Cô gái xứ Nghệ 21 năm chống lại ung thư vẫn kết hôn, sinh con và ra mắt 3 đầu sách

12:09 | 17/12/2018;
Phát bệnh ung thư từ năm 16 tuổi, 21 năm sau đó cô gái Nguyễn Thị Phương (SN 1979, trú tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) đã kiên cường sống tiếp cuộc đời mình theo cách mà không ai có thể ngờ được: lập gia đình, sinh con và viết nên 2 tập truyện và 1 tập thơ về chính cuộc đời mình.
Nỗi đau bệnh tật và tình yêu từ người bạn đời
Đang ở độ tuổi đẹp nhất của người con gái, năm 16 tuổi, Phượng phát hiện mình bị bệnh ung thư tủy, tưởng như mọi giấc mơ của cô về cuộc đời đều chấm dứt từ đây. Sau một thời gian chữa trị, năm 21 tuổi, khi bệnh tình thuyên giảm, Phương vào miền Nam làm công nhân ở một khu công nghiệp với mong muốn vừa kiếm tiền chữa bệnh vừa phụ giúp gia đình. Thế nhưng, chỉ được vài năm, bệnh ung thư của cô lại tái phát. Xa gia đình, Phương một mình vào điều trị tại một bệnh viện ở TP HCM.
Cô gái Nghệ An 21 năm chống chọi với ung thư và hành trình kỳ diệu.
Tại đây, số phận dường như đã sắp đặt khi cho cô gặp chàng trai trẻ Trương Văn Chín (quê ở Tiền Giang). Ban đầu chỉ là quen biết, trò chuyện chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, chính Phương dù dành nhiều tình cảm cũng không hi vọng một chàng trai khỏe mạnh như anh Chín lại đem lòng yêu một cô gái bệnh tật lại lớn tuổi hơn như cô.
Thế nhưng, vượt lên tất cả, họ yêu nhau bằng thứ tình yêu trong sáng, không so sánh thiệt hơn. Trong những ngày chị Phương ở bệnh viện tại TP HCM, khi không có người nhà bên cạnh, anh Chín vừa đi làm vừa một mình ra vào chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho chị. Có đợt, vì đã dùng hết số tiền dành dụm được trước đó mà bệnh tình không thuyên giảm, bố mẹ ở quê lại giục chị về quê chữa bệnh để ông bà tiện đị lại, chị Phương quyết tâm chia tay anh Chín, mong muốn anh tìm được hạnh phúc dễ dàng hơn. Chị một mình bắt xe trở về Nghệ An.
Có lẽ từng đó thử thách là chưa đủ với tình yêu của anh Chín. Sau khi chị Phương về quê được ít ngày, anh Chín cũng lặn lội ra Nghệ An, xin bố mẹ cho mình đưa Phương trở lại TP HCM để tiếp tục chữa bệnh. Cảm mến người con trai miền Tây dù xa xôi vẫn thật lòng yêu thương con gái, bố mẹ chị Phượng đồng ý để anh đưa chị trở lại miền Nam chữa bệnh.
Hành trình của anh chị cũng từ đó là những lần đi đi về về với khoảng cách gần 1.500km giữa Nghệ An và Hồ Chí Minh. Đến năm 2006, khi bệnh tình của chị Phương không có chuyển biến, anh Chín quyết định đưa chị về quê Nghệ An và anh cũng ở lại đây để chăm sóc chị. Không thể nói hết những bất ngờ, xúc động và biết ơn mà gia đình và người thân chị Phương dành cho anh. Còn với chị, dù yêu anh đến mấy, chị có lẽ vẫn không thể hiểu hết được tình yêu to lớn mà anh dành cho chị.
Những ngày tháng bệnh tật, nhìn anh Chín làm quần quật suốt ngày, chị thương anh nhiều lắm, cảm thấy khổ tâm vô cùng. Nhiều đêm nhìn anh ngủ, nước mắt chị lại lặng lẽ tuôn rơi. Nhiều lúc chị nghĩ, chỉ có khi mình chết đi thì anh mới đỡ khổ. Thế nhưng khi nhìn ánh mắt thương yêu, những lời động viên của anh, chị lại không đành lòng. Chị luôn thầm cảm ơn rằng dù số phận bất hạnh vì bênh tật từ sớm nhưng có lẽ ông trời đã thương tình để cho anh đồng hành bên chị trong những ngày khó khăn ấy.
Cậu con trai Bảo Phúc bên chị Phương
Cuộc sống cứ thế trôi đi, cho đến năm 2007, điều kỳ diệu đến với Phương khi các bác sĩ chẩn đoán chị đang mang thai. Đám cưới của Phương và Chín được tổ chức ngay tại bệnh viện, trước sự chứng kiến của các y bác sĩ, niềm hạnh phúc lại được nhân lên khi cậu bé Trương Bảo Phúc chào đời khỏe mạnh. Chị Phương, kể từ khi bị bệnh, có lẽ không bao giờ ngờ được, có những điều hạnh phúc tuyệt vời như vậy có thể đến với mình.
Hành trình chia sẻ qua những trang thơ - văn
Từ năm 2008, chị Phương đã không thể ngồi dậy. Những ngày tháng nằm trên giường bệnh, mỗi khi đỡ đau, chị Phương lại viết nhật ký. Chị thường viết về bệnh viện, về những bệnh nhân, về bác sỹ; chị viết về bệnh tật của chính mình, về tình yêu của người bạn đời và cả bộn bề những suy nghĩ, lo toan. Năm 2011, được sự động viên của người thân và bạn bè, chị sắp xếp lại những trang nhật ký đó, biên tập thành cuốn tự truyện.
Thông qua một người bạn, chị biết đến nhà văn, nhà thơ Đặng Vương Hưng. Để thuyết phục nhà văn giúp mình biên tập thành sách, chị gửi bản thảo kèm lá thư tay dài 10 trang. Cảm động và khâm phục ý chí của chị Phương cũng như đánh giá cao cuốn tự truyên của chị, nhà thơ đã dành thời gian để biên tập lại và đến tháng 7/2012, cuốn sách “Cổ tích tình yêu” ra mắt bạn đọc.
Cầm trên tay cuốn sách do mình viết, chị Phương rất vui, lại càng vui hơn khi cuốn sách nhận được phản hồi tích cực từ bạn đọc. Nhiều cuộc điện thoại gọi đến chị để chia sẻ, cũng như cảm ơn khi cổ tích tình yêu trở thành động lực giúp họ vượt qua khó khăn.
 
Những cuốn sách do chị Phương viết
Sau khi ra mắt cuốn tự truyện đầu tiên, chị Phương càng có thêm niềm tin vào cuộc sống, tự tin viết tiếp những trang sách của riêng mình, rồi chị quyết định làm thơ. Ban đầu vì không biết rõ niêm luật của thể thơ lục bát, chị lên mạng tìm hiểu. Bài thơ đầu tiên chị viết về mẹ, rồi dần dần là những bài thơ về chồng, về con trai và những điều về cuộc sống xung quanh. Đến năm 2014, chị cho ra mắt tập “Vầng trăng khuyết” với hơn 100 bài thơ lục bát.
Chị Phương cho biết, tựa sách phần nào miêu tả cuộc đời chị, một người sống chung với bệnh tật nhưng vẫn cố gắng vượt qua tất cả để được nhìn thấy ánh trăng, thứ ánh sáng dịu dàng và tinh khiết. Tiếp đó, đến tháng 10/2017, cuốn tự truyện thứ hai và là đầu sách thứ ba của chị mang tên “Hành trình kỳ diệu” đươc NXB Nghệ An phát hành. Đối với chị Phương bây giờ, viết sách là niềm vui, cũng như giúp chị sống có ý nghĩa hơn.
Câu chuyện cổ tích giữa đời thường của vợ chồng anh Chín, chị Phương khiến nhiều người cảm động.
Mặc dù bệnh tình của chị vẫn chưa thuyên giảm, cách đây vài tuần, chị Phương lại mới phải nhập viện điều trị nhưng dường như gia đình nhỏ của chị bây giờ đã sẵn sàng đương đầu với sóng gió. Anh Chín ban ngày đi làm, đêm về vẫn ân cần chăm sóc vợ con. Bé Bảo Phúc con trai anh chị bây giờ đã học lớp năm, thương bố mẹ, bé rất chăm ngoan và học giỏi. Mỗi lần đi học về, bé lại chạy vào ôm hôn mẹ, ở nhà bé cũng thay bố phụ việc nhà và chăm sóc chị Phương.
Câu chuyện về gia đình anh Chín, chị Phương và bé Bảo Phúc đẹp như cổ tích giữa đời thường. Dù trong tận cùng tuyệt vọng, khó khăn, họ vẫn vươn lên trong cuộc sống để sống đẹp, sống tốt. Như những lời tâm sự chị Phương gửi đến chúng tôi trước khi ra về: “Hãy cứ sống lạc quan, vui vẻ, yêu đời và hy vọng một ngày nào đó có những điều kỳ diệu sẽ đến với mình. Bởi vì chúng ta còn có gia đình, bạn bè và cả những tấm lòng biết sẻ chia. Còn nhiều và nhiều lắm những người tốt ở xung quanh chúng ta”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn