay cao là nhờ ngược gió". Khó khăn bao nhiêu chị càng nuôi dưỡng ý chí vươn lên bấy nhiêu. Hạnh phúc đã mỉm cười với chị khi chị lập gia đình và lần lượt sinh được 2 người con. Chị đã phát triển cơ sở đan len nhỏ thành Công ty TNHH đan len Phước Đào. Đằng sau sự thành công hôm nay là một quá trình khởi nghiệp đầy gian nan, đôi lúc tưởng chừng vượt quá sức của chị.
Chị Đào kể lại, thời gian đầu kết hôn, chị thuê mặt bằng gần trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7, TPHCM) để bán văn phòng phẩm. Tuy nhiên, cửa hàng văn phòng phẩm buôn bán ngày càng ế ẩm, thu nhập bấp bênh. Cuộc sống gia đình chị vì thế lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất. Sau đó, chị chuyển sang nghề đan, móc len.
Chị học nghề từ mẹ chồng của mình. Với 10 triệu đồng của Hội LHPN phường hỗ trợ cho vay vốn xóa đói giảm nghèo, chị mạnh dạn đầu tư mua len để đan và kinh doanh. Ban đầu, chị đan áo ấm trẻ em. Vợ chồng chị chở nhau đi đến từng khu chợ để chào hàng.
Thời gian đầu, các tiểu thương chưa đón nhận sản phẩm của chị nhưng bằng sự kiên trì thuyết phục và sáng tạo trong từng sản phẩm, chị đã tạo dựng được những mối bán hàng đầu tiên. Dần dà, chị đã tạo được một kênh bán hàng rộng rãi. Sản phẩm của chị luôn có yếu tố độc lạ, đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Từ sản phẩm áo cho trẻ em, chị làm thêm áo cho người lớn, khăn, nón, vớ, túi xách...
...đến tạo thu nhập cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn
Khi công việc đi vào ổn định, chị mở lớp dạy nghề cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khuyết tật hoặc nhận dạy tại các lớp dạy nghề của Hội LHPN quận 7 và một số cơ sở Hội của Hội LHPN quận 8, Hội LHPN quận 4, để giúp các hội viên khác có nghề, có việc làm ổn định.
Chị Ngô Thị Anh Thư, một học viên lớp học nghề đan len của Hội LHPN quận 7, cho biết: "Tôi được tham gia lớp học nghề đan, móc len của cô giáo Đào. Tôi đã biết thêm được một nghề mới. Nhờ vậy, những lúc nghề may của tôi rảnh rỗi, tôi lại nhận đan, móc len. Thu nhập cũng ổn định hơn".
Chị Huỳnh Thị Út, học viên lớp nghề do Hội LHPN quận 8 tổ chức, chia sẻ: "Sau khi tham gia lớp học do cô Đào hướng dẫn, tôi đã đứng ra tập hợp các chị em ở gần mình thành một nhóm đan, móc len. Chúng tôi chuyên nhận các sản phẩm đan, móc len theo yêu cầu và cung cấp các mặt hàng đan, móc len thủ công. Nhờ vậy, chúng tôi có công việc ổn định".
Đồng hành với sự nỗ lực vươn lên của chị Đào là sự hỗ trợ của địa phương, trực tiếp là Hội LHPN các cấp. Chị Đào đã tiếp cận được với nhiều nguồn vốn vay chính sách. "Với ý chí, nghị lực của mình cùng với sự tiếp sức của Hội LHPN và chính quyền địa phương, gia đình chị Đào đã từng bước thoát nghèo bền vững, ổn định đời sống. Ý nghĩa hơn, chị đã nâng cấp cở sở đan len của mình trở thành Công ty TNHH một thành viên Phước Đào. Ngoài ra, chị đã tham gia các hoạt động Hội, là thành viên CLB phụ nữ khuyết tật, CLB nữ doanh nghiệp quận 7 và tích cực tham gia công tác dạy nghề, đào tạo nghề, tạo việc làm cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật như chị", chị Nguyễn Thị Hoa Sen, Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Hưng (quận 7, TPHCM), cho biết.
Chị Đào đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2020 và được Hội LHPN Việt Nam tặng Giấy chứng nhận "Phụ nữ - Phát triển và bảo vệ môi trường" năm 2020.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn