Có gì bên trong trang trại chăn nuôi sạch nhất Việt Nam?

10:51 | 30/09/2017;
Áp dụng công nghệ vi sinh học hiện đại vào chăn nuôi, trang trại Thủy Thiên Nhu (Lạc Thủy, Hòa Bình) đã mở đường đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn mới.
Không giống như các trang trại chăn nuôi khác, được “đánh dấu” từ xa bằng mùi đặc trưng vật nuôi, khi đến tham quan trang trại Thủy Thiên Nhu, điều nhiều người ngạc nhiên hơn cả là không hề ngửi thấy mùi của lợn, của gà được nuôi thả, dù trang trại tại vùng núi Tây Bắc này đang sở hữu tới hơn 800 con lợn và 600-700 con gà.
trang-trai-5.JPG
Mô hình trang trại không chất thải tại Hòa Bình

Chị Bùi Bích Liên, chủ trang trại cho biết: đây là một trong những trang trại đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ EM vào chăn nuôi. EM là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Effective microorganism” có nghĩa là “vi sinh vật hữu hiệu”. Công nghệ vi sinh hữu hiệu EM là một công nghệ sinh học hiện đại, đa tác dụng và an toàn được phát minh bởi các nhà khoa học Nhật Bản trong những năm 80. Đến nay công nghệ này đã phát triển và được nghiên cứu ứng dụng rất thành công ở trên 200 quốc gia. Công nghệ này được sử dụng nhiều trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, sản xuất phân bón vi sinh, thuỷ sản, xử lý vệ sinh môi trường, cải tạo đất, sản xuất các thực phẩm và dược phẩm chức năng, xử lý làm sạch nước bị ô nhiễm, xử lý rác…
trang-trai-6.jpg
Chị Bùi Bích Liên và các chuyên gia Nhật Bản đi kiểm tra trang trại

Với việc áp dụng công nghệ vi sinh (EM) tiên tiến của Nhật Bản, trang trại luôn kiếm soát chặt chẽ quá trình chăn nuôi và trồng trọt từ khâu chuẩn bị thức ăn cho vật nuôi tới khâu xử lý chuồng trại, chăm sóc sức khoẻ hàng ngày cho vật nuôi bằng đệm lót sinh học, xử lý nguồn đất, nguồn nước bằng công nghệ vi sinh hữu hiệu. Vật nuôi được ở trên nền chuồng được lót đệm mùn cưa sinh học kết hợp hệ men vi sinh vật có ích, dày khoảng 90 phân, luôn ở nhiệt độ 30-35 độ C. Các vi sinh vật có lợi sẽ phân giải chất thải và tạp chất do lợn thải ra, ức chế, tiêu diệt và khống chế sự lên men sinh khí thối nên khu vực chăn nuôi được kháng khuẩn và khử sạch mùi. Không chỉ giảm được mùi hôi, mô hình trang trại áp dụng công nghệ EM còn giảm được 50-60% công lao động vệ sinh chuồng trại. Đệm lót cũng được tận dụng làm phân bón, rất tốt cho cây trồng.
trang-trai-4.jpg
Vật nuôi được nằm trên đệm lót sinh học kết hợp men vi sinh vật có ích,
giúp phân giải chất thải, khử mùi
trang-trai-8.JPG
Những đệm lót từ chăn nuôi được dùng để bón cho cây trồng
 
Trang trại áp dụng công nghệ hiện đại này được coi là mô hình trang trại sạch nhất Việt Nam hiện nay bởi trang trại chăn nuôi không có chất thải, không có nước thải, không có khí thải nên không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
trang-trai-2.JPG
Các con vật được đánh số thứ tự để kiểm soát chất lượng
 
Tại trang trại, vật nuôi được đánh số thứ tự, điểm danh hàng ngày để kiểm soát về chất lượng và dễ dàng truy xuất nguồn gốc sau khu xuất chuồng. Chuồng nuôi có bộ lọc khí, điều hòa, quạt và máy phun sương. Sống trong môi trường kháng khuẩn nên rất ít con vật bị bệnh. Nếu vật nuôi bị bệnh, chúng sẽ được chữa trị bằng các bài thuốc dân tộc tự chế từ những cây dân dã như tỏi, ớt, sả, gừng… 
trang-trai-1.jpg
Chuống nuôi đảm bảo các tiêu chí khắt khe
trang-trai-5.JPG
Sống trong môi trường kháng khuẩn nên con vật rất ít bị bệnh

Mô hình chăn nuôi tại trang trại vùng Tây Bắc này đang mở hướng đi mới, áp dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến phát triển nông thôn mới, nông thôn bền vững theo hướng tự nhiên.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn