Sau khi tốt nghiệp đại học, cô Thu Thủy được phân công về giảng dạy tại trường THPT Yên Dũng số 2 (tỉnh Bắc Giang), sau đó cô chuyển công tác về trường THPT Ngô Sĩ Liên. Từ ngôi trường này, cô đã say mê nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sư phạm và ứng dụng vào thực tế giảng dạy.
Trong những năm vừa qua, cô và các đồng nghiệp đã nghiên cứu nhiều đề tài mang lại giá trị cho ngành giáo dục và cho xã hội như đề tài "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử độc đáo của mộc bản ở tỉnh Bắc Giang"; "Phát triển các kỹ năng STEM cho học sinh THPT thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học theo định hướng phát triển giáo dục mới"; "Xây dựng cẩm nang phát hiện và hỗ trợ điều chỉnh hiện tượng ái kỷ trên mạng xã hội ở học sinh THPT", cùng nhiều đề tài khoa học khác...
Năm 2019, cô Thu Thủy cùng nhóm cán bộ, thầy cô đã công bố đề tài "Phát triển các kỹ năng STEM cho học sinh THPT thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học theo định hướng phát triển giáo dục mới", được đánh giá cao tại tỉnh Bắc Giang. Đề tài đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo Kĩ thuật tỉnh Bắc Giang năm 2019; giải Ba Hội thi Sáng tạo Kĩ thuật toàn quốc năm 2019 và được lựa chọn công bố trong Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020.
Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn (STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học).
Nội dung bài học theo chủ đề STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, trong đó học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra. Thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh. Chính vì vậy, cô Thủy và nhóm đề tài đã nghiên cứu phát triển các kỹ năng STEM cho học sinh THPT thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học theo định hướng phát triển giáo dục mới, áp dụng vào thực tế giảng dạy.
Về đề tài "Xây dựng cẩm nang phát hiện và hỗ trợ điều chỉnh hiện tượng ái kỷ trên mạng xã hội ở học sinh THPT", cô Thu Thủy cho biết, đề tài này xuất phát từ hiện tượng ái kỷ trong học đường, tức là yêu bản thân quá mức như việc say mê chụp ảnh, đếm like... Xuất phát từ các lý do trên và mong muốn tìm hiểu thêm về hiện tượng ái kỷ trên mạng xã hội, giúp bản thân và bạn bè nhận thức rõ hiện tượng này và điều chỉnh kịp thời cách sử dụng mạng xã hội, cô và hai học trò đã lựa chọn đề tài này để triển khai. Đề tài xây dựng được hệ thống cơ sở lý luận, phân tích được thực trạng và đề ra giải pháp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đề tài đã được học sinh, phụ huynh, nhà trường và các cấp tỉnh Bắc Giang đánh giá cao.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn