Những ngày này, trong khi giáo viên khắp nơi hân hoan, vui vẻ chào đón ngày 20/11 thì cô Lò Thị Quyên cũng như các cô giáo vùng cao khác chỉ lặng lẽ nhận lời chúc mừng của bạn bè qua facebook. 14 năm gắn bó với nghề giáo nhưng cô Quyên hầu như chưa bao giờ được nhận hoa, nhận quà. Lần đầu được nhận bông hoa rừng của học sinh và lần thứ hai nhận 5 quả trứng của phụ huynh khiến cô nhớ mãi.
Là người Hòa Bình, cô Quyên lên Than Uyên, Lai Châu dạy học. Cuộc sống ở bản heo hút, hoang vu, thiếu thốn không khiến cô nản lòng. Chính tình cảm của những người dân, những đứa trẻ H’Mông chưa nói sõi tiếng Kinh, nhận thức còn hạn chế luôn níu giữ, khiến cô Quyên ngày càng yêu nghề.
Cô Quyên kể, mới hôm qua thôi, đồng nghiệp của cô dạy ở thị trấn thương các cô giáo vùng cao như cô không bao giờ được nhận quà 20/11 đã tặng cô mấy hộp dầu gội đầu.
“Cô bạn ấy kể, mỗi dịp 20/11 được phụ huynh tặng rất nhiều quà, gom lại cũng được cả thùng dầu gội đầu, sữa tắm, vài bộ áo dài và hoa thì chất đầy nhà. Trong khi đó, những giáo viên vùng cao như chúng tôi thì không bao giờ biết quà tặng là gì. Thế nhưng, điều đó đã trở thành thói quen và chúng tôi không mong chờ gì vào ngày đó. Chỉ cần nhận được lời chúc của những học sinh H’Mông ngây thơ: Cô giáo ơi, chúc mừng cô giáo nhé, là tôi đã cảm thấy vô cùng ấm lòng”, cô Quyên trải lòng.
Trong suốt cuộc đời dạy học của mình, cô Quyên nhớ mãi hai lần được nhận hoa, quà. “20/11 mấy năm trước, khi lên trường chính dự lễ mitting, tôi được học sinh tặng 1 bông hoa dại do em hái dọc đường và nói: Cô giáo ơi, cho cô giáo này mà khiến tôi rưng rưng cảm động. Đó là bông hoa duy nhất tôi được nhận trong cuộc đời làm nghề giáo của mình. Hay vào ngày 20/11 năm 2009, khi tôi địu con 2 tuổi đi bộ quãng đường 45 km trong suốt 8 tiếng để vào điểm trường trong bản thì một phụ huynh đến hỏi: Hôm nay là ngày vui của mày mà mày vẫn đến trường à? Ở trên này, tao nhìn thấy trên ti vi ngày 20/11 là tặng hoa cho cô giáo. Tao không có hoa, tao tặng 5 quả trứng gà này cho mày. Đó là món quà vật chất duy nhất tôi được nhận khiến suốt đời tôi không thể quên”, cô Quyên chia sẻ.
Với cô giáo Quyên, 14 năm gắn bó với trẻ vùng cao là biết bao kỷ niệm xếp chồng lên nhau thành những ký ức không thể phai nhòa. Kỷ niệm “tưởng thú dữ ăn mất con” cách đây 7 năm khi nhắc lại vẫn khiến cô Quyên ngập tràn cảm xúc, tưởng như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
“Năm 2010, đường vào bản, được mở để thuận tiện cho giáo viên đi lại, nhiều đoạn rất khó đi. Để cùng chồng bê xe qua đoạn đường sình lầy dài khoảng 50m, tôi đã dải chiếc chăn chiên xuống dệ đường và đặt đứa con 3 tuổi lên đó. Khi quay lại đón con, không thấy con đâu, tôi đã bật khóc nức nở. Lúc đó, đầu óc tôi quay cuồng, hoảng sợ khi nghĩ rằng, con bị thú dữ tha đi mất. Nhìn kỹ hơn, con bé đang lóp ngóp phía dưới chăn và đang nhặt bùn lên nhai. Nhìn thấy cảnh đó, hai vợ chồng đã ôm nhau khóc và tôi chỉ muốn bỏ nghề ngay lập tức”.
Thương con thì xuất hiện ý nghĩ bỏ nghề, chứ giờ trải qua 14 năm gắn bó với công việc dạy học ở vùng cao, khi được bố mẹ chồng ở Vĩnh Phúc gợi ý xin cho về xuôi dạy, cô giáo Quyên đã từ chối. Cô Quyên cho biết, sẽ gắn bó với trẻ em ở bản, ở xã Phúc Than đến khi nghỉ hưu vì tình yêu với trẻ vùng cao lúc nào cũng đầy ăm ắp, khiến cô không muốn xa chúng.