Sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhận tin các trường từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn Hà Nội tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, chị Phạm Khánh Hằng (Kim Liên, Hà Nội) lo lắng không biết gửi con ở đâu. Ông bà hai bên nội, ngoại đều ở xa, vợ chồng chị lại phải đi làm, cô con gái mới 2 tuổi rưỡi nên không thể mang đến nhà người quen gửi được. Chẳng còn cách nào, chị liền gọi cho cô giáo của cháu để nhờ trông giúp. Cũng may, chị gọi điện sớm nên cô giáo nhận lời. Cô giáo cho biết, chỉ nhận trông 3 trẻ. Trước chị Hằng, cũng có 2 phụ huynh đã gọi điện nhờ cô trông.
Với học phí 200.000đ/ngày, cô giáo nhận sẽ cho con ăn uống, dạy dỗ như ở trường. Con sẽ được học hát, học múa, được nghe cô kể chuyện và tham gia các trò chơi tĩnh, trò chơi vận động... Con sẽ được ăn 3 bữa là bữa sáng, bữa trưa, bữa phụ. Chị Hằng gửi con từ 8 giờ kém 15 sáng và đón con lúc 6 giờ chiều.
Chị Hằng cho biết, việc gửi con ở nhà cô giáo của chính lớp con mình lâu nay học có nhiều thuận lợi. Đó là việc con đã quen cô nên con không "giãy đành đạch" khi phải đi học. Cô cũng hiểu tính cách của con nên việc trông nom, dạy dỗ con cũng dễ hơn. Tuy nhiên, theo chị Hằng, dù muốn nhưng không phải bố mẹ nào cũng gửi con nhà cô giáo. Một phần là do cô không nhận trông nhiều trẻ để đảm bảo quy định phòng chống dịch, một phần là nhà cô không tiện đường các bố mẹ đưa đón.
Cũng giống như chị Hằng, khi các trường cho học sinh nghỉ dịch, chị Nguyễn Thuỳ Trang (Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội) cũng cuống lên tìm người trông con trai 3 tuổi. Trời nắng, chị muốn tìm giáo viên mầm non ngay trong khu chung cư để thuận lợi cho việc đưa đón con. Vừa đưa thông tin cần tìm giáo viên trông con tại khu chung cư CT1 Ngô Thì Nhậm ở facebook, chị đã nhận được thông tin phản hồi từ hai cô giáo mầm non.
Trong nhóm "Hội Giáo viên nhận trông trẻ tại nhà" trên facebook, các cha mẹ có nhu cầu tìm giáo viên mầm non trông con đều sớm có sự nhận lời của một vài cô giáo. Các cô giáo cũng có thể dễ dàng tìm cơ hội việc làm từ đây trong mùa dịch này.
Là giáo viên mầm non ở trường tư thục nên nghỉ dịch đồng nghĩa với việc không có tiền. Mấy lần nghỉ dịch trước, Nguyễn Thị Hạnh (giáo viên mầm non tư thục ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) đều phải về quê "ăn bám" bố mẹ. Nhưng năm nay, nghỉ dịch rơi vào sát thời điểm nghỉ hè nên cô mới không thất nghiệp.
Thời gian đầu, khi bố mẹ các cháu chưa sắp xếp được công việc nên gửi con đều đặn. Gần đây, một phụ huynh được ở nhà làm online nên hôm gửi hôm không. Tính ra, thu nhập mỗi tháng của em chỉ khoảng 5 triệu đồng, bằng với lương đi dạy. Nhưng như thế cũng là may mắn khi các cô giáo mầm non tư thục như chúng em vẫn có việc làm trong mùa dịch".
Cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên mầm non tư thục ở Linh Đàm, Q.Hoàng Mai, Hà Nội
Hạnh cho biết, ngay từ khi bắt đầu nghỉ dịch, 2 phụ huynh đã nhờ cô trông con. Một phụ huynh ở lớp nhờ trông con 4 tuổi, 1 phụ huynh cùng chung cư nhờ trông con 3 tuổi. Thêm đứa con 2 tuổi rưỡi của cô là 3 đứa trẻ. Cô tổ chức trông các cháu ngay tại nhà.
Mỗi ngày của Hạnh đều bắt đầu từ sáng sớm. Ngày nào cô cũng phải đi chợ để mua đủ thực phẩm, hoa quả, bánh trái cho 3 học sinh. Hạnh cho biết, nhận trông trẻ, việc đi chợ, việc chọn thực phẩm phải cầu kỳ hơn. Thực đơn của mỗi bữa, mỗi ngày đều khác nhau nên cô mất công hơn trong việc lựa chọn thực phẩm. Sau đó, cô phải dành thời gian để nấu nướng bữa sáng, bữa trưa cho các cháu. 7 giờ 30 sáng, phụ huynh đã mang con đến gửi. Từ thời gian đó, cô chỉ tập trung cho trẻ ăn, tổ chức các hoạt động cho trẻ chơi theo như lịch trên lớp mà cô dạy.
Hạnh cho biết, ở trên phố, phụ huynh có điều kiện hơn thì học phí của các con cao hơn, khoảng 200.000-250.000đ/ngày/trẻ. Nhưng ở chung cư bình dân như khu vực Linh Đàm thì học phí chỉ 150.000 đ/trẻ/ngày (trong đó bao gồm ăn 3 bữa- bữa sáng, bữa trưa, bữa xế). Trông ít học sinh hơn nên không vất vả như trông trẻ trên lớp. Tuy nhiên, cô lại bận rộn hơn ở việc đi chợ, nấu nướng cho trẻ và luôn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đó rất cần sự cẩn thận và tỉ mẩn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn