Chị Lê Thị Hương, 25 tuổi, giáo viên mầm non ở huyện Thường Tín (Hà Nội) chia sẻ: "Đây có lẽ là kỳ nghỉ Tết, nghỉ trăng mật, nghỉ dịch dài nhất trong cuộc đời tôi. Qua Tết được mấy ngày, tôi làm đám cưới nhưng vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên chuyến trăng mật Đà Nẵng của vợ chồng tôi bị hủy. Tưởng nghỉ vài ngày, ai ngờ đến hơn 1 tháng khiến tôi thật sự mệt mỏi và nhớ các con, nhớ trường".
Chị Hương cũng chia sẻ thêm, nghỉ đúng mùa cấy lúa nên chị phụ cả bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ đi cấy. Những năm trước bận đi dạy học nên không đi cấy, năm nay chị phải làm quen lại với việc này. Ngoài ra, chị cùng chồng đi buôn đồ nhựa - đây là công việc hàng ngày của chồng nhưng chị nghỉ dài ngày ở nhà nên ra chợ buôn cùng chồng. Tối về, chị lại lên mạng bán hàng online, tăng thêm kết nối với mọi người cũng như kiếm thêm thu nhập.
"Tôi và các đồng nghiệp rất nhớ các con ở lớp, mỗi ngày nhìn thấy chúng cười đùa khỏe mạnh là niềm vui nhất đối với chúng tôi. Các con giờ nghỉ ở nhà, bố mẹ đi làm không có người trông con, chúng tôi cũng lo lắm nhưng chỉ biết mong cho dịch sớm qua đi để trở lại trường, chứ cũng không biết làm gì hơn", chị Hương tâm sự.
Cùng tâm trạng như chị Hương, chị Nguyễn Thu Trang, 22 tuổi, giáo viên mầm non ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết, nghỉ dài ngày quá, chị đành xin đi bán hàng ở một siêu thị gần nhà với hợp đồng "bao giờ trường học mở cửa thì thôi". Chị Trang kể: "Mình chưa có con, ở nhà chẳng biết làm gì, chỉ nấu cơm hai bữa, quanh ra quanh vào. Nhiều giáo viên được nghỉ đồng nghĩa họ phải ở nhà trông con, hết việc này lại việc khác".
Chị Nguyễn Hương Xuân, 38 tuổi, giáo viên mầm non ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội), tâm sự: "Con cái tôi đã lớn nên không phải trông. Nghỉ dài ngày, tôi tham gia các hoạt động của Hội LHPN xã. Mấy hôm trước tôi còn hỗ trợ giải cứu dưa hấu trên địa bàn huyện, rồi sau đó tham gia dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng cây, trồng hoa khắp làng, rảnh nữa thì đi cấy thuê được vài buổi có thêm đồng ra đồng vào. Mấy đồng nghiệp của tôi ở nhà tranh thủ làm nghề phụ như đan lưới, đan nón hoặc làm nhiều đồ handmade để chuẩn bị cho ngày đến trường".
"Tôi chỉ mong dịch bệnh sẽ không còn đe dọa chúng ta nữa để trẻ em sớm trở lại trường học, chúng tôi cũng sớm được "giải cứu" không phải xoay nghề này nghề nọ qua ngày nữa", chị Xuân bộc bạch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn