Cô giáo làng đưa giấm vải đi Tây

16:49 | 05/11/2015;
Sản phẩm giấm vải do chị Bạch Kim Ngân sáng tạo ra đã có mặt ở 15 nước trên thế giới. Cách làm của chị Ngân đã và đang mở ra một hướng mới trong việc tiêu thụ sản phẩm vải cho bà con huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Xưởng sản xuất giấm vải của chị Ngân vào những ngày này luôn tấp nập. Mấy chục giáo viên của trường THCS thị trấn Chũ tranh thủ những ngày nghỉ hè đến làm với chị Ngân. Người tách long, người cho vải vào lò, người rửa, người ủ men... công xưởng hoạt động sôi động như một nhà máy thu nhỏ.
 
Năm 1993, chị Ngân về làm dâu đất Chũ - vựa vải của miền Bắc. Ở trường THCS thị trấn Chũ, chị Ngân là giáo viên môn hóa học. Thời điểm thu hoạch vải rất ngắn, mỗi khi bà con được mùa chị lại chạnh lòng vì vải ngon, ngọt là vậy mà phải bán đổ, bán tháo.

Trên lớp học, chị Ngân dạy các học sinh của mình những phản ứng hóa học rồi cả những công thức cao siêu nhưng thực tế chưa một nhà nghiên cứu nào giúp bà con bảo quản quả vải. Chị chịu khó mày mò ứng dụng những kiến thức mà mình đã lĩnh hội được vào cuộc sống của gia đình, trong đó có việc chị ủ vải để làm giấm. “Có những đêm trằn trọc không ngủ được, tôi đã vùng dậy để thử nghiệm. Hết lần này đến lần khác, biết bao lần thất bại và lại quyết tâm làm lại từ đầu, tôi mới tìm ra công thức đúng nhất. Quả vải kết hợp với mật ong nguyên chất đã tạo ra giấm vải”, chị Ngân nhớ lại.

Năm 2013, sản phẩm giấm vải được chiết xuất thành công. Giấm có mùi thơm dìu dịu của hương vải thiều đất Chũ rất đặc trưng mà các loại giấm khác không có được. Thời gian đầu, chị làm giấm để phục vụ gia đình. Sau đó, chị mang giấm cho các đồng nghiệp và bà con quanh vùng dùng thử. Ai cũng khen ngon.

Tiếng lành đồn xa, chẳng mấy chốc sản phẩm giấm vải của chị đã lan ra toàn tỉnh Bắc Giang. Được mọi người động viên, chị sản xuất nhiều hơn để bán cho các đại lý. Người tiêu dùng nơi nào cũng có phản hồi rất tốt về sản phẩm giấm vải này. Chị Ngân đặt tên sản phẩm là Giấm Kim Ngân.
Chị Bạch Thị Kim Ngân trong lần nhận giải thưởng từ công trình sản xuất giấm vải của mình
 
Chồng chị là anh Nguyễn Trường Giang cũng hết lòng ủng hộ chị. Anh Giang luôn dành thời gian giúp vợ mở rộng sản xuất. “Tôi là người Chũ nên tôi hiểu tấm lòng mà vợ tôi dành cho quê hương của chồng. Bán được nhiều giấm là góp phần tiêu thụ vải cho bà con, nên vợ chồng tôi càng quyết tâm từng bước cải tiến nhà xưởng rồi cách làm giấm vải”, anh Giang không giấu nổi niềm tự hào về vợ.

Ngày ngày chị Ngân vẫn lên lớp dạy học. Mùa vải chín vào dịp hè, chị cùng các giáo viên trong trường cùng tập trung mua vải cho bà con rồi chuyển về xưởng sản xuất. Sau mỗi năm qua đi, rất nhiều người ở các nơi, trong đó có các doanh nhân, doanh nghiệp... muốn liên kết cùng chị Ngân mở rộng sản xuất. Chị Ngân cũng đưa sản phẩm của mình lên mạng để quảng cáo. Bà con người Việt sống ở nước ngoài đọc được và họ đã liên hệ với chị Ngân. Họ đã tìm cách đưa sản phẩm giấm vải sang Anh, Mỹ, Nhật...

Từ việc chỉ sản xuất với quy mô nhỏ, giờ xưởng sản xuất giấm vải của chị Ngân đã được mở rộng gấp cả trăm lần so với trước đây. Đến nay, mỗi tháng chị sản xuất được gần 15 nghìn lít giấm vải. Riêng vụ vải năm nay, xưởng sản xuất của chị đã giúp bà con Lục Ngạn tiêu thụ 100 tấn vải tươi.

Hiện tại, việc làm ra sản phẩm, chị Ngân vẫn chưa thu lại được lợi nhuận. Giá bán giấm vải mới chỉ đủ bù cho chi phí. Tuy nhiên, những đại lý bán giấm vải thì đã có lãi.

Không dừng lại ở sản phẩm giấm vải, vợ chồng chị còn làm thử rượu vải và nước ép vải. Một công ty ở Bình Thuận đã đồng ý liên kết với vợ chồng chị Ngân để làm nước ép vải xuất khẩu. Kế hoạch này đang diễn ra suôn sẻ. “Dự kiến khi nhà máy mới hoàn thành, mỗi năm cơ sở của tôi sẽ tiêu thụ 5 nghìn tấn vải cho bà con. Đây là điều tôi mong muốn nhất”, chị Ngân cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn