Cô giáo mầm non có thể trở thành 'tội đồ' bất cứ lúc nào

13:50 | 24/02/2017;
Liên tiếp các vụ trẻ mầm non bị bạo hành khiến giáo viên mầm non phải 'gánh' những áp lực từ toàn xã hội. Nhiều giáo viên mầm non ngậm ngùi nói, đây là nghề bạc như vôi khi chỉ một lần mắc lỗi sẽ trở thành 'tội đồ'.
Giáo viên mầm non chịu rất nhiều áp lực từ các phụ huynh. Ảnh minh họa internet.

Hơn 10 năm trong nghề, cô Nguyễn Liên (giáo viên mầm non ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, đã không ít lần muốn bỏ nghề bởi quá nhiều áp lực từ phía phụ huynh. Cô Liên tâm sự:

"Giáo viên mầm non phải dành thời gian ở trường quá nhiều, từ 7h15 sáng đến 6h tối. Buổi trưa không được nghỉ, ngủ vì phải thức trông các cháu. Bởi, nhiều trẻ thường sốt vào buổi trưa, nếu không để ý trẻ sẽ lên cơn co giật. Ngoài ra, còn phải để ý từng cháu một đề phòng các cháu bị hóc dị vật…

Thường một lớp có 40-50 cháu, nhưng không phải cháu nào cũng nghe lời cô giáo. Nhiều trẻ ở nhà được bố mẹ cưng chiều nên khi cô nhắc nhở còn câng mặt lên mắng lại cô. Nhiều gia đình có điều kiện một chút thì coi thường cô giáo.

Việc cô giáo phạt học sinh là chuyện rất bình thường. Bởi, tất cả các hoạt động trên lớp từ việc học, vui chơi, sinh hoạt, các con đều phải tuân theo nề nếp. Điều này được nhắc đi nhắc lại nhiều ngày, nếu các con vẫn vô tổ chức thì sẽ nhận hình phạt của cô giáo. Khi tổ chức trò chơi hay khi các bạn đang chơi rất ngoan thì có những con quậy phá, trêu chọc bạn khiến cả lớp nháo nhào. Lúc này, cô giáo sẽ phải phạt để học sinh nhớ.

Công việc vất vả nhưng thu nhập của giáo viên mầm non không cao. Ảnh minh họa internet.

Việc phạt của cô chỉ với mục đích rèn con vào nề nếp. Thế nhưng, đôi khi cô dùng thước đánh vào tay, chân trẻ, vô tình trẻ ngọ nguậy lại vung vào phần mềm khác thì cô sẽ “gánh” hậu quả nặng nề. Nhiều gia đình hung hăng đến gặp hiệu trưởng làm ầm ĩ, hoặc gặp những cấp cao hơn thì “chuyện bé xé ra to”. Cô bị phạt thi đua, bị lãnh đạo chửi mắng… Thậm chí, nhiều khi cô “lãnh đủ” ngay cả với những lỗi không phải do mình gây ra. Như việc con chạy và trượt chân ngã trong lớp học, nghịch với bạn ngã ngoài sân, cô phải có trách nhiệm đưa con đi bệnh viện, lo phần chi phí khám chữa bệnh và phải chấp nhận mất thi đua.

Trẻ con bây giờ khá ranh mãnh. Nhiều đứa trẻ vì không muốn đến lớp đã sẵn sàng nói xấu cô giáo với bố mẹ khiến cho hình ảnh của giáo viên mầm non ngày càng trở nên xấu xí trong mắt phụ huynh. 

Tình yêu dành cho trẻ là điều khiến các cô giáo mầm non gắn bó với nghề. Ảnh minh họa internet.

Những lúc như vậy, không ít cô giáo mầm non chỉ muốn bỏ nghề. Như với tôi, làm việc được 11 năm, nhưng mức lương chỉ có 4 triệu đồng/tháng. Cộng thêm 1 triệu đồng trông trẻ buổi trưa, mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng không phải thứ để giữ chân chúng tôi với nghề. Những đứa trẻ đáng yêu, luôn dành cho cô giáo những lời yêu thương, những ánh mắt ngây thơ, trìu mến mới là điều khiến chúng tôi gắn bó với nghề.

Ở nhà, cả gia đình mấy người lớn “vật lộn” với một đứa trẻ còn cảm thấy mệt nhoài, và nhiều lúc muốn “phát điên”. Thế nhưng, 2-3 cô giáo phải quản lý mấy chục cháu/lớp lại “bị” đòi hỏi phải luôn nhẹ nhàng, không được cáu giận… e là rất khó. Nếu ai chỉ trích giáo viên mầm non thì chỉ cần một ngày làm công việc này, họ sẽ hiểu và thông cảm hơn với chúng tôi.

Sau nhiều vụ học sinh mầm non bị cô giáo bạo hành gần đây, những cô giáo mầm non phải chịu áp lực rất nặng nề từ toàn xã hội. Chỉ vì một số cô giáo không biết kiềm chế, khiến trẻ bị tổn thương mà rất nhiều cô giáo yêu trẻ bị áp lực, tai tiếng, thậm chí bị những người xung quanh tỏ ý khinh khi, coi thường.

Chúng tôi vẫn nói với nhau: Có làm tốt 10 điều, 100 điều, cống hiến nhiều như thế nào thì chỉ cần 1 lỗi sai thì tất cả sẽ quay lại vạch xuất phát. Áp lực, bất công bủa vây tứ phía, các cô sẽ không còn động lực đi làm nếu không vì thực sự có tình yêu thương với trẻ".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn